Thứ Hai, 11/01/2016, 14:18 (GMT+7)
.

Hành trình khẳng định thế mạnh rau màu của huyện Châu Thành

Rau là một trong những cây trồng có lợi thế cạnh tranh của Châu Thành. Dù trải qua những thăng trầm nhưng cây rau vẫn được nông dân lựa chọn, gắn bó. Vì thế, phát triển vùng rau bền vững; sản xuất an toàn, GAP là hướng đi mà huyện Châu Thành đã xác định.

Rau là cây trồng lợi thế của huyện Châu Thành, đang được quan tâm phát triển.
Rau là cây trồng lợi thế của huyện Châu Thành, đang được quan tâm phát triển.

1. Theo Phòng NN&PTNT huyện, nghề trồng rau ở Châu Thanh hình thành và phát triển rất lâu đời. Ngay từ trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng trồng rau Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Tân Hương cùng một số khu vực lân cận thuộc huyện Chợ Gạo đã được nhiều người biết đến với tên gọi quen thuộc là vùng rau Bến Tranh, cung ứng rau cho thị trường Sài Gòn.

Lúc đó, nông dân trồng chủ yếu các loại cải, hành, hẹ… và thường trồng xen lẫn với diện tích trồng lúa hay xen canh lúa - rau, chứ chưa hình thành nên những vùng chuyên canh rộng lớn theo từng chủng loại như bây giờ.

Nghề trồng rau lúc đó cho thu nhập khá tốt, thường cao hơn trồng lúa và là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Theo tài liệu ghi chép, năm 1975, diện tích đất rẫy trên địa bàn huyện Châu Thành là 1.845 ha (trong đó gồm rau ăn lá, rau ăn quả, củ). Nhưng cây rau trong vùng phát triển mạnh từ những năm 1986 trở đi, sau khi Nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp. Bởi khi đó người dân trong huyện bắt đầu đẩy mạnh việc đưa cây rau xuống chân ruộng.

Lúc này, rau Châu Thành không chỉ cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh mà còn mở rộng ra các vùng lân cận. Và sau thời gian phát triển, mở rộng diện tích trồng cũng như chủng loại rau, trên địa bàn đã dần định hình nên 3 vùng sản xuất rau.

Đó là vùng Nam Quốc lộ 1A sản xuất 2 vụ lúa - 1 màu với chủ yếu trồng cây đậu nành dưới chân ruộng; vùng hệ Cổ Chi sản xuất tập trung 2 vụ lúa - 1 vụ màu và cây ngắn ngày; còn khu vực Bắc Quốc lộ 1A trũng, bị nhiễm phèn sản xuất chủ yếu cây rau màu xen canh lúa.

Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, Châu Thành có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng và phát triển rau màu. Và cây rau màu đã thực sự khẳng định vị thế của cây trồng lợi thế trong huyện. Bởi trước hết, thủy lợi nội đồng đảm bảo nguồn nước ngọt quanh năm cho sản xuất.

Ngay cả đối với vùng đất nhiễm phèn cũng thích hợp cho cây rau má phát triển. Một lợi thế nữa mà nhiều nơi khác không có được là nông dân trong huyện có kinh nghiệm trồng rau lâu năm và nơi đây đã hình thành nên những vùng sản xuất rau chuyên canh đặc chủng. Đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi để cây rau phát triển mạnh trên địa bàn huyện. Và thực tế, đến nay Châu Thành đã trở thành vùng trọng điểm trồng rau của tỉnh, cây rau được huyện xác định là một trong những cây trồng có lợi thế ưu tiên phát triển.

2. Việc xác định lợi thế của cây rau trong cơ cấu kinh tế của huyện là tiền đề cho các ngành, các cấp quan tâm đầu tư, phát triển. Cụ thể, để cây rau phát triển bền vững, năm 2008 Châu Thành đã cho tiến hành quy hoạch vùng sản xuất rau đến năm 2015.

Việc quy hoạch này giúp cho việc định hướng phát triển cây rau một cách bài bản; các ngành, các cấp có điều kiện tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, triển khai các chương trình, dự án phát triển cây rau; kêu gọi doanh nghiệp gắn kết sản xuất với tiêu thụ; đẩy mạnh khâu tiếp thị, xúc tiến thương mại; vận động nông dân liên kết với nhau vào tổ hợp tác, hợp tác xã phù hợp cho từng vùng, từng loại rau.

Qua đó, đến nay trên địa bàn Châu Thành đã hình thành nên những vùng rau chuyên canh như vùng ngò gai, húng cây ở Long Định, Long Hưng, Thạnh Phú và 1 phần của Tam Hiệp với diện tích khoảng 400 ha; vùng trồng rau diếp cá ở Nhị Bình khoảng 180 ha; vùng trồng rau tổng hợp gồm dưa leo, khổ qua, bầu, bí, cà chua… ở Tân Lý Đông, Tân Hội Đông, Tân Hương, Thân Cửu Nghĩa với diện tích khoảng 250 ha.

Không chỉ thế, nhằm phát huy lợi thế cây rau, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân trên địa bàn huyện; đồng thời đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là thị trường TP. Hồ Chí Minh, năm 2011, Huyện ủy Châu Thành ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển rau màu.

Tiếp theo đó, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển rau màu của Huyện ủy đến năm 2015. Bằng nhiều giải pháp, cách làm, đến nay toàn huyện đã thực hiện trên 1.248 ha (Nghị quyết là 885 ha) sản xuất rau theo hướng an toàn, nâng tổng diện tích sản xuất theo hướng này đến cuối năm 2015 trên 1.294 ha trong tổng diện tích canh tác rau màu trên toàn địa bàn huyện 2.150 ha (Nghị quyết là 1.800 ha).

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện 3 mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở Thân Cửu Nghĩa, Long An, Long Hưng và đã được chứng nhận. Tiếp theo đó, nhà sơ chế rau cũng đã được đầu tư.

Song, thực tế dù có vùng chuyên canh trồng rau lớn bậc nhất tỉnh nhưng cây rau Châu Thành cũng gặp không ít khó khăn. Đó là giá cả còn khá bấp bênh đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nhiều hộ dân, việc xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau đang gặp khó.

Theo ông Hòa, nguyên nhân là do Châu Thành là vùng sản xuất rau lớn theo hình thức chuyên canh với sản lượng lớn, trong khi doanh nghiệp hợp đồng thường chuộng mua nhiều loại rau và số lượng mua không nhiều; năng lực hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn quá yếu kém.

Vì thế, thời gian tới, một mặt, huyện đẩy mạnh củng cố Hợp tác xã Rau an toàn Thân Cửu Nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất rau theo hướng an toàn, GAP; nỗ lực đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau.

Mặt khác, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ đăng ký thương hiệu cho các loại rau có lợi thế cạnh tranh; xúc tiến thương mại; xây dựng cánh đồng lớn trên rau... “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị, trên cơ sở vùng nguyên liệu rau hiện có, các trung tâm, viện, trường cần nghiên cứu phát triển việc chế biến rau thành các sản phẩm khác (trên địa bàn có 2 nhà máy chế xuất tinh dầu rau om)” - ông Hòa cho biết.

N.VĂN

.
.
.