Huyện Gò Công Đông: Dồn sức chống hạn cứu lúa vụ đông xuân
Trước tình hình hạn mặn diễn ra gay gắt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa đông xuân năm 2015 - 2016 và nước sinh hoạt cho người dân, ngày 9-2 (mùng 2 tết) và ngày 16-2, UBND huyện Gò Công Đông đã tổ chức 2 cuộc họp lãnh đạo các xã, thị trấn và các ngành có liên quan của huyện về tình hình ứng phó hạn, mặn, bảo vệ sản xuất.
Nông dân xã Phước Trung bơm chuyền nước cứu lúa đông xuân. |
Tại các cuộc họp, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông tin tình hình hạn, mặn diễn ra gay gắt, tình hình vận hành cống điều tiết nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, nhất là nước dành cho sản xuất vụ đông xuân.
Lãnh đạo các xã, thị trấn thông tin cụ thể về tình hình sản xuất lúa trên địa bàn, nạo vét kinh mương nội đồng; bơm chuyền dẫn nước vào đồng ruộng phục vụ sản xuất, công tác tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm nước trong tưới tiêu; tổ chức vớt lụt bình khơi thông dòng chảy ở các địa phương…
Tại cuộc họp ngày 16-2, ông Trần Minh Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết: Năm 2016 tình hình hạn và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, đây là hiện tượng 60 năm qua chưa xảy ra.
Toàn hệ thống Ngọt hóa Gò Công cần khoảng 1,8 triệu m3 nước trong 1 ngày, nhưng hiện tại cống Xuân Hòa chỉ có thể lấy được phân nửa. Vì vậy, các địa phương cần chủ động trong bơm trữ nước khi cống Xuân Hòa còn có thể duy trì lấy nước đến cuối tháng 2, khi nước trên thượng nguồn đổ về…
Vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, huyện Gò Công Đông xuống giống 11.138 ha, trong đó có 1.011 ha xuống giống sau lịch khuyến cáo có nguy cơ thiếu nước. Đến ngày 18-2 đã có 4.500 ha lúa trổ, hơn 5.500 ha lúa làm đòng. Số diện tích lúa bị thiệt hại từ 70% trở lên 770 ha/1.133 hộ, nhiều nhất ở các xã: Tân Phước, Tân Thành và Phước Trung…
Hiện các diện tích lúa sau khi cung cấp nước đầy đủ đã phát triển trở lại, tình hình sâu bệnh xảy ra với mật độ thấp, ít gây hại. Riêng diện tích 2 vụ ở xã Tân Điền nông dân thu hoạch 250 ha, năng suất bình quân 6 tấn/ha, giảm trung bình từ 2 - 3 tấn/ha do chất lượng nước kém.
Nhằm tích trữ nước phục vụ chống hạn, mặn đảm bảo tối đa nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân, với nhiều giải pháp quyết liệt theo sự chỉ đạo của tỉnh, huyện đã triển khai nạo vét các công trình thủy lợi năm 2016, đã thực hiện hoàn thành 10 công trình.
Song song với các công tác trên, huyện chỉ đạo tổ chức bơm chuyền 2 cấp hơn 37.000 giờ với 234 máy bơm để chống hạn cho khoảng 4.155 ha lúa đông xuân bị thiếu nước. Hiện xã Tân Điền không còn bơm do nhu cầu nước đã đủ, các xã còn tiếp tục duy trì bơm như Tăng Hòa, Phước Trung, Tân Đông, Kiểng Phước, Tân Thành, Bình Nghị…
Về tình hình nước sinh hoạt nông thôn mùa khô 2016, huyện đã mở 61/61 vòi nước phục vụ cho nhân dân. Đối với những hộ xa nguồn nước, huyện đang thống kê số hộ, nhân khẩu để đề xuất tỉnh hỗ trợ chi phí vận chuyển.
Do tình hình khẩn trương trong công tác phòng, chống hạn mặn, đảm bảo nước cho sản xuất lúa, trồng rau màu, chăn nuôi và nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô này, trước đó lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành chức năng và UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, đi thực tế kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình và có những chỉ đạo, nêu giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh:
Công tác phòng, chống hạn, mặn, phục vụ sản xuất lúa phải được ưu tiên hàng đầu, bằng mọi biện pháp dồn sức chống hạn cứu lúa; các xã, thị trấn cần tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân về diễn biến phức tạp của thời tiết, khí tượng thủy văn để chủ động đối phó với tinh thần tích cực nhất;
Huy động nguồn lực trong dân và đề xuất thi công các công trình bức xúc để chống hạn cứu lúa và nước sinh hoạt mùa khô; đảm bảo nước sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
THU HỒNG