Thứ Tư, 23/03/2016, 14:53 (GMT+7)
.

20,14 ha nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn VietGAP

Theo Chi cục Thủy sản, hiện nay toàn tỉnh có 6 hộ nuôi cá tra với diện tích ao nuôi 20,14 ha đã áp dụng quy trình nuôi cá an toàn và cấp giấy chứng nhận VietGAP.  Đây là kết quả của việc triển khai thực hiện Quyết định Quyết định 04/2015/QĐ-UBND) của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 6 hộ nuôi cá tra với diện tích ao nuôi 20,14 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP (Ảnh chụp ao cá ông Nguyễn Văn Đời, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy đạt chứng nhận VietGAP)
Hiện nay, toàn tỉnh có 6 hộ nuôi cá tra với diện tích ao nuôi 20,14 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP (Ảnh chụp ao cá ông Nguyễn Văn Đời, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy đạt chứng nhận VietGAP)

Cụ thể, 6 hộ nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP gồm: Hộ Nguyễn Thị Bé Tư (ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành) với diện tích ao nuôi cá tra được chứng nhận 2,34 ha, hộ Trần Minh Phụng (ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) với diện tích ao nuôi cá tra được chứng nhận 3,5 ha, hộ Nguyễn Văn Đời (ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) với diện tích ao nuôi cá tra được chứng nhận 7,5 ha, hộ Nguyễn Hoàng Thảo (ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) với diện tích ao nuôi cá tra được chứng nhận 3,5 ha, nhóm hộ Nguyễn Thành Măng - Nguyễn Văn Thấy (ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) với diện tích ao nuôi cá tra được chứng nhận 3,3 ha.

Để đạt được kết quả này, Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ các hộ nuôi cá tra trong khâu đào tạo, tập huấn VietGAP; hỗ trợ xây dựng chương trình quản lý chất lượng cho hộ nuôi; hướng dẫn ghi chép nhật ký nuôi; bố trí, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi; sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn đúng quy định; lưu trữ đầy đủ hồ sơ từ khâu cải tạo ao đến khi thu hoạch; đồng thời Chi cục Thủy sản hướng dẫn các hộ nuôi cá tra đã làm thủ tục để được hỗ trợ 100% phí đánh giá chứng nhận VietGAP theo Quyết định 04 với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng.

Khi được trao giấy chứng nhận VietGAP, các hộ nuôi cá tra rất phấn khởi trước sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng trong việc nuôi cá tra an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm sản xuất ra sản phẩm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội, từ đó góp phần giúp nghề nuôi cá tra phát triển bền vững.

Các hộ nuôi cá tra cũng cam kết sau khi được chứng nhận VietGAP sẽ cố gắng duy trì điều kiện sản xuất đã đạt để tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu và góp phần bảo vệ môi trường.

Chi cục Thủy sản cho biết, việc hỗ trợ VietGAP cho 6 hộ nuôi cá tra vừa qua sẽ được tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hỗ trợ cho 8 hộ nuôi cá tra nằm trong vùng quy hoạch còn lại của tỉnh với diện tích 18,5 ha dự kiến áp dụng và đạt chứng nhận VietGAP trong năm 2016.

Theo Quyết định 04, hộ nuôi cá tra phải đạt sản lượng trên 500 tấn mới được hỗ trợ nên Chi cục Thủy sản đang vận động liên kết từ 2 - 3 hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ liền kề nhau thành nhóm để sản lượng cá tra của nhóm đạt tối thiểu 500 tấn/năm, đủ điều kiện hỗ trợ theo Quyết định 04 và giảm chi phí chứng nhận.

Ngoài ra, tỉnh còn có 24,3 ha ao nuôi cá tra của 4 doanh nghiệp được chứng nhận GlobalGAP, ASC.

T.C

.
.
.