Huyện Cái Bè: Nông dân tích cực chăm sóc khóm son phục vụ tết
Là loại cây đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tương đối dễ trồng, khóm son được nhiều nông dân ở huyện Cái Bè lựa chọn để canh tác. Hiện loại trái này đang được nhà vườn chăm sóc kỹ lưỡng để cho trái to đẹp, màu sắc bắt mắt nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Người dân huyện Cái Bè chăm sóc khóm son. |
Hiện toàn huyện Cái Bè có hơn 50 ha khóm son được trồng chuyên canh và xen canh với các loại cây ăn trái khác để đáp ứng nhu cầu chưng mâm ngũ quả ngày tết, tập trung tại các xã: Tân Thanh, Tân Hưng, Mỹ Lợi A, Mỹ Tân, Mỹ Đức Tây.
Theo các nhà vườn tại đây, muốn có khóm son phục vụ đúng dịp Tết Nguyên đán thì ngay từ tháng 2 âm lịch là bắt đầu trồng con giống. Từ ngày trồng đến thu hoạch, trái đạt yêu cầu mất khoảng 9 - 10 tháng. Khóm son có đặc điểm dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ít, không tốn nhiều công chăm sóc như các loại cây ăn trái khác, nhưng cần chú ý xử lý đúng thời điểm để cây ra trái đúng vào dịp tết.
Nếu để cây tự ra trái, trái sẽ không đạt chất lượng, cựa (trái non) không đều, khóm son sẽ bị mất giá. “Cái khéo là người trồng phải biết cách xử lý và chăm sóc để cây khóm son có nhiều cựa. Cựa càng nhiều giá càng tăng cao, mỗi trái chỉ cần ra được 2 cựa có bao nhiêu thương lái cũng mua hết.
Năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng 11 âm lịch là thương lái đến đặt tiền cọc cho nhà vườn và khoảng 20 tháng Chạp là thương lái bắt đầu đổ dồn về đây để thu mua khóm son đưa đi khắp nơi phục vụ nhu cầu chưng vào dịp tết” - Ông Trần Thanh Nghĩa, xã Mỹ Lợi A cho biết.
Hiện tại, thương lái đến tận các vườn đặt hàng với giá 12.000 đồng/trái/có 2 cựa, khiến cho người trồng phấn khởi. Bình quân 1 công đất trồng xen khóm son với các loại cây ăn trái khác sau khi trừ chi phí, người trồng thu lãi hơn 10 triệu đồng.
Chính những đặc tính dễ trồng, không kén đất, lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ ổn định nên khóm son được nhiều bà con lựa chọn trồng vào dịp tết. Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến, xã Tân Hưng (huyện Cái Bè) gắn bó gần 10 năm với cây khóm son cho biết:
“Năm nào gia đình cũng trồng từ 6.000 - 10.000 cây khóm son để đón tết, chi phí đầu tư rất thấp, sâu bệnh gần như không có, nhưng lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Chỉ cần canh thời điểm hợp lý để tưới khí đá vào ngọn khóm kích thích cây cho trái đúng vào dịp tết. Khi cây bắt đầu ra trái thì bón phân để cây khỏe mạnh ra cựa nhiều, người mua chưng ưa chuộng, bán được giá cao”.
Ông Nguyễn Văn Công, xã Tân Thanh, trồng 3.000 cây khóm son phục vụ tết phấn khởi nói: “Năm rồi gia đình tôi trồng xen với vườn xoài và chanh 2.000 cây khóm son, trái nhỏ bán được 10.000 đồng, trái to nhiều cựa bán hơn 20.000 đồng, thu lãi gần 20 triệu đồng. Hy vọng năm nay khóm son cũng bán được giá như năm rồi để bà con trồng khóm son có cái tết sung túc”.
Dù không phải là cây trồng chủ lực của bà con nông dân, nhưng mỗi khi tết đến, xuân về thì diện tích khóm son tăng lên đáng kể, góp phần tô điểm cho mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên ngày tết thêm ý nghĩa, làm đẹp thêm đời sống tinh thần của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Qua đó, cầu mong cho một năm sung túc, ấm no và hạnh phúc hơn.
VĂN MINH