Thứ Hai, 04/01/2016, 15:04 (GMT+7)
.

Đi tìm giải pháp phát triển cây hành tím Tân Điền

Tân Điền (huyện Gò Công Đông) là vùng đất được thiên nhiên ưu ái có thể trồng và phát triển cây hành tím một cách thuận lợi. Nhờ giá trị kinh tế mang lại, thời gian qua, hành tím đã giúp nhiều người dân nơi đây tăng thêm thu nhập, có cuộc sống sung túc.

Hiệu quả kinh tế cao

Tân Điền là nơi duy nhất của tỉnh Tiền Giang mà cây hành tím có thể phát triển tươi tốt và cho năng suất cao. Trong 40 năm qua, hành tím đã giúp không ít người dân nơi đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Thu hoạch hành tím ở ấp Nam.
Thu hoạch hành tím ở ấp Nam.

Cứ vào dịp tháng 9 (âm lịch) hàng năm, người trồng hành tím ở Tân Điền bắt đầu gieo giống để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Do là loại cây ngắn ngày, thế nên thời gian từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch hành tím chỉ kéo dài 2 tháng.

Ấp Nam là nơi đầu tiên trồng hành tím của xã Tân Điền. Thời gian đầu, diện tích trồng hành tím còn khá khiêm tốn do phần lớn đất của xã chủ yếu là sản xuất lúa. Dần về sau, người dân mới bắt đầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đó hành tím ở xã mới bắt đầu được nhân rộng và phát triển

Những tháng cuối năm, thương lái ở địa phương và từ những nơi khác bắt đầu đến thu mua hành tím của bà con nông dân. Hành tím sau khi trồng khoảng 45 ngày tuổi thì thương lái đã bắt đầu đến tận ruộng để thu mua, chờ khoảng 10 - 15 ngày sau thì tiến hành thu hoạch. Theo một số thương lái cho biết, hành tím Tân Điền có màu đỏ sậm đặc trưng, khi ăn có vị nồng thơm hơn hành tím được trồng ở những nơi khác, nhờ vậy rất được ưa chuộng.

Ông Phạm Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện xã đã xuống giống khoảng 60 ha hành tím phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, rải rác ở 6 ấp trên địa bàn xã. Một số hộ dân đã bắt đầu thu hoạch, với mức giá bán như hiện tại, người trồng hành tím thu lợi nhuận khá cao.

Hiện tại, hành tím được các thương lái thu mua khoảng 20 ngàn đồng/kg, cao gần gấp đôi so với năm 2014. Năng suất trung bình cho mỗi công đất trồng hành tím (1.000 m2) đạt từ 1,2 - 1,5 tấn, với mức giá khá cao như hiện tại thì trung bình mỗi công đất trồng hành người dân thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ ấp Trung) cho biết: “Trồng hành tím khó có khả năng lỗ, hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau màu khác, công chăm sóc cũng ít hơn. Nếu so với trồng lúa thì lợi nhuận cao hơn gấp 3 - 4 lần”.

Nỗ lực tìm đầu ra

Mặc dù trồng hành tím mang lại giá trị kinh tế cao hơn các loại hoa màu khác, tuy nhiên trong những năm qua, nỗi lo lớn nhất của bà con trồng hành tím ở Tân Điền đó là việc đầu ra còn bấp bênh. Giá cả thường xuyên biến động khiến diện tích trồng hành tím tăng, giảm theo từng năm. Trong năm 2014, diện tích trồng hành tím của xã là 80 ha, hiện tại giảm xuống chỉ còn 60 ha.

Ông Trần Văn Trinh (72 tuổi, ngụ ấp Nam) cho biết: “Năm vừa rồi, giá hành tím từ 6.000 - 12.000 đồng/kg, nhiều người không có lãi. Trong khi chi phí đầu vào tăng cao, giá cả thì thấp, từ đó nhiều người không dám xuống giống trong năm nay”.

Với việc giá cả không ổn định, thêm vào đó là việc chi phí đầu vào cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trồng hành tím băn khoăn. Hiện tại, trung bình chi phí đầu tư cho mỗi công đất trồng hành từ 6 - 8 triệu đồng. Với mức đầu tư cao, trong khi đó giá cả thường xuyên biến động làm cho nhiều người đắn đo khi xuống giống.

Hiện tại, xã vẫn chưa thể tự sản xuất được nguồn giống, hàng năm người dân phải đi mua hành tím giống ở các tỉnh lân cận như: Sóc Trăng, Bến Tre… Năm nay, giá hành tím giống từ 35 - 50 ngàn đồng/kg, những năm khác có lúc hành giống lên đến 60 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi công đất cần xuống giống khoảng 100 kg.

Một trong những khó khăn làm hạn chế sự phát triển của cây hành tím nơi đây chính là khí hậu. Hành tím Tân Điền chỉ được trồng vào 1 mùa duy nhất trong năm. Hàng năm, từ tháng 9 đến tháng 12 chính là mùa của hành tím nơi đây, thời gian này, lượng mưa không nhiều, hành tím trồng sẽ ít bị thối củ. Ngoài ra, bà con trồng hành tím luôn phải đối mặt với các loại dịch bệnh diễn ra thường xuyên.

Anh Nguyễn Bá Nhẫn, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: “Thán thư, thối nhũn là những bệnh chủ yếu trên cây hành tím, trong đó nguy hại nhất là bệnh thối nhũn ảnh hưởng đến năng suất. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã mở các lớp tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật, phương pháp trồng hành tím và cách phòng trị các loại dịch bệnh”.

Ông Phạm Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay, việc sản xuất hành tím ở xã vẫn còn manh mún, đầu ra bấp bênh. Để giải quyết vấn đề khó khăn trong việc tìm đầu ra cho cây hành tím, xã sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm, thành lập tổ hợp tác để sản xuất hành tím, tạo dựng thương hiệu, giảm chi phí đầu vào. Một khi tìm được đầu ra ổn định mới khuyến khích người dân phát triển cây hành tím”.

MINH THÀNH

.
.
.