Phong trào "Nông dân thi đua SX-KD giỏi ": Một hành trình ý nghĩa
Thực hiện chủ trương của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; được sự quan tâm lãnh đạo chặt chẽ, sâu sát của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nội vụ phối hợp phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”(gọi tắt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”) từ năm 1995.
Đến năm 2013, phong trào này được nâng lên trở thành chuyên đề thi đua của Nhà nước. Qua 20 năm hoạt động, kết quả của phong trào đã tác động tích cực đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh ở địa bàn nông thôn.
Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi lan tỏa khắp nơi. |
Tiền Giang là tỉnh nông nghiệp với 173 xã, phường, thị trấn, trong đó có 163 xã là vùng nông thôn; 11 huyện, thành, thị; 1,7 triệu dân, trong đó có 1,4 triệu dân sống ở nông thôn; diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 80% diện tích tự nhiên của tỉnh. Vì vậy, việc thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” được tổ chức thực hiện tốt, đạt hiệu quả, chắc chắn sẽ tác động tích cực, chuyển đổi căn bản về tình hình kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Trên cơ sở chủ trương, kế hoạch phát động chung, hàng năm, liên ngành Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Nội vụ trên cơ sở tình hình thực tiễn của tỉnh, phối hợp đề xuất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” sâu sát thực tế.
Sau đó liên ngành có hướng dẫn nội dung chi tiết, xây dựng quy trình và tổ chức triển khai cấp tỉnh, huyện và cơ sở một cách đồng bộ ngay từ đầu năm. Sau đó tổ chức tuyên truyền phát động cho nông dân tự giác đăng ký tham gia. Trong những năm đầu kết quả đăng ký còn ít, về sau tăng dần theo hàng năm, đặc biệt khi phong trào nâng lên thành chuyên đề thi đua từ năm 2013 số lượng đăng ký của nông dân tăng lên rất cao.
Cụ thể, từ năm 1995 - 2005 số hộ nông dân đăng ký bình quân trên dưới 40.000 hộ nông dân/năm; đến năm 2013 trên 100.000 hộ nông dân; đặc biệt 3 năm qua, nhất là năm 2015 có 195.284 hộ đăng ký. Qua 20 năm thực hiện phong trào đã có trên 1,4 triệu lượt hộ nông dân đăng ký tham gia phong trào. Qua tổng hợp bình xét hàng năm đến nay có trên 909.061 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp, đạt 64,9% so với số hộ đăng ký.
Trong đó, cấp cơ sở 542.017 hộ, cấp huyện 273.109 hộ, cấp tỉnh 92.874 hộ và cấp Trung ương 1.064 hộ. Để cho nông dân có nguồn vốn tham gia thi đua sản xuất kinh doanh, ngoài nguồn vốn tự có, Hội Nông dân liên kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân và các dịch vụ tín dụng khác giúp cho bà con vốn để sản xuất, tính chung dư nợ hiện nay trên 2.000 tỷ đồng (dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 1.000 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội trên 900 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 54 tỷ đồng và các loại tín dụng ngân hàng khác).
Xây dựng 1.039 tổ liên doanh vay vốn, 1.067 tổ tiết kiệm vay vốn thu hút hàng chục ngàn hội viên nông dân tham gia giao dịch. Phối hợp với các ngành chuyên môn, nhà khoa học, các doanh nghiệp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân để họ có kỹ năng trong sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, hàng năm đều thực hiện khá tốt công tác này.
Nổi bật của việc thực hiện chuyên đề “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” 20 năm qua là đơn vị TX. Gò Công, huyện Châu Thành, huyện Gò Công Đông, TP. Mỹ Tho… Từ những kết quả đã đạt được, Hội Nông dân tỉnh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cờ dẫn đầu thi đua toàn quốc, Chủ tịch nước tặng 20 Huân chương Lao động các hạng, Thủ tướng Chính phủ tặng 100 Bằng khen, Chủ tịch UBND tỉnh tặng 11 Cờ thi đua, hơn 5.900 Bằng khen cho cán bộ, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu xuất sắc trong toàn tỉnh. Và năm 2013, nông dân Tiền Giang vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng I do Chủ tịch nước trao tặng. |
Đặc biệt, 3 năm gần đây đã chuyển giao trên 9.312 cuộc cho trên 316.911 hội viên nông dân tham gia, trên 80% qua dạy nghề có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận công nghệ thông tin, truy cập Internet, thông tin thị trường, hướng dẫn nông dân sản xuất kinh doanh theo phương thức kinh tế hợp tác - hợp tác xã.
3 năm qua đã tổ chức nhiều tổ liên kết sản xuất phối hợp cùng các doanh nghiệp thực hiện chương trình “Cánh đồng lớn” được trên 2.500 ha, tổ chức nhiều hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nông dân đạt hiệu quả khá tốt.
Toàn tỉnh đến nay có 99 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã, 1.427 tổ hợp tác với trên 18.000 hội viên. Nhiều mô hình mới, nhân tố mới đạt hiệu quả thiết thực như: Trên lĩnh vực lúa, màu nông dân đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nên năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
Hàng năm, gieo sạ đồng loạt theo lịch thời vụ trên 230.605 ha, đạt trên 100%, năng suất 59,33 tạ/ha, sản lượng 1.368.101 tấn; rau màu thực phẩm gieo trồng trên 40.000 ha, sản lượng trên 580.000 tấn; kinh tế vườn có hướng phát triển khá tốt, hiện nay có trên 75.000 ha, trong đó chủ lực là khóm, sầu riêng, thanh long, vú sữa, cam sành, sapô, bưởi da xanh, sơri, ổi, mãng cầu Xiêm… Nhiều nhà vườn thu hoạch khá cao, có hộ 1 - 2 tỷ đồng, nhất là nhà vườn trồng sầu riêng.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, qua thống kê có 565.000 con heo, 73.000 con bò, 7,5 triệu gia cầm. Khai thác thủy sản đạt sản lượng gần 200.000 tấn. Góp phần chung cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đạt kết quả khá tốt; trong đó giá trị ngành Nông nghiệp đóng góp GRDP gần 40%, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 36 triệu đồng/năm, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân nâng lên rõ rệt.
Thông qua chuyên đề “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” nhận thấy trình độ, kỹ năng trong sản xuất kinh doanh của nông dân được nâng cao, nhiều mô hình mới, sáng kiến mới đạt hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lao động hợp lý.
Trong 3 năm thực hiện chuyên đề thi đua đã có trên 8.935 hộ nông dân nghèo, khó khăn được các hộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp giúp đỡ, hỗ trợ về kinh nghiệm, vốn, con giống, vật tư,… giá trị trên 50,8 tỷ đồng; thông qua phong trào “Tết làm việc nghĩa” đã vận động và trao tặng trên 9.000 phần quà cho nông dân nghèo nhân những ngày lễ, tết; Hội đã trực tiếp vận động và xây dựng 36 “Mái ấm nông dân” có giá trị trên 1,5 tỷ đồng cho các hộ nông dân khó khăn về nhà ở; góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo đến nay trong toàn tỉnh đạt dưới 5%.
Kết quả trên là do sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp và sâu sát của cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng có liên quan, sự quan hệ phối hợp đồng bộ với các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; sự phấn đấu tích cực của bà con nông dân trong tỉnh, họ đã phát huy truyền thống cần cù, siêng năng, chịu khó trong học tập, lao động sản xuất để phấn đấu vươn lên; đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác xã hội từ thiện, công tác xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của bản thân và gia đình.
NGUYỄN VĂN QUANG