Xuất khẩu thủy sản lao dốc
Năm 2015 chứng kiến sự sụt giảm khá cao của nhóm ngành thủy sản xuất khẩu (XK). Tuy nhiên, trên bình diện tổng thể, kim ngạch XK toàn tỉnh vẫn tiếp tục đà tăng trưởng.
Thống kê của Sở Công thương cho thấy, XK thủy sản đang mất dần ngôi vị đầu bảng trong cơ cấu các ngành hàng XK chủ lực của tỉnh và đang có dấu hiệu lao dốc mạnh.
Bởi đến cuối năm 2015, theo số liệu của Sở Công thương cho thấy, mặt hàng thủy sản XK chỉ thực hiện khoảng 119.000 tấn, với trị giá 267,3 triệu USD, giảm 18,3% về lượng và giảm 17,8% về trị giá.
Nếu như những năm trước, thủy sản được xem là mặt hàng XK chủ lực của tỉnh, thường chiếm xấp xỉ 50% trong tổng cơ cấu kim ngạch XK. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố, ngành Thủy sản gặp nhiều khó khăn.
XK thủy sản gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2015. |
Lý giải nguyên nhân về thực trạng của ngành Thủy sản hiện nay, ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) cho rằng, trong thời gian qua hoạt động XK thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, giá cả sụt giảm.
Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên các nhà nhập khẩu cũng quan ngại dẫn đến giá cả không ổn định. Kết quả sản xuất - kinh doanh (SXKD) năm 2015 của công ty cho thấy, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đều giảm khoảng 20%.
“Trước khó khăn như thế, bản thân doanh nghiệp (DN) phải tìm cách giảm chi phí sản xuất. Chẳng hạn, đối với Công ty TNHH Đại Thành, phải làm thêm kho lạnh để trữ hàng, hạn chế sản xuất để giảm lượng hàng tồn kho, chủ động vùng nuôi, nhập máy móc sản xuất cần thiết để giảm chi phí sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có giá thành hợp lý để dễ cạnh tranh hơn”- ông Hà Văn Tính cho biết.
Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, nhìn chung hoạt động SXKD của hàng thủy sản thời gian qua thật sự không được tốt. Đối với thị trường nước ngoài, các rào cản về kỹ thuật, thương mại các nước vẫn duy trì áp dụng. Riêng trong năm 2015, do đồng Euro mất giá so với đồng USD làm cho thị thường châu Âu, thị trường chính tiêu thụ thủy sản Việt Nam, bị ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, trên bình diện tổng thể, kim ngạch XK của tỉnh năm 2015 ước đạt khoảng 1,722 tỷ USD, tăng 16,4% (tương đương tăng 242 triệu USD, trong đó kim ngạch XK túi xách tăng khoảng 200 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2014, đạt 107,6% kế hoạch năm 2015.
Theo đánh giá của Sở Công thương, kim ngạch XK tiếp tục đà tăng trưởng phần lớn nhờ XK hàng may mặc, túi xách, giày; tỷ trọng trong kim ngạch XK 3 mặt hàng này chiếm trên 60% (tăng 40% so cùng kỳ).
Còn với XK nông, thủy sản khó khăn tiếp tục, kim ngạch XK chỉ còn chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch của tỉnh, do nhu cầu nhập khẩu giảm trong khi nguồn cung các nước tăng, cạnh tranh dẫn đến giá giảm, bên cạnh đó thị trường ngày càng đòi hỏi độ an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, dư lượng thuốc trừ sâu…
So với năm 2014, thủy sản XK năm 2015 giảm gần 20%, riêng gạo nhờ có đơn hàng những tháng cuối năm nên dự kiến XK tương đương năm 2014. Riêng XK rau quả không đáng kể trong kim ngạch XK của tỉnh (chỉ chiếm 0,5%).
Thị trường châu Mỹ chiếm ưu thế Châu Âu không còn là thị trường chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường XK của tỉnh (chỉ chiếm 23%). Thời gian gần đây, các DN đã đẩy mạnh XK sang thị trường châu Mỹ, kim ngạch XK sang thị trường này tăng 33,5% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 40% trong tổng kim ngạch XK của tỉnh. Đáng kể là XK sang thị trường Hoa Kỳ tăng 21% so với cùng kỳ, chiếm gần 70% trong tổng kim ngạch XK sang châu Mỹ, chiếm 27,6% tổng kim ngạch XK của tỉnh, với các mặt hàng XK chủ yếu như: Hàng may mặc, ống đồng, giày, túi xách; các mặt hàng khác như thủy sản, gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo chiếm chưa đến 5%. Còn lại là các thị trường châu Á, châu Đại Dương và châu Phi. |
Cũng như thực tế những năm gần đây, kim ngạch XK toàn tỉnh trong năm 2015 tăng chủ yếu nhờ các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 60% trong tổng kim ngạch XK của tỉnh, các DN có vốn đầu tư trong nước chỉ chiếm khoảng 40%.
Thực tế cũng cho thấy, một số mặt hàng có giá trị XK tăng liên tục trong những năm qua, tập trung chủ yếu vào 3 nhóm hàng: túi xách, may mặc, giày.
Chẳng hạn như, túi xách ước thực hiện gần 13 triệu sản phẩm, trị giá 435,8 triệu USD (chiếm 25% tổng kim ngạch XK của tỉnh), tăng gần 2 lần cả về lượng và về trị giá.
Trong khi đó, hàng may mặc ước thực hiện 94 triệu sản phẩm, trị giá 381 triệu USD, tăng gấp 2 lần về lượng và tăng 21,5% về trị giá. Mặt hàng da giày ước thực hiện 25,5 triệu đôi, trị giá 284 triệu USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 13,7% về trị giá...
KHÁNH LINH