Anh Nguyễn Hoàng Long: Bám ruộng, vươn lên từ lúa - màu
Ra riêng được cha mẹ cho 3 công đất ruộng trồng lúa. Cũng vào thời điểm đó, thực hiện quy hoạch của chính quyền, gia đình trẻ của anh Nguyễn Hoàng Long, ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) phải dời nhà vào sống gần kinh Tham Thu để nhường chỗ xây dựng điểm dân cư. Cuộc sống của gia đình mới ra riêng vốn khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn.
Được dòng ngọt hóa chảy qua địa bàn đã giúp cho sản xuất lúa có điều kiện tăng từ 1 - 2 vụ lên 3 vụ trong năm, nhưng với 3 công đất ruộng trồng lúa của cha mẹ cho vẫn không thể giúp cho gia đình anh Long có cuộc sống thoải mái.
Thế nhưng cũng từ khi có dòng ngọt hóa này, trong vùng đã bắt đầu xuất hiện mô hình trồng rau, màu dưới chân ruộng. Qua những mô hình tiên phong cho hiệu quả tốt, anh Long quyết định “đưa cây màu xuống chân ruộng”.
Do chưa am hiểu kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm, những năm đầu trồng anh phải đi đến nhiều nơi để học hỏi kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh từ những người đi trước và đã không ít lần thất bại. Cuối cùng, mô hình luân canh lúa - màu cũng đã giúp cho gia đình anh tăng thu nhập đáng kể so với mô hình chuyên canh lúa trước đó.
Anh Nguyễn Hoàng Long vươn lên từ mô hình sản xuất lúa - rau màu. |
Thu nhập tăng lên, cuộc sống cải thiện dần, anh dành dụm tiền mua thêm 2 công đất ruộng, mua vật tư xây nhà. “Trong cuộc đời làm nông, vụ mùa nào làm cho anh nhớ nhất?” - tôi hỏi.
“Có lẽ ấn tượng nhất đối với tôi trong việc áp dụng mô bình luân canh lúa - màu là vụ đầu tiên trồng rau, màu phủ bạt. Đó là khoảng đầu năm 1990, khi thấy nông dân khu vực phía Đông của tỉnh trồng rau, màu phủ bạt cho năng suất cao, tôi liền mướn nhân công thường làm thuê trồng màu ở những nơi đó lên mô phủ bạt để trồng rau, màu.
Và vụ dưa hấu ruột vàng đầu tiên năm đó đã mang lại hiệu quả ngoài tưởng tượng khi trúng cả năng suất lẫn giá. Tôi còn nhớ vụ dưa đó cho năng suất 2,8 tấn/công, bán với giá 5.000 đồng/kg. Những vụ tiếp theo, phương thức trồng rau, màu phủ bạt cũng cho năng suất rất tốt, lợi nhuận đạt được tăng hơn so với cách trồng trước đó” - anh Long nhớ lại.
Không dừng lại ở đó, anh Long và vợ còn chăn nuôi heo, gà và “lấn sân” sang nghề mua bán trái cây, cá tại chợ trong xã để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Với số tiền dành dụm được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình, anh Long tiếp tục mua ruộng, đến nay diện tích canh tác của gia đình anh đã lên đến 1,1 ha.
Những năm qua, anh còn mướn thêm 6 công ruộng để mở rộng diện tích luân canh lúa - màu, mở rộng chủng loại rau, màu trồng. Nhờ thế thu nhập của gia đình không ngừng tăng lên. Cụ thể năm 2012, mô hình trồng lúa cho lãi 20 triệu đồng, dưa hấu lãi 76 triệu đồng, chăn nuôi gà lãi 25 triệu đồng.
Tuy nhiên theo anh Long, sản xuất nông nghiệp rủi ro rất cao và lợi nhuận không ổn định do chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, giá cả thị trường. Nhưng nếu nông dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất; đồng thời giảm thiểu được những rủi ro có thể xảy ra. Bởi qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa giảm tác động đến môi trường, hạn chế dịch bệnh…
Những điều có được này và áp dụng hôm nay là nhờ anh không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh từ bạn bè, các nhà chuyên môn. Hơn thế nữa, là hội viên Hội Nông dân, anh có điều kiện được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa, rau màu, từ đó tích lũy thêm kiến thức cho bản thân.
Anh thường xuyên luân canh các loại cây trồng khác nhau trên diện tích canh tác. Có năm anh trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu; có năm trồng 2 vụ màu, 1 vụ lúa, tùy vào điều kiện sản xuất và giá cả thị trường. Ngay cả đối với rau màu, anh cũng thường xuyên thay đổi chủng loại cây như có vụ trồng dưa hấu, có vụ trồng dưa gang hay trồng bầu, bí… vì thế năng suất cây trồng trên diện tích canh tác của anh thường khá tốt.
Đơn cử như vụ đông xuân 2014 - 2015, năng suất lúa của ruộng anh đạt đến 10 tấn/ha. Còn nếu tính trung bình thì năng suất lúa của ruộng anh đạt từ 7 - 8 tấn/ha/vụ. Những năm qua, dù luôn đối mặt với rủi ro, giá cả bấp bênh nhưng ước tính trung bình mỗi năm mô hình trồng lúa, rau màu, chăn nuôi của gia đình anh cho thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
“Hiện nay, tôi đang trồng 3 công đậu bắp, 5 công dưa gang, 8 công lúa, nuôi 2 con heo nái để bán heo con. Vụ tới có thể là trồng bầu, bí, dưa hấu và lúa… Tùy theo điều kiện sản xuất và giá cả thị trường khi đó tôi mới quyết định trồng cây gì để cho lợi nhuận tốt.
Sau bao năm nỗ lực, bám ruộng giờ đây cuộc sống gia đình của tôi đã tương đối ổn định. Dù vậy, bản thân tôi cũng luôn tự nhủ là không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời qua đó có thể truyền đạt kinh nghiệm sản xuất của mình cho những nông dân có nhu cầu để cùng phát triển” - anh Long chia sẻ.
NGÔ PHÚ ĐÔNG