"Vương quốc" mãng cầu Xiêm Tân Phú
Là nơi đầu tiên trồng và phát triển cây mãng cầu Xiêm mang tính thương mại, đến nay xã Tân Phú có diện tích trồng cây ăn trái này lớn nhất trong huyện, trong đó có những ấp diện tích cây trồng này chiếm đến 100% diện tích canh tác.
Một điểm thu mua Mãng Cầu Xiêm ở xã Tân Phú.
1. Theo nhiều nhà vườn trồng mãng cầu Xiêm xã Tân Phú, cây mãng cầu Xiêm có mặt trên địa bàn xã từ rất lâu đời nhưng chỉ trồng để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong gia đình, không mang tính thương mại. Cây trồng này chỉ thực sự xuất hiện và phát triển phục vụ yêu cầu trao đổi thương mại vào khoảng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000. Lúc đầu, cây được trồng ở ấp Tân Ninh, sau đó lan rộng xuống các ấp Tân Thạnh, Tân Thành…
Thấy cây trồng này cho thu nhập tốt, nhiều hộ bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi cây lúa, vườn cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng mãng cầu Xiêm. Đến nay, cây mãng cầu Xiêm đã mở rộng diện tích ra khắp các ấp trong xã, trong đó các ấp Tân Ninh, Tân Thạnh, Tân Xuân hầu như 100% diện tích đất sản xuất đều trồng mãng cầu Xiêm. Không dừng lại trên địa bàn xã, cây mãng cầu Xiêm còn phát triển sang các xã khác.
Đến nay, cây mãng cầu Xiêm đã có mặt ở các xã Tân Phú, Tân Thới, Tân Thạnh, Phú Thạnh, trong đó xã Tân Phú có diện tích trồng loại cây ăn trái này lớn nhất trong huyện.
Theo thống kê, năm 2005 toàn xã Tân Phú có 115 ha trồng mãng cầu Xiêm, đến nay đã phát triển lên trên 570 ha trong tổng diện tích trồng cây ăn trái này trên toàn huyện khoảng 850 ha. Diện tích phát triển, sản lượng trái tăng, kéo theo mạng lưới thu mua được hình thành và phát triển dọc Đường tỉnh 877B. Và giờ đây, cây mãng cầu Xiêm đã được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến.
Mãng cầu Xiêm đang là cây giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên khá, giàu ở xã Tân Phú.
2. Sở dĩ cây mãng cầu Xiêm phát triển mạnh trên địa bàn xã Tân Phú nói riêng và huyện Tân Phú Đông nói chung là nhờ đặc tính chịu phèn - mặn (mức độ cho phép) và hạn khá tốt nên phù hợp với vùng đất hàng năm bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt vào mùa khô của xã Tân Phú. Vì thế dù được trồng nơi vùng đất thường bị thiếu nước ngọt nhưng cây vẫn cho năng suất khá cao, khoảng 15 - 17 tấn/ha/năm.
Càng phấn khởi hơn khi thời gian qua, giá mãng cầu Xiêm ổn định ở mức cao, người trồng được lợi nhuận khá tốt. Ông Lê Văn Gạo, ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, là một trong những người tham gia trồng mãng cầu Xiêm từ rất sớm cho biết, trước đây khu vực này chủ yếu trồng lúa, năng suất rất thấp.
Từ khi chuyển sang trồng mãng cầu Xiêm thu nhập gia đình tăng lên thấy rõ. “Cây trồng này chịu hạn, mặn tốt, lại cho trái quanh năm, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây mãng cầu Xiêm cho lợi nhuận khá cao, khoảng 200 triệu đồng/ha/năm” - ông Gạo cho biết.
Xuất phát từ hiệu quả kinh tế, thời gian qua, các ngành, các cấp đã quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho nhà vườn thông qua các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật canh tác, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây mãng cầu Xiêm; hỗ trợ, thực hiện các chính sách đầu tư phát triển cây mãng cầu Xiêm như cho vay vốn.
Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với ngành Nông nghiệp huyện mở hàng chục lớp dạy nghề nông thôn trồng mãng cầu Xiêm như bo ghép, thụ phấn cho cây đậu trái…
Một điểm thu mua mãng cầu Xiêm ở xã Tân Phú.
Từ các hoạt động đó, đến nay ý thức của người dân về chăm sóc, phun thuốc đúng quy trình, bón phân cân đối; việc thụ phấn, xử lý ra hoa, cho trái vừa sức cây… được nâng lên đáng kể. Cùng với đó, để từng bước tạo đầu ra ổn định cho trái mãng cầu Xiêm cũng như tạo cơ sở để phát triển bền vững cây trồng này, tiến đến xây dựng thương hiệu mãng cầu Xiêm, xã Tân Phú đã thành lập Tổ hợp tác Kinh tế mãng cầu Xiêm xã Tân Phú.
Đặc biệt, trước tình hình bệnh khô cành, thối rễ trên mãng cầu Xiêm tăng mạnh, vừa qua Viện Cây ăn quả miền Nam đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu và hướng dẫn nhà vườn quy trình phòng trừ bệnh khô cành, thối rễ trên cây ăn trái đặc sản này của xã.
Không chỉ vậy, từ năm 2013, thông qua dự án của tỉnh, Viện Cây ăn quả miền Nam đã xây dựng mô hình sản xuất VietGAP trên cây mãng cầu Xiêm tại Tổ hợp tác Kinh tế mãng cầu Xiêm xã Tân Phú. Đến năm 2015, Tổ hợp tác đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 13,5 ha của 20 hộ tham gia.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, thời gian qua, hiệu quả kinh tế từ cây mãng cầu Xiêm mang lại cho người dân trên địa bàn xã đã rất rõ rệt, nhưng việc phát triển cây ăn trái này vẫn còn nhiều bất cập. Đó là dù ý thức về sản xuất cây mãng cầu Xiêm bền vững trong dân đã được nâng lên nhưng vẫn còn nhà vườn chạy theo lợi nhuận đã lạm dụng sử dụng phân thuốc, khai thác quá triệt để khả năng cho trái của cây dễ làm cho cây suy kiệt, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển.
Mặt khác, hệ thống kinh, mương ở nhiều vườn không đảm bảo yêu cầu thoát nước, chống úng. Điều đáng lo nhất hiện nay là diện tích mãng cầu Xiêm bị bệnh, suy kiệt có xu hướng tăng, trong khi công tác phòng trừ bệnh chưa phát huy hiệu quả đã đe dọa đến sự phát triển của vùng chuyên canh mãng cầu Xiêm trên địa bàn.
Mặt khác, việc tiêu thụ trái mãng cầu Xiêm phụ thuộc chủ yếu vào thương lái nên giá cả đầu ra còn bấp bênh, nhiều lúc gây bất lợi cho người sản xuất. Tổ hợp tác về sản xuất mãng cầu Xiêm đã thành lập trong thời gian dài nhưng vẫn chưa hoạt động hết chức năng...
Trước thực trạng trên, để tăng nguồn nước tưới cho cây, nhất là trong mùa khô, vừa qua, xã Tân Phú đã cho nạo vét 5,4 km kinh, mương; vận động nhân dân rong lá cây ở dọc các tuyến kinh, mương nội đồng để tăng khả năng dự trữ nước ngọt trong kinh, mương.
Còn về định hướng phát triển cây mãng cầu Xiêm trên địa bàn xã trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đấu cho biết, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây mãng cầu Xiêm; mở rộng diện tích trồng mãng cầu Xiêm theo tiêu chuẩn GAP để nâng cao chất lượng trái mãng cầu Xiêm trên địa bàn.
NGÔ VĂN
.