Thứ Sáu, 04/12/2015, 10:17 (GMT+7)
.

Tipharco tìm chỗ đứng trong dòng chảy hội nhập

Với bề dày 30 năm hoạt động, Công ty cổ phần Dược phẩm Tiền Giang (Tipharco) được xem là một thương hiệu mạnh trên lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế và dần tìm được chỗ đứng quan trọng trong dòng chảy hội nhập hiện nay.

Dây chuyền sản xuất thuốc của Tipharco.
Dây chuyền sản xuất thuốc của Tipharco.

Tipharco hiện có 2 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP - WHO và hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng quy trình sản xuất đạt chuẩn, với khoảng 250 sản phẩm được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành trên toàn quốc.

Những năm gần đây, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Y tế đã phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” và Chương trình “Ngôi sao thuốc Việt” nhằm vinh danh những sản phẩm và doanh nghiệp (DN) dược Việt Nam tiêu biểu được xem là những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ cho ngành Dược Việt Nam phát triển bền vững, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân một cách ổn định và không lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Ngay khi Bộ Y tế phát động, Tipharco đã tham gia và đồng hành cùng chương trình.

Kết quả là sản phẩm Cefuroxim 500 mg, với công dụng điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, da, mô mềm của Tipharco đã đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” năm 2014. Để đạt được danh hiệu này, sản phẩm của công ty phải đạt được các tiêu chí: Sản phẩm thuốc được Bộ Y tế cấp phép lưu hành hợp pháp và phát triển lâu dài, có chứng minh tính an toàn, hiệu quả khi sử dụng và nhận được sự tin tưởng của cộng đồng.

Về mặt tác dụng và hiệu quả điều trị, các sản phẩm này hoàn toàn có khả năng thay thế thuốc nhập ngoại cùng loại. Bên cạnh đó, DN dược phẩm được tôn vinh phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sản xuất, bảo quản, phân phối và kinh doanh dược phẩm theo đúng các tiêu chuẩn thực hành tốt.

Tuy nhiên, không phải từ khi Bộ Y tế phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” mà ngay từ năm 2006, Tipharco đã đầu tư xây dựng 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP - WHO là Nonbetalactam và Betalactam; đầu tư Phòng Kiểm tra chất lượng GLP, tổng kho đạt tiêu chuẩn GSP. Tính bình quân mỗi năm Tipharco đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực, thay đổi máy móc, thiết bị hiện đại nhằm tạo ra nhiều sản phẩm với chất lượng tốt nhất.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, Tipharco tiếp tục đầu tư máy trộn, ép vỉ, máy sấy tầng sôi, máy dập viên. Đi đôi với đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, công ty còn tiến hành thử tương đương sinh học 8 sản phẩm thuốc, qua đó nhằm khẳng định chất lượng và nâng cao uy tín thương hiệu.

Chính nhờ yếu tố chất lượng đã góp phần đưa sản phẩm của Tipharco trúng thầu vào các cơ sở điều trị tăng từ 10 - 20% mỗi năm. Hiện nay, công ty có khoảng 250 mặt hàng thuốc, trong đó có nhiều mặt hàng được người tiêu dùng đánh giá cao.

Chưa dừng lại ở đó, Tipharco đang chuẩn bị đầu tư nhà máy sản xuất thuốc dược liệu. Mới đây, ông Phạm Quang Bình, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tipharco cho biết, nhà máy được đặt tại Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), với vốn đầu tư khoảng 67 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động hết công suất sẽ đạt doanh thu khoảng 100 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu của công ty lên 300 tỷ đồng mỗi năm.

Ban đầu, nhà máy sản xuất khoảng 30 - 40 sản phẩm, nguyên liệu sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước, một số được nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế, chuẩn bị đấu thầu, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2015 và hoàn thành vào năm 2016.

“Việc đầu tư thêm Nhà máy sản xuất thuốc dược liệu của Tipharco nằm trong chiến lược mở rộng sản xuất - kinh doanh của công ty và phù hợp với chiến lược phát triển của ngành Y tế. Bởi theo chiến lược của Bộ Y tế, đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, việc sử dụng thuốc nội trong các bệnh viện phải đạt 80%, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%” - ông Phạm Quang Bình cho biết.

Dây chuyền sản xuất thuốc của Tipharco.
Dây chuyền sản xuất thuốc của Tipharco.

Trong xu thế cạnh tranh, phát triển và trong dòng chảy của hội nhập, việc chuẩn bị các bước đi của Tipharco là cần thiết. Việc Việt Nam ký Hiệp định TPP vừa qua được xem là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho DN vươn ra thị trường thế giới nhưng cũng song hành những thách thức không nhỏ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Quang Bình cho rằng, TPP mở ra một cơ hội rất lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó có các DN trong ngành Dược. Bởi khi TPP có hiệu lực, DN có cơ hội rất lớn để tiếp xúc với các nước có ngành công nghiệp dược rất tiên tiến.

Tuy nhiên, thách thức mang đến cũng rất lớn, vì khi gia nhập hàng hóa của các nước thành viên của TPP nhập vào Việt Nam không phải đánh thuế nên tình hình cạnh tranh diễn ra sẽ rất gay gắt.

Nếu các DN không chuẩn bị tốt, tự mình vươn lên nhằm nâng cao kỹ thuật, chất lượng sản phẩm sẽ có nguy cơ yếu đi do áp lực cạnh tranh. Vì vậy, các DN trong ngành Dược nói chung, Tipharco nói riêng đang có bước chuẩn bị rốt ráo nhằm nâng cao chất lượng thuốc và tính cạnh tranh thông qua năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại khác.

“Ngành Dược có đặc thù là 90% nguyên liệu sản xuất đều phải nhập ngoại, nên khi gia nhập TPP cũng có thuận lợi là các DN được nhập nguyên liệu với giá rẻ. Tuy nhiên, những nước bán nguyên liệu cũng đồng thời sản xuất thuốc nên khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng được ưu đãi về thuế. Chính vì thế, cơ hội và thách thức đối với ngành Dược là song hành như thế. Cái chính yếu là khâu tổ chức sản xuất của các DN dược trong nước như thế nào. Trước tình hình này, Tipharco đã xây dựng những chiến lược phát triển và dần phát huy hiệu quả” - ông Phạm Quang Bình cho biết.

PHƯƠNG ANH

.
.
.