2 nông dân vươn lên khá, giàu nhờ trồng thanh long
Từ hiệu quả kinh tế cao của cây thanh long, nông dân Tân Phước đã và đang đốn bỏ một số cây trồng hiệu quả thấp, đầu tư phát triển diện tích trồng thanh long. Nhiều nông dân đã vươn lên khá, giàu từ cây thanh long.
CHÚ LƯƠNG VĂN NHU, ẤP 2, XÃ TÂN LẬP 1:
“Triệu phú” thanh longNhờ áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật trong trồng và xử lý thanh long cho trái nghịch vụ, nhiều năm liền thanh long trúng mùa được giá, giúp gia đình chú Lương Văn Nhu, ấp 2, xã Tân Lập 1 có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trước đây, gia đình chú Nhu trồng khóm. Thấy nhiều người trồng thanh long có hiệu quả, chú Nhu quyết định chuyển sang trồng thanh long gần 4 năm nay. Cô Nguyễn Thị Sô (vợ chú Nhu), vui vẻ cho biết: “Mới đầu cô chú trồng có 4 công, sau đó vay thêm vốn mở rộng diện tích. Đến nay, toàn bộ 2,5 ha đất khóm cô chú đã chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Trồng thanh long tuy công chăm sóc nhiều hơn khóm, nhưng lợi nhuận từ cây thanh long cao gấp 5 - 6 lần cây khóm”.
Được biết, 2 người con trai của cô chú cũng trồng thanh long. Người con trai lớn học Đại học Công nghệ thông tin nhưng cũng về quê trồng thanh long. Vừa tưới vườn thanh long đang cho trái, cô Sô khoe với chúng tôi: “Cô chú vừa mới xông đèn gần 1 tháng, hơn 20 ngày nữa thanh long sẽ cho thu hoạch. Đợt Tết Nguyên đán vừa rồi cô chú bán gần 5 tấn thanh long, lãi hơn 200 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập 1 cho biết: “Gia đình ông Lương Văn Nhu là một trong nhiều gia đình nông dân của xã đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vượt khó phát triển kinh tế. Ông Nhu nhiều năm liền được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Bằng ý chí, nghị lực, chịu khó làm giàu từ chính đôi tay của mình, gia đình ông Nhu thật sự là tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”.
ÔNG VÕ DUY THANH, ẤP HƯNG QUỚI, XÃ HƯNG THẠNH: Mỗi ha thanh long lãi hàng trăm triệu đồng
Len lỏi trên con đường ô đê bao uốn lượn, rộng chưa đến 1 m, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy vườn thanh long xanh um đang cho trái. Đó là vườn thanh long của ông Võ Duy Thanh, được trồng cách đây 4 năm.
Ông Thanh kể lại: “Trước đây, hơn 3 ha của gia đình chủ yếu trồng khóm, nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống không ổn định, vả lại cứ đến mùa thu hoạch thì điệp khúc “được mùa - rớt giá” cứ tái diễn. Thời gian đó, được bạn bè ở huyện Chợ Gạo khuyên nên tôi trồng thanh long”. Ban đầu từ một vài trụ thanh long ruột đỏ trồng thử nghiệm, đến nay ông đã nhân rộng trên 3.500 gốc. Thấy đạt hiệu quả kinh tế cao nên ông mạnh dạn chuyển đổi hơn 3 ha khóm sang trồng thanh long ruột đỏ.
Ông Thanh thường xuyên tham gia các cuộc hội thảo do khuyến nông xã tổ chức, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn ở huyện Chợ Gạo để áp dụng vào diện tích thanh long của gia đình. Ông Thanh chia sẻ: “Đợt vừa rồi tôi bán thanh long với giá trên 60 ngàn đồng/kg, thu lãi hàng trăm triệu đồng; vụ này khoảng 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch, hiện giá bán gần 30 ngàn đồng/kg. Trồng thanh long cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng khóm hay khoai mỡ”.
Nông dân Võ Duy Thanh được xem là người đầu tiên trồng thanh long ở xã Hưng Thạnh. Ngoài phát triển diện tích cây thanh long của gia đình, ông Thanh còn khuyến khích người dân xung quanh trồng thanh long.
Ông Thanh cho biết: “Tôi sẵn sàng chia sẻ cây giống cũng như kỹ thuật cho người dân trong xã, ấp muốn trồng thanh long. Nếu so với vùng đất Chợ Gạo, trồng thanh long ở Tân Phước đỡ vất vả hơn, vì Tân Phước là vùng đất thịt pha cát nên có độ ẩm cao, nhiều khi 3 - 4 ngày hoặc cả tuần không tưới cây thanh long vẫn tốt. Còn ở Chợ Gạo là vùng đất thịt nên phải tưới thường xuyên, nhất là khi cây thanh long cho trái cần nhiều nước”.
MAI HỒNG