Thứ Hai, 04/01/2016, 05:23 (GMT+7)
.

Sức bật mới cho kinh tế Tiền Giang

Nếu nhìn trên bình diện tổng thể của cả nước, Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết sẽ là một triển vọng to lớn để nền kinh tế Việt Nam phát triển trong năm 2016.

Bởi theo nhận định của các chuyên gia, năm 2016 các dòng vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) sẽ rút khỏi thị trường khác, tìm đến những nền kinh tế đang phát triển ổn định hơn, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi tốt hơn nhờ lạm phát thấp và hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) được cải thiện; chương trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế thông qua một loạt các bộ luật sửa đổi (Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Phá sản, Luật Đầu tư công...) sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích đầu tư tư nhân.

Những ngành có lợi thế của tỉnh sẽ được tập trung hỗ trợ.
Những ngành có lợi thế của tỉnh sẽ được tập trung hỗ trợ.

Kinh tế Tiền Giang nằm trong dòng chảy chung của cả nước và khu vực nên tất nhiên sẽ có những sức bật mới được mở ra. Vấn đề đang được đặt ra là, việc tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của Tiền Giang sẽ như thế nào. Và tất nhiên, việc lựa chọn lối đi riêng cho kinh tế tỉnh nhà là rất quan trọng. Bởi cơ hội và thách thức còn tùy thuộc nhiều vào cách tiếp cận của mỗi địa phương. Tiền Giang cũng không ngoại lệ và hiển nhiên là còn tùy thuộc vào cách tiếp cận của mỗi ngành có liên quan.

Dưới góc nhìn của ngành Công thương Tiền Giang, mục tiêu trong năm 2016 được đặt ra là ngành tập trung thu hút đầu tư, tạo điều kiện triển khai nhanh các dự án đầu tư, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của ngành Công thương. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh SXKD.

Đồng thời, ngành cũng thực hiện tái cấu trúc ngành Công nghiệp; tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, ngành Công thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 27-9-2011 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại và dịch vụ; Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 26-11-2013 của UBND tỉnh về Đẩy mạnh xuất khẩu trái cây tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013-2015.

Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không lệ thuộc vào một thị trường cũng là mục tiêu được đặt ra. Đồng thời, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại theo hình thức xã hội hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

Để đạt được mục tiê đề ra, ngành Công thương sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp tục triển khai hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch để thu hút đầu tư.

Tỉnh sẽ tập trung khai thác các dự án trong các khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh sẽ tập trung khai thác các dự án trong các khu, cụm công nghiệp.

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và chế biến sâu; công nghiệp may sẽ phát triển theo hướng giảm dần tỷ lệ gia công và nâng dần tỷ lệ sản phẩm tự thiết kế, sản xuất để tiêu thụ; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Đầu tư các sản phẩm công nghiệp chủ lực có tiềm năng và ưu thế cạnh tranh là một trong những lựa chọn mang tính chiến lược. Ưu tiên phát triển các ngành Công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt quan tâm công nghiệp chế tạo máy phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp để phát triển đồng bộ 2 ngành Công nghiệp và Nông nghiệp của tỉnh.

Đồng thời, ngành Công thương cũng nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp hiện có, phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống thông qua chính sách và ứng dụng công nghệ mới. Đẩy mạnh các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ như: Chế biến nông sản, thực phẩm, cơ khí nhỏ và cơ khí sữa chữa, các sản phẩm dệt, may, đan, lát thêu truyền thống… Hình thành các vệ tinh hợp tác chặt chẽ với công nghiệp chủ đạo của tỉnh để tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nông thôn.

Còn theo đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN), dự kiến trong năm 2016 các KCN tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư với số dự án và số vốn đầu tư tăng cao hơn năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 1,95 tỷ USD

Theo đánh giá chung, trước những cơ hội đang được mở ra, kinh tế Tiền Giang trong năm 2016 sẽ tiếp tục có những dấu hiệu lạc quan hơn. Nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.

Theo dự báo của ngành Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) năm 2016 sẽ đạt 76.500 tỷ đồng, tăng 18,2% so với ước thực hiện năm 2015; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 55.500 tỷ đồng, tăng 12,9%; kim ngạch xuất khẩu dự kiến 1,95 tỷ USD, tăng 13,2%; kim ngạch nhập khẩu dự kiến 1,2 tỷ USD, tăng 15,4%...

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN sẽ tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục và kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN theo đúng tiến độ; đôn đốc các dự á đang triển khai xây dựng hoàn thành đúng tiến độ đã đăng ký và đưa vào hoạt động.

Với những mục tiêu như thế, dự báo hoạt động của các doanh nghiệp trong năm 2016 tiếp tục duy trì ổn định và nâng cao chất lượng hoạt động SXKD, phấn đấu tăng từ 10-15% so với năm 2015. Dự kiến trong năm 2015, lao động trong các khu, cụm công nghiệp tăng khoảng 6.000 lao động, nâng tổng số lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 90.000 lao động...

KHÁNH LINH

.
.
.