Làm giàu từ hoa Tết
Nhành bông, giỏ hoa không thể thiếu mỗi khi tết đến, xuân về. Từ phố thị đến nông thôn, các loại hoa cúc, vạn thọ, mào gà… cứ đua nhau trăm hoa khoe sắc… Để được sắc màu rực rỡ, hương hoa bát ngát ấy, người nông dân đã đổ mồ hôi nâng niu, chăm sóc suốt thời gian dài. Cực nhọc như vậy nên thành quả mang lại là rất nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Nhành bông, giỏ hoa không thể thiếu mỗi khi tết đến, xuân về. Từ phố thị đến nông thôn, các loại hoa cúc, vạn thọ, mào gà… cứ đua nhau trăm hoa khoe sắc… Để được sắc màu rực rỡ, hương hoa bát ngát ấy, người nông dân đã đổ mồ hôi nâng niu, chăm sóc suốt thời gian dài. Cực nhọc như vậy nên thành quả mang lại là rất nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ông Lê Văn Sơn đang tưới hoa. |
Cứ như thông lệ, tờ mờ sáng là gia đình ông Lê Văn Sơn, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho đã có mặt tại ruộng hoa để chuẩn bị cho công việc ngày mới. Bởi người trồng hoa phải luôn theo sát diễn biến sinh trưởng của cây để kịp thời xử lý. Bật đèn pin sáng chói, rọi một vòng ruộng hoa rồi ông Lê Văn Sơn cho biết, ban đầu gia đình ông chỉ trồng vài trăm giỏ hoa cúc, hoa mào gà và vạn thọ trên phần đất nhà.
Thấy mình trồng hoa đạt, cuối năm bán được giá cao nên từ từ ông thuê đất trồng nhiều hơn. Tết năm rồi, gia đình ông sau khi trừ tiền thuê đất, các chi phí khác cũng kiếm lãi được trên 140 triệu đồng. Năm nay, ông trồng 4.000 giỏ cúc Hà Lan và 1.000 giỏ vạn thọ, mào gà. Nếu thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định như năm trước thì gia đình kiếm lãi không dưới 150 triệu đồng.
“Trồng hoa tết như đã ăn sâu vào máu thịt của dòng họ và gia đình tôi từ trước đến nay. Từ thời ông nội, rồi cha và bây giờ đến gia đình tôi. Qua tết, thấy người ta mua phân, tro, giỏ… về chuẩn bị trồng hoa thì trong lòng thấy chộn rộn, nôn nao; “máu” trồng hoa lại nổi lên và mình cũng tất bật đi mua theo” - ông Sơn bộc bạch.
Do say mê với nghề, chịu khó học hỏi, nắm bắt được kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nên các loại hoa của ông Sơn trồng luôn đảm bảo chất lượng, được thương lái nhiều nơi tìm đến và bán được giá cao hơn so với các hộ trồng hoa khác.
Hớp ngụm trà, ông Sơn tâm sự: “Nói thiệt, gia đình không có nhiều đất để trồng trọt, chăn nuôi nên phải bươn chải nhiều việc để chăm lo cho gia đình. Mỗi năm thuê đất để trồng 1 vụ hoa, sau đó chuyển sang trồng màu… Nhờ trồng hoa mà cuộc sống khá giả, các con có điều kiện ăn học”.
Đến với “thủ phủ” trồng hoa tết ở TP. Mỹ Tho, ông Nguyễn Văn Nuôi, ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong là một trong những người trồng hoa tết với số lượng nhiều và cũng có tiếng tăm trong làng hoa. Hàng năm, ông trồng từ 7 - 10 ngàn giỏ hoa các loại. Kết thúc vụ hoa năm rồi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông bỏ túi khoảng 300 triệu đồng.
Năm nay, gia đình ông trồng 10 ngàn giỏ hoa các loại: 2.300 giỏ mâm xôi, 2.000 giỏ vàng hòe, 2.000 giỏ cúc Hà Lan, 1.500 giỏ vạn thọ, gần 2.000 giỏ cát tường, 1.000 giỏ cúc đồng tiền… Bên cạnh việc trồng, ông Nuôi còn cung cấp hàng triệu cây vạn thọ, cúc… giống cho người dân nơi đây.
Để trồng được 10 ngàn giỏ hoa các loại, ông Nguyễn Văn Nuôi phải đi thuê đất ở nhiều nơi. Chi phí tiền thuê đất hiện nay rất cao, chỉ tính riêng tiền thuê đất của ông mỗi năm cũng không dưới 50 triệu đồng. Sau khi mùa hoa kết thúc, ông chuyển sang trồng rau muống, đậu xanh, đậu bắp… để trang trải cuộc sống hàng ngày và chờ đến vụ hoa tết.
“Nói thiệt, trồng hoa cực lắm! Nhiều hôm tôi phải xách thùng tưới nước từ sáng đến chiều, rồi tối lại phải phun thuốc tới khuya, 3 - 4 giờ sáng ngày hôm sau phải thức dậy sớm để xem phun thuốc và tưới phân hôm qua có hiệu quả gì không, rồi mới tính đến phương án khác. Tuy cực nhưng cuối năm bán được nhiều tiền, thấy ham lắm!” - ông Nuôi bộc bạch.
Còn đối với ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Hoa tươi Mỹ Phong (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) dường như cái nghiệp trồng hoa mang lại hương sắc cho đời đã ngấm vào trong con người ông. Ông Nhung cho biết, không trồng hoa không được, trồng riết thành ghiền. Mỗi năm, gia đình phụ thuộc rất nhiều vào vụ hoa tết và xem đây là “chén cơm” nuôi sống gia đình. Ngoài việc trồng trên 8.000 giỏ hoa các loại, ông còn cung cấp hàng triệu cây giống hàng năm.
Theo ông Nhung, trước đây nhiều tổ viên trong THT chưa trồng hoa, cuộc sống rất bấp bênh. Từ khi tổ viên tham gia trồng hoa với số lượng vài ngàn giỏ trở lên thì cuộc sống đã khá giả hơn. Tiêu biểu trong làng hoa này có ông Nguyễn Văn Nuôi (ấp Hội Gia), ông Lê Văn Sơn (ấp Mỹ Hưng), ông Phạm Văn Thanh (ấp Mỹ Lợi), ông Nguyễn Văn Trung, ông Ngô Tuấn Anh (ấp Mỹ Hòa). Người trồng hoa khá, giàu rất nhiều, nhưng đa số họ đều ngại tiếp xúc với cơ quan truyền thông.
“Trồng hoa không bao giờ lỗ. Nếu người nào trồng tệ lắm thì cuối năm phá huề mà thôi. Trung bình mỗi giỏ hoa đầu tư từ tiền thuê đất đến các chi phí khác chiếm khoảng 60%, còn lại lãi 40%. Nếu ai làm đạt, bán được giá cao và tận dụng được công lao động ở nhà thì lãi còn nhiều hơn” - ông Nhung khẳng định.
Không ai biết chính xác Làng hoa Mỹ Tho xuất hiện từ khi nào và bao nhiêu tuổi. Tuy nhiên, theo các lão nông trong vùng kể rằng, làng hoa xuất hiện trên đất Mỹ Tho từ trước năm 1975 với vài trăm giỏ lúc đầu, nhưng hôm nay làng hoa đã phát triển gần 1 triệu giỏ hoa các loại.
Ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho cho biết: “Các loại hoa được trồng phổ biến ở xã Mỹ Phong, xã Tân Mỹ Chánh, phường 9, phường 8 như: Cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, cúc vàng hòe, vạn thọ, mào gà… và chiếm trên 80% tổng lượng hoa; số còn lại là những giống được trồng từ việc thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thành phố như: Cát tường, lily và một số rau thực phẩm thử nghiệm làm kiểng chưng tết như dâu Tây, cà chua bi…
“Hàng năm, sau khi qua tết, chúng tôi đều đến dự buổi Lễ Tổng kết vụ hoa tết của nông dân ở Làng hoa Mỹ Tho. Nghe nông dân báo cáo có lãi và nhiều người lãi cao nên chúng tôi rất phấn khởi. Lãi cao nên năm sau số lượng hoa tết tăng đáng kể so với năm trước. Thấy vậy, chúng tôi tranh thủ phối hợp với các địa phương ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh để nông dân tiêu thụ hoa tết được dễ dàng hơn” - ông Tùng cho biết.
Có thể nói, Làng hoa Mỹ Tho không lớn bằng Làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), không nổi tiếng bằng Làng hoa kiểng Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) nhưng ngành chức năng và người dân Làng hoa TP. Mỹ Tho đang dần dần xây dựng thương hiệu hoa theo cách riêng của mình.
SĨ NGUYÊN