Vú sữa Nâu Bách Thảo thay thế dần vú sữa Lò Rèn?
Giờ đây, nhiều vườn trồng chuyên canh vú sữa Lò Rèn ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành ngày nào đã chuyển dần sang trồng xen canh một số giống vú sữa khác. Loại vú sữa được thay thế tất nhiên không bằng loại vú sữa đặc sản của huyện Châu Thành nói riêng và của tỉnh Tiền Giang nói chung, nhưng thực tế, nhiều hộ nông dân buộc phải chuyển đổi hoặc xen canh vì không còn phương án nào tốt hơn.
ông Huỳnh Văn Dũng chăm sóc vú sữa Nâu Bách Thảo, phía sau là cây vú sữa Lò Rèn già cỗi. |
VÚ SỮA NÂU BÁCH THẢO “LẤN SÂN”?
Trước đây, gia đình ông Huỳnh Văn Dũng, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim trồng 5 công vú sữa Lò Rèn. Sau một thời gian cho trái, cây bắt đầu lão hóa, rồi chết và đốn bỏ dần, hơn 30 gốc giờ chỉ còn lại 3 gốc. Thấy vậy, ông tìm mua hơn 40 gốc vú sữa Nâu Bách Thảo về trồng xen ở những gốc vú sữa Lò Rèn đã đốn bỏ.
Hiện vú sữa Nâu Bách Thảo của ông được 1,5 năm tuổi và bắt đầu cho trái. Tham quan một vòng khu vườn, ông Dũng cho biết, trước đây khu vườn này chỉ trồng chuyên canh vú sữa Lò Rèn, phong trào trồng ngày một nhiều, phạm vi trồng cũng mở rộng, đầu ra sản phẩm bấp bênh, cây chết dần…
Thấy vậy, gia đình mới chuyển sang trồng vú sữa Nâu Bách Thảo và xen thêm cam dây để lấy ngắn nuôi dài. Cây vú sữa Nâu Bách Thảo dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và đầu ra cũng tương đối thuận lợi nên nhiều hộ dân ở đây bắt đầu ưa chuộng giống vú sữa này.
Sắp tới, gia đình ông Dũng sẽ tiếp tục đốn bỏ những cây vú sữa Lò Rèn còn lại và thay thế bằng những cây vú sữa Nâu Bách Thảo. Nếu thấy có giá, ông sẽ “đốn” luôn cam dây để chuyển sang trồng chuyên canh loại vú sữa Nâu Bách Thảo.
Tương tự, sau một thời gian trồng nhiều loại cây, trong đó có vú sữa Lò Rèn không hiệu quả, gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim quyết định đốn sạch vườn và cải tạo lại liếp để trồng chuyên canh vú sữa Nâu Bách Thảo.
Đến nay, vườn vú sữa của ông đã được 9 năm tuổi và đang trong thời kỳ cho trái rất sung. Vụ vừa rồi, gia đình ông bán được trên 80 triệu đồng, nhưng đối với ông đó là thất mùa, bởi những năm trước, gia đình bán trên 120 triệu đồng/mùa.
Ông Hải khoe: “Gia đình tôi trồng chuyên canh vú sữa Nâu Bách Thảo, bởi loại cây này mới xuất hiện những năm gần đây, trái đẹp, giá tương đối cao. Đến nay, vườn của tôi có tuổi đời cao nhất trong những người trồng vú sữa Nâu Bách Thảo ở Vĩnh Kim”.
Theo những hộ trồng vú sữa Nâu Bách Thảo, nếu cây cho trái sớm vào tháng 9 (Âl) thì giá vú sữa có thể lên 45.000 - 50.000 đồng/trái (loại 400 g/trái), còn nếu thu hoạch vào tháng 10 (Âl) trùng với thời điểm thu hoạch vú sữa Lò Rèn thì giá khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg (loại 3 trái/kg)…
50% DIỆN TÍCH VÚ SỮA LÒ RÈN ĐÃ ĐƯỢC THAY THẾ
Làm sao để giữ lại vú sữa Lò Rèn đặc sản? Làm sao để nông dân không chuyển đổi sang trồng những giống vú sữa khác trên vùng đất Vĩnh Kim? Đó là những trăn trở từ các ngành chuyên môn. Hiện tại, chúng ta cũng đưa ra nhiều giải pháp nhưng khi áp dụng vào thực tế thì hiệu quả chưa cao.
Anh Lê Quang Nhựt, cán bộ phụ trách nông nghiệp UBND xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết, diện tích trồng vú sữa trên địa bàn xã hiện nay khoảng 216,43 ha, trong đó vú sữa Nâu Bách Thảo chiếm khoảng 50% diện tích và được người dân trồng rải rác khắp các ấp trong xã như: Vĩnh Phú, Vĩnh Thới, Vĩnh Bình... Loại vú sữa này xuất hiện trên đất Vĩnh Kim khoảng 4 năm nay.
Nguyên nhân loại cây này xuất hiện là do nhiều diện tích vú sữa Lò Rèn bị bệnh, già cỗi và khi trồng lại thì cây không phát triển; mức độ lão hóa của những cây trồng mới rất nhanh nên nhiều nông dân đã thay dần sang giống vú sữa Nâu Bách Thảo, bởi vú sữa Nâu Bách Thảo thích hợp để trồng trên vùng đất mà cây vú sữa Lò Rèn trước kia bị nhiễm bệnh, lão hóa hay chết.
Ngoài ra, cây cũng có nhiều đặc tính vượt trội nên nhiều người rất thích. Đầu ra của vú sữa Nâu Bách Thảo cũng dễ dàng và được thị trường ưa chuộng.
Theo một số tài liệu nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ thì vú sữa Nâu Bách Thảo có nguồn gốc từ xã Kim Sơn, huyện Châu Thành. Hiện nay, giống vú sữa này đang được nhân rộng tại 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Nguyên nhân do trái chín sớm hơn giống vú sữa Lò Rèn khoảng 1 tháng, giá bán trái cao, trái có màu sắc đẹp và được khách hàng ưa chuộng vào các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, giống vú sữa này không được trồng phổ biến như vú sữa Lò Rèn do chất lượng trái kém hơn.
Ngoài ra, một nghiên cứu sâu về giống vú sữa Nâu Bách Thảo cho thấy, cây sinh trưởng mạnh với mức độ phân cành nhánh trung bình. Lá rất to, hình trứng, mặt trên có màu xanh, không bóng, mặt dưới lá màu nâu nhạt và phiến lá hơi cong.
Trái to 350 - 400 g, dạng tròn, hơi dẹp hai đầu; khi chín thì trái chuyển từ xanh sang nâu tím bắt đầu từ đỉnh trái đến giữa trái và đến cuống trái; vỏ trái dày từ 1,0 - 1,1 cm, có từ 6 - 8 hạt/trái; thịt trái màu trắng, có vệt tím gần vỏ quả, thịt trái hơi mềm, vị ngọt thanh, độ brix từ 14 - 15% và béo ít; tỷ lệ phần thịt ăn được khá cao, từ 40 - 45%.
Cây ra hoa rộ từ tháng 3 - 4 (DL). Từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 8 tháng, cây có khả năng đậu trái khá (1 - 2 trái/chùm). Cây cho năng suất khá cao, khoảng 300 - 350 kg/cây/năm đối với cây 20 năm tuổi.
SĨ NGUYÊN