Thứ Tư, 09/12/2015, 14:54 (GMT+7)
.

Trước tác động của hạn, mặn: Tập trung cho công tác thủy lợi

Dù vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 ở vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công chỉ mới bắt đầu, nhưng từ tỉnh đến cơ sở đang chủ động các giải pháp để đảm  bảo cho vụ lúa lớn nhất của năm về đích an toàn (hay ít nhất là giảm thiệt hại thấp nhất có thể xảy ra) trước tác động của hạn, mặn.

MẶN SỚM HƠN DỰ KIẾN

Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết, trước đây cống Vàm Giồng được dự báo lấy nước không ổn định từ cuối tháng 11 và đóng ngăn mặn từ ngày 1-12. Còn cống Xuân Hòa dự báo lấy nước không ổn định từ ngày 16 đến ngày 29-2-2016 và sẽ đóng ngăn mặn từ đầu tháng 3. Song, thực tế cống Vàm Giồng đã đóng ngăn mặn từ ngày 21-11, sớm hơn dự báo 10 ngày và sớm hơn cùng kỳ năm 2014 đến 20 ngày.

Từ thực tế cống Vàm Giồng đóng ngăn mặn sớm hơn dự kiến nên Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Tiền Giang đã phải dự báo lại việc vận hành của cống Xuân Hòa. Theo đó, công ty dự kiến cống Xuân Hòa sẽ lấy nước không ổn định từ đầu tháng 2 và chính thức đóng ngăn mặn từ đầu tháng 3-2016.

Cống Vàm Giồng, cống quan trọng nhất cung cấp nước cho vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, đã đóng ngăn mặn sớm hơn dự báo.
Cống Vàm Giồng, cống quan trọng nhất cung cấp nước cho vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, đã đóng ngăn mặn sớm hơn dự báo.

Còn theo ghi nhận diễn biến mặn trên sông Tiền trong thời gian qua, ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang cho biết, qua quan trắc, ngày 20-11 độ mặn đo được tại Trạm thủy văn Hòa Bình (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) đạt 1,2 g/l, ngày 27-11 đạt 2,5 g/l, ngày 3-12 đạt 2,9 g/l.

Theo ông Thông, thời gian tới, mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu vào phía thượng nguồn các con sông. Đến cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2016, cống Xuân Hòa (cống còn lại duy nhất lấy nước vào vùng dự án) sẽ có thể đạt độ mặn khoảng từ 1 - 2 g/l.

Với diễn biến và dự báo về mặn hiện nay, các nhà chuyên môn nhận định, tình hình nước phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016 sẽ rất khó khăn. Theo tính toán của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão, mực nước nội đồng trong mùa khô này sẽ rất thấp. Cụ thể, từ ngày 16-2-2016 trở đi, mực nước nội đồng sẽ thấp hơn 0,2 m và xuống mức thấp hơn âm 0,3 m trong tháng 3.

TẬP TRUNG CHO THỦY LỢI

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 sẽ có nhiều diện tích xuống giống rất muộn. Theo ước tính của cơ quan chức năng, có khoảng 20.000 ha xuống giống từ ngày 20 đến 30-12 và trên 2.200 ha xuống giống sau ngày 1-1-2016. Với tiến độ xuống giống này, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tính toán, toàn vùng dự án có gần 20.000 ha có nhu cầu nước tưới đến ngày 15-3 và đặc biệt là còn trên 2.200 ha có nhu cầu nước tưới đến ngày 25-3-2016.

Cũng theo tính toán của cơ quan này, trong khoảng thời gian từ ngày 15-2 đến ngày 5-3-2016, nhu cầu nước cho lúa trong vùng khoảng 1,9 triệu m3/ngày, trong khi nguồn cung chỉ trên 1 triệu m3/ngày nên còn thiếu 830.000 m3/ngày. Qua đó, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho rằng cần có giải pháp cho những diện tích xuống giống sau ngày 20-12 như cắt vụ, chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày khác ít sử dụng nước; giống lúa ngắn ngày…

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn và địa phương, các giải pháp về cắt vụ hay chuyển đổi cây trồng rất khó có thể thực hiện trong điều kiện hiện nay. Từ đó cho thấy, giải pháp thủy lợi rất quan trọng trong vụ lúa đông xuân 2015 - 2016.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết, mặc dù việc chuyển đổi cây trồng khác thay thế cây lúa ở những khu vực thường gặp khó khăn về nước đã có tính tới, nhưng rất khó thực hiện vì còn nhiều vấn đề về kỹ thuật, đầu ra.

Vì thế, trong công tác phòng, chống hạn, mặn hiện nay, huyện xác định giải pháp trữ nước là chủ yếu. Theo đó, trong kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, huyện đã xác định 29 điểm bơm chuyền để bổ cấp cho những diện tích lúa thiếu nước.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn cho rằng, các địa phương cần xác định cụ thể những vùng khó khăn về nước để có cơ cấu giống phù hợp (sử dụng giống cực ngắn ngày, gieo mạ cấy, chuyển đổi sang trồng cây màu) và tập trung nguồn lực vào những nơi này (như tuyên truyền, hội thảo, nạo vét thủy lợi nội đồng…).

Còn tại Gò Công Đông, huyện cuối nguồn ngọt hóa cũng đã và đang tập trung rất mạnh vào công tác thủy lợi. Ông Lê Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, thời gian qua huyện đã triển khai thi công 22 tuyến kinh và chỉ đạo cho các xã nạo vét các kinh nội đồng, vệ sinh kinh mương, trục vớt lục bình; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức bơm chuyền 2 cấp ở 45 điểm, phục vụ cho trên 1.200 ha lúa.

Về phía tỉnh, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết, để kéo dài nguồn cấp nước cho các trà lúa xuống giống muộn trong vùng dự án, tỉnh đang xúc tiến thi công cửa lấy gạn nước thứ 2 của cống Xuân Hòa để lấy bổ cấp nước vào vùng dự án trong phạm vi độ mặn cho phép sau khi cống này đóng ngăn mặn. Bên cạnh đó, tỉnh đã có kế hoạch lắp 16 thuyền bơm tại cống Xuân Hòa để bơm bổ cấp cho dự án khi độ mặn cho phép (cửa lấy gạn không lấy được nước).

NGÔ VĂN

.
.
.