Thứ Bảy, 16/01/2016, 07:02 (GMT+7)
.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để vực dậy nghề nuôi nghêu

Nghề nuôi nghêu tại Tiền Giang được xác định có tiềm năng rất lớn, có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đem lại việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, hiện nghề nuôi nghêu đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Do đó, để vực dậy nghề nuôi nghêu cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Nghề nuôi nghêu đang đối diện với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững (Ảnh chụp thu hoạch nghêu ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông).
Nghề nuôi nghêu đang đối diện với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững (Ảnh chụp thu hoạch nghêu ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông).

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, nguồn nghêu giống phục vụ hoạt động nuôi nghêu ở Tiền Giang chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên nên rất khó kiểm soát chất lượng con giống, người nuôi nghêu không chủ động được thời vụ thả nuôi, cũng như áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật. Cụ thể, nếu nghêu giống nhiều thì thả nhiều, nghêu giống ít thì thả giống ít dẫn đến nghêu dễ phát sinh dịch bệnh, rủi ro trong nuôi nghêu ngày càng cao, sản lượng nghêu không ổn định.

Trong mô hình nuôi nghêu ven biển, đối tượng nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, người nuôi nghêu chỉ cần thả giống vào bãi bồi ven biển, định kỳ san nghêu theo thủy triều và chờ ngày thu hoạch. Vì vậy, bất kỳ biến động nào của môi trường đều gây ảnh hưởng trực tiếp đến nghêu nuôi và người nuôi nghêu không thể có biện pháp hữu hiệu nào xử lý tại chỗ, trừ biện pháp chuyển nghêu sang bãi khác nhưng thực tế cũng kém hiệu quả. Mặt khác, do nghêu sinh sống phụ thuộc vào thủy triều nên rất khó kiểm tra sức khỏe của nghêu thường xuyên, mà chỉ kiểm tra nghêu khi triều kiệt.
Bên cạnh đó, các tài liệu kỹ thuật, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về việc phòng, chữa bệnh trên nghêu rất ít. Vì vậy, cho đến nay người nuôi nghêu vẫn “tự do” chọn cỡ giống thả, mật độ thả… dựa vào kinh nghiệm nuôi là chủ yếu, chứ chưa có một tiêu chuẩn chung nào cho nghề nuôi nghêu. Mặt khác, việc thiếu nghiên cứu sâu về con nghêu cũng đã dẫn đến thực trạng nghêu bị chết hàng loạt trong các năm qua, nhưng không xác định được tác nhân để có biện pháp phòng trị kịp thời.

Mùa vụ cũng là một khó khăn trong mô hình nuôi nghêu hiện nay, bởi vì chưa chủ động được con giống nên khi nào có giống tự nhiên thì người nuôi nghêu mới bắt đầu thả nuôi. Các tài liệu kỹ thuật về nuôi nghêu rất ít nên cơ quan quản lý không đủ cơ sở khoa học để ban hành lịch thời vụ cụ thể. Hơn nữa, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp và không tuân theo chu kỳ nhất định nên việc áp dụng lịch thời vụ có thể không hiệu quả.

Các hộ nuôi nghêu chủ yếu hoạt động theo hình thức riêng lẻ nên không thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, áp dụng hình thức quản lý cộng đồng, cũng như áp dụng các chứng nhận như MSC. Ngoài ra, hoạt động theo hình thức riêng lẻ của các hộ nuôi nghêu cũng khiến cho mỗi hộ nuôi không áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng loạt, có hộ chú ý đến vấn đề vệ sinh bãi nuôi nhưng cũng có hộ xem nhẹ vấn đề này dẫn đến nền đáy bị ô nhiễm, mang nhiều mầm bệnh, từ đó gây ra dịch bệnh trên nghêu.

Ngoài ra, công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng nghêu giống mặc dù đã có quy định nhưng đến nay chưa được triển khai thực hiện, do đó nguy cơ dẫn đến tình trạng nghêu giống có chất lượng thấp, mang mầm bệnh vẫn được mua bán bình thường giữa khu vực này và khu vực khác, dẫn tới khả năng lây lan mầm bệnh trên diện rộng.

Cần  thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Để phát triển bền vững nghề nuôi nghêu, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt, cơ quan chức năng địa phương cần tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu Trung ương, tăng cường công tác theo dõi, quản lý tình hình nuôi nghêu, tập trung xác định tác nhân gây chết nghêu để có biện pháp phòng trị, cũng như triển khai chính sách hỗ trợ cho người nuôi nghêu bị thiệt hại do nghêu chết.

Về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, ương dưỡng từ nghêu cấp I, II lên nghêu trung (cỡ giống 200 - 300 con/kg) để cung cấp cho các vùng nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro do nghêu chết, đặc biệt là có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu hoàn thiện quy trình sinh sản nghêu giống nhân tạo để hạ giá thành sản xuất nghêu giống và tạo ra nghêu giống có chất lượng ổn định. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu lực quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn nghêu giống bố mẹ, quản lý tốt nguồn nghêu giống để san thưa nuôi thịt và cung ứng giống cho tổ chức, cá nhân nuôi, tạo ra một lượng lớn hàng hóa phục vụ chế biến xuất khẩu.

Khuyến cáo người nuôi nghêu thả giống với mật độ thấp và cỡ giống lớn (200 - 300 con/kg) nhằm đảm bảo cho thời gian từ thả giống đến thu hoạch khoảng 6 - 8 tháng; mùa vụ thả nuôi nghêu từ tháng 5 năm trước đến tháng 2 năm sau (DL) nhằm tránh khoảng thời gian nghêu chết nhiều. Khuyến cáo người nuôi nghêu tích cực vệ sinh các bãi nuôi, nhất là những hộ nuôi nghêu nhưng chưa có thói quen vệ sinh bãi nuôi, bởi nếu bãi nuôi nghêu không được vệ sinh, xử lý tốt thì đây là nơi ủ, chứa mầm bệnh gây ra dịch bệnh cho nghêu. Xây dựng chính sách khuyến khích người nuôi nghêu hoạt động theo hình thức HTX, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, chuyển giao khoa học - kỹ thuật.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.150 ha nuôi nghêu thương phẩm, tập trung tại xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) và xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông). Hàng năm, các vùng nuôi nghêu của tỉnh cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước khoảng 19.000 tấn nghêu thương phẩm. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 5 cơ sở sản xuất nghêu giống nhân tạo, hàng chục cơ sở ương nghêu giống (tùy thời điểm) và hàng trăm ha bãi bồi ven biển xuất hiện nghêu giống tự nhiên.

Các viện, trường, trung tâm giống cần tăng cường nghiên cứu và chuyển giao  rộng rãi kỹ thuật sản xuất giống nghêu nhân tạo, nhằm chủ động nguồn giống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các kỹ thuật nuôi, cũng như có được nguồn nghêu giống sạch bệnh, chất lượng đồng đều, giúp nghề nuôi nghêu phát triển bền vững. Cơ quan chức năng cấp Trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo diễn biến môi trường và mầm bệnh tại vùng nuôi nghêu tập trung để triển khai thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn nguồn lợi nghêu giống và khắc phục có hiệu quả tình trạng nghêu chết hàng năm.

Cần tiến hành thành lập Liên hiệp nghêu, thành viên gồm các HTX quản lý khai thác nghêu, các cơ sở thu mua, vận chuyển, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nghêu trong và ngoài tỉnh để tổ chức quản lý, tiến tới xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh nghêu Gò Công tại các thị trường xuất khẩu.

THÀNH CÔNG

.
.
.