Tân Phú Đông: Gắn công tác BVMT với khai thác tiềm năng kinh tế biển
Tuy là địa hình cù lao ven biển, nhưng hàng năm huyện Tân Phú Đông đều tích cực hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về bảo vệ môi trường và ngày môi trường thế giới 5-6 với các hoạt động thiết thực như trồng cây gây rừng phòng hộ, thả các loài sinh vật như tôm, cua… vào môi trường thiên nhiên, kết hợp tuyên truyền biển, đảo quê hương; đồng thời thẩm định 14 hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường và xác nhận 45 đề án bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, 17/17 cơ sở nuôi chim yến…
Rừng ngập mặn ven biển huyện Tân Phú Đông.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 850 ha rừng phòng hộ ven biển, tập trung tại 2 xã Phú Đông và Phú Tân. Thềm lục địa của huyện có khoảng 7 km tiếp giáp biển Đông. Hệ thực vật ở đây rất phong phú, đa dạng gồm bần, đước, mắm, dừa nước, cùng nhiều loài cây hoang dã khác, tạo thành những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn giữa biển nước mênh mông, rất thuận tiện cho việc khai thác phát triển ngành du lịch sinh thái.
Do đó, huyện đã tăng cường các biện pháp quản lý rừng phòng hộ như phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát tình hình vi phạm lấn chiếm, chặt phá rừng phòng hộ đào ao nuôi tôm, hoặc xây dựng công trình để khắc phục sửa chữa.
Tổ chức giao nhận khoán và bảo vệ rừng cho 2 tổ chức và 48 cá nhân, với tổng diện tích 541 ha; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh thử nghiệm mô hình gieo ươm cây ngập mặn tại ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, làm cơ sở cung cấp nguồn cây giống phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Huyện Tân Phú Đông còn chủ động phòng, chống thiên tai bằng những việc làm thiết thực như xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn hàng năm và phương án phòng, chống bão từ cấp 10 trở lên, triển khai các phương án và kế hoạch này cho 6/6 xã; đồng thời tổ chức các cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai cho cán bộ và nhân dân, nhất là các xã ven biển của huyện.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện phân công thành viên phụ trách địa bàn thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn ở các xã, nhằm kịp thời phát huy ưu điểm; đồng thời khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Với địa hình cù lao sông nước, huyện Tân Phú Đông có nhiều khả năng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái. Trọng tâm là khu vực Cồn Cống, xã Phú Tân, là nơi thích hợp cho việc nuôi trồng và khai thác thủy sản, đặc biệt là thủy sản nước lợ.
Kế đến là Cồn Ngang, là khu đất bãi bồi, có chiều dài 5,5 km, ngang 2,5 km, tổng diện tích 1.617 ha. Phần đất nổi của Cồn Ngang khoảng 150 ha đã được khai thác và trồng được các loại cây như phi lao, mắm… đã được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng thành khu du lịch sinh thái trong thời gian tới.
Theo đó, trong năm 2015, trên cơ sở xin đầu tư của Công ty cổ phần thủy sản Việt Úc trong lĩnh vực xây dựng sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, UBND huyện đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho nhà đầu tư thuê đất, lập dự án đầu tư; đồng thời hỗ trợ tạo điều kiện cho Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Chợ Lớn được khảo sát chuyên sâu và tham gia đầu tư dự án Cồn Ngang nhằm thành lập khu công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng.
Qua đây cho thấy tiềm năng kinh tế biển của Cồn Cống cũng như Cồn Ngang đều rất lớn. Ngoài ra, trong khu vực này còn có Cồn Vượt là vùng đất bãi bồi còn rất hoang sơ, nằm giữa 2 nhánh sông Cửa Tiểu và Cửa Đại xa về hướng biển Đông, cồn có chiều dài khoảng 10 km, ngang trên 3 km, nằm cách huyện Tân Phú Đông khoảng 12 km, là địa điểm thuận lợi cho huyện phát triển nghề nuôi thủy sản, nhất là nuôi nghêu trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh đó, trên cồn Vượt còn có nhiều loại cá nước mặn, lợ như cá đối, cá đuối… Như vậy, trong khi Cồn Ngang, Cồn Cống đang được huyện Tân Phú Đông lập dự án phát triển du lịch sinh thái thì Cồn Vượt có nhiều tiềm năng khai thác nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Điều này cho thấy loại hình kinh tế biển của huyện Tân Phú Đông rất phong phú, đa dạng.
Ngoài ra, khoảng cách giữa hai Cồn Ngang và Cồn Cống là dãy đất sạt lở rộng 154 ha, rất thích hợp cho loài nhuyễn thể 2 mảnh sinh sôi, nẩy nở. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Phú Tân, cư dân Cồn Cống đã tranh thủ khai thác mọi tiềm năng sẵn có do thiên nhiên ban tặng để phát triển kinh tế gia đình, xã hội.
Như vậy, có thể khẳng định tiềm năng kinh tế biển ở huyện Tân Phú Đông rất dồi dào. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và khai thác như thế nào để tiềm năng đó được phát huy cao nhất.
Do huyện cù lao, đời sống kinh tế chung của huyện còn chậm phát triển, nên ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả khai thác tiềm năng kinh tế biển hiện nay, nhất là dự án phát triển Khu du lịch sinh thái Cồn Ngang, tuy đã có chủ trương nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, cũng như Dự án xây dựng ấp Cồn Cống thành thị tứ hướng ra biển, mặc dù cơ sở hạ tầng cầu đường giao thông đã được nâng lên một bước đáng kể nhưng đến nay bộ mặt đời sống kinh tế của một thị tứ vẫn chưa được hình thành tại vùng đất này, mật độ dân cư còn thưa thớt.
Điều kiện khai thác, đánh bắt, nuôi thủy sản của một bộ phận ngư dân trên địa bàn huyện còn khó khăn do thiếu vốn, dẫn đến quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa, hiệu quả kinh tế thấp.
Do đó, để công tác bảo vệ môi trường gắn với khai thác tiềm năng kinh tế biển ở Tân Phú Đông đạt được kết quả cao hơn, bên cạnh sự tự thân phấn đấu của cán bộ và nhân dân huyện nhà, thiết nghĩ rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để những dự án của mục tiêu này sớm trở thành hiện thực.
HỮU DƯ
.