TP. Mỹ Tho có 2 sạp bán thịt heo "sạch"
Chi cục Thú y vừa phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho xây dựng mô hình điểm về kinh doanh thịt heo “sạch” ở chợ Mỹ Tho (phường 1) và chợ Thạnh Trị (phường 4). Đây là mô hình từng bước làm chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng để lựa chọn, sử dụng thịt heo an toàn, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và góp phần trong việc kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả chất cấm trong chăn nuôi.
Người tiêu dùng lựa chọn thịt heo tại sạp Nam - Yến.
Sáng sớm 20-1, điểm bán thịt heo được kiểm soát chất cấm Nam - Yến ở chợ Thạnh Trị (phường 4, TP. Mỹ Tho) vừa mới khai trương đã có rất đông người đến mua. Người chọn thịt đùi, người chọn mua xương, người hỏi thăm về tình hình chất cấm trong thịt heo…
Bà Nguyễn Thị Tư, phường 7, TP. Mỹ Tho mua 1,5 kg thịt nạc ở đây cho biết: “Nghe thông tin hôm nay ở chợ Thạnh Trị có mở sạp thịt heo không có chất cấm nên tôi đến sớm để mua. Thời gian gần đây, trước thông tin chất tạo nạc có trong thịt heo nên gia đình hạn chế ăn vì không biết trong miếng thịt heo mà mình mua có chứa những chất độc hại đó không. Nay sạp thịt heo này được kiểm soát chặt chẽ về chất cấm nên mua về cho gia đình nấu ăn một bữa. Giá thịt heo ở đây cũng bán bằng hoặc thấp hơn các sạp thịt heo khác trong chợ”.
Bà Yến, bán thịt heo ở sạp Nam - Yến cho biết, sau khi khai trương sạp thịt heo không có chất cấm, lượng khách có tăng nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, tăng nhiều hay ít không quan trọng, bởi sạp thịt heo của bà khi treo bảng bán thịt “sạch” cũng không nghĩ đến chuyện kéo khách đến mua mà chỉ muốn tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng và đạo đức của người bán.
Còn sạp thịt heo Chế Phích ở chợ Mỹ Tho (phường 1, TP. Mỹ Tho) chuyên bán lẻ, sỉ thịt heo được kiểm soát chất cấm cũng thu hút đông người mua trong ngày khai trương sáng 20-1. Đang loay hoay chọn vị trí vào mua thịt ở sạp thịt heo này, chị Lê Nguyễn Thị Tiên, phường 3, TP. Mỹ Tho nói: “Sạp thịt heo có treo bảng được kiểm soát chất cấm, thịt heo có đóng dấu kiểm dịch, sạp có bảng cam kết, thú y luôn túc trực… nên chúng tôi yên tâm hơn so với các sạp thịt khác. Khi nấu chín, ăn cũng mạnh miệng hơn”.
Dù bận rộn với việc bán buôn, bà Nguyễn Thị Ba, chủ sạp thịt heo Chế Phích vẫn nói vọng ra khi được hỏi: “Những người chăn nuôi heo bằng chất cấm không những đã đầu độc người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến việc tiêu thụ của các tiểu thương. Bởi vậy, tôi đăng ký bán thịt heo “sạch” và từ từ khuyến khích các tiểu thương khác tham gia mô hình này. Có như vậy sức khỏe người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn khi ăn thịt và người nuôi heo bằng chất cấm sẽ không còn nghĩ tới nó nữa”.
Ông Trần Hoàng Nam, chủ sạp thịt heo Nam - Yến cho biết, mỗi ngày sạp của ông bán được khoảng 9 tạ thịt heo cho những người mua lẻ, bỏ mối cho các bạn hàng ở một số chợ, bỏ mối cho các điểm bán hủ tiếu. Nguồn thịt này đa số ông đều lấy từ các trang trại chăn nuôi ở xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho.
Các trang trại này đều được gia đình cung cấp các loại thức ăn, người chăn nuôi cam kết không cho heo ăn chất cấm và ông thu mua lại heo thịt với giá cao hơn thị trường 100.000 đồng/tạ. Trước khi khai trương sạp thịt heo không chứa chất cấm này, ông đã cam kết với các ngành chức năng tuyệt đối bán thịt heo “sạch”. Trong trường hợp sạp thịt heo có bán đắt, hết sớm mà muốn bán tiếp thì sẽ thông báo cho các cơ quan chức năng đến kiểm tra chặt chẽ nguồn heo rồi mới tiến hành bán tiếp.
Ông Trần Hoàng Nam (bên trái) cùng ngành Thú y trong ngày khai trương sạp thịt heo “sạch”.
Theo bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, việc cung cấp thịt heo không chứa chất cấm là một trong những giải pháp để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn việc chăn nuôi heo bằng chất cấm. Bước đầu, ngành chức năng thí điểm 2 sạp ở chợ phường 1 và phường 4 trên địa bàn TP. Mỹ Tho.
Sau đó, mô hình này tiếp tục được nhân rộng ra ở các chợ trên địa bàn thành phố và nhân từ từ ra các chợ trên địa bàn tỉnh. Mô hình này được kiểm tra rất chặt chẽ từ khâu chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và ra đến sạp thịt. Khi chủ sạp thịt heo muốn mua đàn heo ở đâu thì phải báo cáo.
Trước ngày mua, Chi cục Thú y sẽ tiến hành test nước tiểu xem có chất cấm hay không, nếu đây là nguồn heo sạch thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành bấm thẻ tai, chủ sạp vận chuyển dưới sự giám sát của thú y về lò giết mổ của Nhà nước.
Sau khi giết mổ xong, thú y tiến hành kiểm tra lại một lần nữa, đóng dấu kiểm dịch và chủ sạp vận chuyển đến sạp để bán. Trong quá trình bán, sạp thịt heo sạch này được ngành Thú y, cũng như Ban Quản lý đặc biệt quan tâm theo dõi để tránh tình trạng hết thịt rồi lấy thêm thịt trôi nổi bên ngoài về bán tiếp.
“Chúng tôi sẽ tích cực kiểm soát chặt chẽ các nguồn thịt nhập vào các sạp bán thịt heo sạch, người tiêu dùng chọn thịt heo ở các sạp này… thì từ từ những người nuôi heo bằng chất cấm sẽ bị tẩy chay thôi” - bà Mến nói.
SĨ NGUYÊN
TP. Mỹ Tho: Chủ động phục vụ hàng hóa tết
Ngày 20-1, ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho cho biết, để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, TP. Mỹ Tho dự trữ khoảng 240 tấn mứt các loại, 500 tấn gạo, 200 tấn đường các loại; 100 tấn bột ngọt, hạt nêm; 25 tấn trà, 180.000 lít nước chấm các loại, 90 tấn lạp xưởng, 300.000 lít dầu ăn, 76.000 thùng bia, 78.000 thùng nước giải khát và các hàng hóa thiết yếu khác.
Tổng trị giá hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán 2016 của 4 doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP. Mỹ Tho (Công ty TNHH Tiền Giang - Sài Gòn (Co.op Mart Mỹ Tho), Hợp tác xã TMDV Phường 1, Công ty Lương thực Tiền Giang, DNTN TMDV Thành Phát) dự kiến khoảng 342 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp này khi tham gia sẽ được xem xét vay vốn từ các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh (có xem xét ưu đãi về lãi suất trong thời gian 4 tháng). Ngoài ra, trên địa bàn TP. Mỹ Tho cũng có một số cơ sở nhỏ tham gia sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ tết.
S.N
.