Tiền Giang trên đường hội nhập và phát triển
Hội nhập - câu chuyện tưởng chừng quá xa xôi nhưng thực tế đang đến rất gần, nhất là hội nhập về kinh tế. Tất nhiên, hội nhập kinh tế của Tiền Giang cũng sẽ dựa trên nền tảng của từng ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp hay thương mại - dịch vụ...
Thuyền đang chạy hãy cố giữ lái!
Khi nhắc đến hội nhập kinh tế, chúng ta đang nói nhiều về ngành Nông nghiệp bởi nó được dự báo sẽ chịu nhiều tác động, bên cạnh những thuận lợi là vô vàn thách thức.
1. Đó cũng là một lẽ đương nhiên vì kinh tế tỉnh nhà vẫn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Hơn hết, ngành Nông nghiệp được dự báo rất dễ bị tổn thương khi chúng ta tham gia vào sân chơi chung của kinh tế thế giới. Thế nhưng, công bằng mà nói rằng, đến thời điểm hiện nay sự tác động của tiến trình hội nhập kinh tế đối với ngành Nông nghiệp như thế nào vẫn còn là bài toán đang bỏ ngỏ. Dường như ngành Nông nghiệp, người nông dân cũng đang lúng túng trước xu thế hội nhập kinh tế đang đến rất gần.
Niềm vui của người nông dân khi hội nhập cũng chỉ là sản phẩm làm ra được mùa được giá. |
Chúng tôi mang câu chuyện hội nhập liên quan đến ngành Nông nghiệp về với người nông dân để tìm hiểu cách phản ứng của họ. Vào những ngày đầu Đông khi tiết trời se lạnh, cũng là lúc vào mùa của nhiều loại trái cây như: Xoài, cam, bưởi... Sẽ là niềm vui chung của nhiều hộ nông dân nếu sản phẩm năm nay của họ được mùa, được giá.
Ông Huỳnh Nguyên Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Lương (Cái Bè), cũng đồng thời là một nông dân thực thụ, dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi lông Cổ Cò đang cho trái trĩu quả và lý giải chi tiết về cách chăm sóc, bón phân, rồi cách tham gia mô hình VietGAP, cách xử lý cho năng suất cao, bán được giá.
Ông còn kể rành rọt về lịch sử của từng loại cây đã được trồng, bị đốn đi, rồi lại trồng. Cây cam sành, quýt đường ở vùng đất Mỹ Lương là một minh chứng rất rõ ràng trong câu chuyện của ông. Cũng phải thôi vì ông đã chứng kiến biết bao thăng trầm, sóng gió của cây trái vùng đất này.
Mấy mươi năm gắn bó với chuyện mua bán, ông Huỳnh Nguyên Anh cũng hiểu rõ từng ngõ ngách của thị trường tiêu thụ, không chỉ trong nước mà còn ở một số nước mà ông đã từng tham gia những chuyến chào hàng xuất khẩu.
Quy mô tiêu thụ của HTX Mỹ Lương thực sự không lớn so với sản lượng trái cây hàng năm của tỉnh nhưng hoạt động tương đối ổn định, mỗi tháng dao động từ 30 - 50 tấn trái cây các loại. Nhiều năm gắn bó với trái cây, nên ông hiểu rất rõ về những thăng trầm, bước đi của trái cây Tiền Giang.
Đối với việc tiêu thụ trái cây hiện nay, ông ví von với chúng tôi rằng: Thuyền đang chạy hãy cố giữ lái! Ông xem hoạt động của hợp tác xã như một chiếc thuyền, ra sông có khi gặp sóng to, sóng nhỏ mà chạy nhanh, còn may mắn hơn gặp mặt nước bằng phẳng mà đi một cách chậm chạp. Mỗi khi gặp sóng to, gió lớn điều quan trọng là người cầm lái phải vững vàng mới mong giữ được thuyền.
Đó chắc hẳn là cách hội nhập một cách thực tế nhất mà chúng tôi bắt gặp được ở người nông dân gần như cả đời gắn bó với ngành Nông nghiệp này. Và chắc chắn rằng, ngành Nông nghiệp trước sân chơi hội nhập đâu chỉ có trái cây, mà còn có cả chăn nuôi, thủy sản... Những nhóm ngành này còn được dự báo sẽ gặp “sóng to, gió lớn” nhiều hơn đối với trái cây. Nhưng có lẽ, với người nông dân họ chỉ mong sản phẩm làm ra có chất lượng, bán được giá cao.
Đơn giản đối với họ, hội nhập chỉ là thế. Bởi làm sao người nông dân có thể hiểu hết được hiện nay Việt Nam nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng đã ký kết và đang triển khai bao nhiêu hiệp định song phương hay đa phương, nào là: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Ấn Độ, FTA ASEAN - Australia/New Zealand... và mới đây là TPP. Hay làm sao người nông dân biết hết được có bao nhiêu dòng thuế liên quan đến nông nghiệp được cắt giảm theo lộ trình đã được ký kết.
2. Ai cũng biết rằng, việc thực hiện các cam kết thương mại song phương và khu vực sẽ góp phần tăng trưởng xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm; tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; bên cạnh đó còn góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo cơ hội để thay đổi cơ cấu sản xuất và phát huy cao hơn lợi thế của các ngành, hàng... Đó là những viễn cảnh mới được mở ra cho kinh tế nói chung và của ngành Nông nghiệp nói riêng.
Niềm vui của người nông dân khi hội nhập cũng chỉ là sản phẩm làm ra được mùa được giá. |
Nhưng hội nhập kinh tế đâu chỉ có màu hồng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã nhận định rằng, khi hội nhập, thuế nhập khẩu phải giảm xuống mức thấp nhất, hàng rào thuế quan để bảo vệ hàng hóa sản xuất không còn thì những hàng rào phi thuế quan (kiểm dịch động, thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm) sẽ được dựng lên.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong xuất khẩu nông sản, nhiều sản phẩm đã thâm nhập được vào những thị trường khó tính và chứng minh được vị thế độc tôn nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, nhất là các sản phẩm của ngành chăn nuôi. Tới đây, áp lực cạnh tranh là rất lớn, nếu không có biện pháp, chiến lược phù hợp, chúng ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các nước khác, nông dân buộc phải thu hẹp sản xuất.
Ngành Nông nghiệp của Tiền Giang cũng nằm trong bức tranh chung của nông nghiệp cả nước. Với sản lượng lúa hàng năm đạt trên 1,3 triệu tấn; hơn 1,2 triệu tấn trái cây các loại; trên 700.000 tấn rau màu thực phẩm; trên 150.000 tấn thịt hơi gia súc, gia cầm; gần 250.000 tấn thủy hải sản các loại, ngành Nông nghiệp Tiền Giang có lợi thế khá cao so với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL cũng như cả nước.
Tuy có nhiều lợi thế nhưng chắc chắn rằng, Nông nghiệp Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung cũng sẽ “hứng chịu” vô vàn những thách thức, khó khăn khi hội nhập kinh tế đang đến rất gần. Trên bình diện chung đó chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy thách thức nội tại rằng, hiện chỉ có hơn 60% nguồn lực xã hội dành cho nông nghiệp và chỉ chưa đầy 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; có hơn 80% nông dân có diện tích dưới 1ha...
Chính vì lẽ đó, chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã và đang đặt ra như một “cứu cánh” để vực dậy ngành Nông nghiệp trước nhiều sức ép hiện nay. Tuy chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng ít ra chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng nhằm đi đến mục tiêu đích thực là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp.
Đối với Tiền Giang, thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp được tập trung trên các sản phẩm chủ lực: Lúa, cây ăn trái (xoài, sầu riêng, khóm, thanh long), con bò, chim cút, nghêu và con tôm. Việc thực hiện mục tiêu này còn là một chặng đường dài, song nó cũng vẽ ra được đường hướng cho sự phát triển và thích ứng với hội nhập ngày càng sâu rộng...
“Dọn sân” đón khách
Thực tiễn cho thấy, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh những năm qua đã có hiệu quả tích cực thông qua việc gia tăng xuất khẩu hay thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cũng chính quá trình hội nhập đã thúc đẩy ngành Công nghiệp của tỉnh có bước tiến khá dài.
CƠ HỘI MỚI
Hội nhập đang đến rất gần, nhất là sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement - TPP) đã được ký kết mà Việt Nam là 1 trong 12 thành viên chính thức. Điều này mở ra cơ hội gì? Theo phân tích của các chuyên gia, TPP sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là rất sáng, nhất là của các tập đoàn lớn cũng rất rõ ràng.
Việc tiếp cận các thị trường rộng lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Canada... kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành lực hút đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế. Hơn nữa, ngay trong nội bộ TPP, Việt Nam cũng có thể thu hút dòng vốn đáng kể từ các nước thành viên nhờ tư cách thành viên các tổ chức kinh tế khu vực khác như AFTA, ACFTA.
Tiền Giang sẽ đón nhiều nhà đầu tư trong tương lai. Ảnh: Duy Khương |
Tất nhiên là hội nhập không chỉ mang đến cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mà chính các doanh nghiệp (DN) trong nước cũng phải chuyển mình để thích ứng. Quy luật đào thải chưa bao giờ diễn ra gay gắt như lúc này. Trong xu thế cạnh tranh, phát triển và trong dòng chảy của hội nhập, việc chuẩn bị các bước đi của từng DN là điều cần thiết.
Việc Việt Nam ký Hiệp định TPP vừa qua được xem là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho DN vươn ra thị trường thế giới nhưng cũng song hành những thách thức không nhỏ. Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Quang Bình, Tổng Giám đốc Tipharco cho rằng, TPP mở ra một cơ hội rất lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó có các DN trong ngành Dược. Bởi khi TPP có hiệu lực, DN có cơ hội rất lớn để tiếp xúc với các nước có ngành công nghiệp dược rất tiên tiến.
Tuy nhiên, thách thức mang đến cũng rất lớn, vì khi gia nhập hàng hóa của các nước thành viên của TPP nhập vào Việt Nam không phải đánh thuế nên tình hình cạnh tranh diễn ra sẽ rất gay gắt. Nếu các DN không chuẩn bị tốt, tự mình vươn lên nhằm nâng cao kỹ thuật, chất lượng sản phẩm sẽ có nguy cơ yếu đi do áp lực cạnh tranh.
Song “dọn sân” đón khách có lẽ là xu hướng chiếm ưu thế khi dòng chảy hội nhập đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Việc chuẩn bị các yếu tố về cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN là đòn bẩy quan trọng của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong dòng chảy chung này, thời gian gần đây tỉnh đã phối hợp với Trung ương triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các dự án cần phải kể đến như: Dự án Đường cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi, đường tỉnh 865, dự án đường Cần Đước - Chợ Gạo (đường tỉnh 879D)... và đang thực hiện các dự án liên quan Quốc lộ 1, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng kinh Chợ Gạo, đường tỉnh 864...
MỘT THỜI TĂNG TỐC
Những ai đã từng theo dõi kinh tế của tỉnh nhà chắc hẳn sẽ biết rằng dấu mốc quan trọng của ngành Công nghiệp được đánh dấu từ năm 1997 khi Khu công nghiệp Mỹ Tho được hình thành. Và tất nhiên, điểm nhấn quan trọng nhất của ngành Công nghiệp được bắt đầu từ năm 2001 đến nay. Bởi trong giai đoạn này, Tiền Giang đã phát huy mạnh mẽ vai trò là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đó là giai đoạn hình thành và đầu tư hoàn chỉnh các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), để đến hôm nay toàn tỉnh đã có 4 CCN (Trung An, Tân Mỹ Chánh, Song Thuận và An Thạnh) và 4 KCN (KCN Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang và Dịch vụ dầu khí Soài Rạp) góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp Tiền Giang đạt cao nhất so với những năm trước. Chính sự đầu tư tăng tốc này đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 81.570 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với năm 1997.
Tiền Giang sẽ đón nhiều nhà đầu tư trong tương lai. Ảnh: Duy Khương |
Đi cùng với việc đầu tư hạ tầng các KCN, CCN quan điểm nhất quán của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, có năng lực thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Song song đó là các chính sách ưu đãi, chính sách khuyến khích các thành phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Đó là động lực mạnh mẽ góp phần đẩy nhanh công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh thu hút được 11 dự án, với tổng vốn là 2.200 tỷ đồng, hiện nay Tiền Giang đã thu hút 231 dự án, với tổng vốn 48.608 tỷ đồng, tăng gấp 22 lần so với năm 2000...
Điểm đáng chú ý là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 77 dự án FDI được cấp phép hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD, thu hút và tạo việc làm mới cho trên 58.000 lao động. Chính nhóm nhà đầu tư này cũng đã góp phần đáng kể vào việc đưa giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn tỉnh tăng nhanh trong những năm gần đây.
Cần phải nhấn mạnh rằng, kim ngạch XK của tỉnh luôn là chỉ số có giá trị tăng trưởng rất ấn tượng và vượt mục tiêu đề ra, với mức tăng bình quân 26%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Từ năm 2013, kim ngạch XK tỉnh đã đạt mức 1,19 tỷ USD, là một trong 19 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên và đến cuối năm 2015 đã đạt 1,82 tỷ USD.
Song song với giá trị là thị trường XK của các nhóm mặt hàng trên địa bàn tỉnh cũng được mở rộng. Đến nay các sản phẩm của Tiền Giang đã XK sang 145 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó xuất sang các quốc gia ở châu Mỹ là tăng mạnh nhất, tăng bình quân 47,5%/năm (2011 - 2015)...
Sức bật mới cho ngành Thương mại - Dịch vụ
Cùng với nông nghiệp, công nghiệp, lĩnh vực thương mại dịch vụ cũng được kỳ vọng sẽ có sức bật mới, đóng góp đáng kể vào kinh tế Tiền Giang. Bên cạnh dịch vụ du lịch tương đối ổn định trong những năm qua, lĩnh vực tài chính ngân hàng và khu vực thương mại dường như đã tạo điểm nhấn rất quan trọng cho kinh tế tỉnh nhà.
1. Chúng tôi bắt đầu từ lĩnh vực tài chính tín dụng (TCTD). Có thể nói, chính sự bùng nổ của thị trường TCTD trong những năm gần đây khi Tiền Giang đón nhận hàng loạt ngân hàng thương mại mở chi nhánh hay phòng giao dịch đã tạo nên một thị trường vô cùng sôi động. Tất nhiên, đây cũng là một xu thế chung của hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước khi mà chỉ trong một thời gian ngắn hệ thống ngân hàng thương mại đồng loạt ra đời.
Gần đây, thị trường TCTD cả nước có xu hướng ổn định trở lại do thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập của Ngân hàng Nhà nước. Thị trường TCTD trên địa bàn Tiền Giang cũng không ngoại lệ. Nhưng dẫu sao, chính sự bùng nổ về thị trường tín dụng trong thời gian qua cũng đã mang về cho tỉnh một nguồn vốn tín dụng rất lớn, tạo điều kiện về nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như mang lại những dịch vụ tiện ích trong giao dịch tiền tệ.
Bởi nếu soi rọi vào con số cụ thể cho thấy rằng, nếu năm 2000 Tiền Giang chỉ có 3 ngân hàng thương mại Nhà nước, 15 quỹ tín dụng nhân dân, với tổng vốn huy động chỉ trên 851 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 1.903 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có mặt đến 25 ngân hàng thương mại, 2 ngân hàng chính sách, 11 chi nhánh loại 3, 69 phòng giao dịch, 1 quỹ tiết kiệm và 16 quỹ tín dụng nhân dân, với tổng vốn huy động dự kiến đến cuối năm 2015 đạt trên 36.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay trên 27.000 tỷ đồng. Đây là những con số minh chứng cho nhịp độ tăng trưởng của thị trường TCTD trên địa bàn tỉnh chỉ hơn một thập niên qua.
Chỉ riêng giai đoạn gần đây, từ năm 2010 - 2015, nhịp độ tăng trưởng huy động vốn đã tăng gấp 3 lần, dư nợ cho vay đã tăng gấp đôi. “Với nhiều chính sách, gói tín dụng ưu đãi giúp cho các doanh nghiệp có nguồn vốn ổn định, duy trì ổn định sản xuất và phát triển đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.
Trong những năm tiếp theo, chủ trương của ngành Ngân hàng là chủ động, tích cực huy động nguồn vốn tại chỗ để sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế” - ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang đã từng đánh giá như thế.
Công bằng mà nói, từ khi thị trường TCTD bắt đầu sôi động đã tạo nên một cú hích rất mạnh mẽ thúc đẩy các ngành khác phát triển, nhất là lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sự cung ứng vốn kịp thời, đầy đủ, chuyên nghiệp của hệ thống ngân hàng thương mại đã giúp cho thị trường TCTD ngày càng phát triển vững chắc hơn. Một khi thị trường TCTD đi vào quỹ đạo chung, đó cũng là lúc nền kinh tế tỉnh nhà bước vào giai đoạn phát triển ổn định, bền vững hơn.
2. Tất nhiên là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Tiền Giang không chỉ có thị trường TCTD sôi động, mà ngay khía cạnh thương mại, bên cạnh những siêu thị, trung tâm mua sắm hay chợ truyền thống, chỉ tính riêng trong năm 2015 Tiền Giang cũng đón nhận nhiều dự án liên quan với quy mô tương đối lớn.
Chính điều này đã góp phần tạo nên sức bật mới cho lĩnh vực thương mại dịch vụ. Việc ra đời các siêu thị, trung tâm thương mại mới chứng tỏ môi trường đầu tư tỉnh nhà đã được cải thiện đáng kể. Tiền Giang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Có lẽ một trong những dự án liên quan đến lĩnh vực thương mại mới nhất là Siêu thị Co.opmart Gò Công (đường Trần Công Tường, phường 5, TX. Gò Công), do Saigon Co.op đầu tư đã chính thức khởi công. Co.opmart Gò Công được xây dựng trên diện tích đất gần 8.000 m2, tổng diện tích sàn xây dựng đưa vào kinh doanh là 3.000 m2, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị, hàng hóa 70 tỷ đồng, kinh doanh trên 30.000 mặt hàng thiết yếu.
Trước đó, Dự án Khu thương mại dịch vụ TP. Mỹ Tho cũng chính thức được xây dựng (số 545 đường Lê Văn Phẩm, phường 5, TP. Mỹ Tho) với tổng diện tích trên 18.600 m2, tổng mức đầu tư dự kiến 835 tỷ đồng. Khu Thương mại dịch vụ TP. Mỹ Tho dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý IV-2017, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại địa phương.
Thương mại dịch vụ Tiền Giang ngày càng khởi sắc. |
Trong nhóm các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực thương mại dịch vụ có lẽ Dự án Khu dân cư dọc sông Tiền - TP. Mỹ Tho giai đoạn I sẽ được kỳ vọng nhiều nhất. Bởi dự án nằm giữa khu dân cư cũ và bờ kè sông Tiền chạy dọc từ chân cầu Rạch Miễu đến gần Công viên Lạc Hồng này không chỉ tạo ra điểm nhấn về cảnh quan đô thị, mà còn mở ra hướng kinh doanh thương mại theo hướng hiện đại, văn minh.
Dự án có tổng diện tích 7,3 ha, được quy hoạch đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, được đấu nối với hệ thống hạ tầng của TP. Mỹ Tho, với các khu vực công viên trung tâm, siêu thị trái cây, nhà hát, khu khách sạn, Resort và xen kẽ giữa các công trình trọng điểm trên tuyến phố sẽ là khu nhà ở liền kề, thương mại và các khu biệt thự cao cấp...
Song song với các dự án đầu tư công nghiệp, ngành Thương mại dịch vụ được dự báo là có nhiều thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư. Bởi Tiền Giang không chỉ có lợi thế về điều kiện địa lý, mà còn là trung tâm trung chuyển và là thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Ở khía cạnh khác, một khi các dự án công nghiệp phát triển bao giờ cũng đi kèm sự phát triển về thương mại dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, giải trí của đông đảo người lao động. Với tất cả những dấu ấn mới, ngành Thương mại dịch vụ tỉnh nhà hứa hẹn sẽ có những bước tiến dài. Và một điều chắc chắn rằng, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của tỉnh tới đây sẽ được tăng tốc.
THẾ ANH