Thứ Tư, 02/03/2016, 16:05 (GMT+7)
.
"BẺ KÈO" KHI THỰC HIỆN MÔ HÌNH CÁNH ĐỒNG LỚN:

Nông dân và doanh nghiệp chưa tìm tiếng nói chung

Câu chuyện “bẻ kèo” khi thực hiện mô hình Cánh đồng lớn (CĐL) lại xảy ra trong vụ lúa đông xuân 2015 - 2016. Nông dân “bẻ kèo” doanh nghiệp? Thương lái và “cò lúa” chống phá mô hình này? Nguyên nhân sâu xa vấn đề này như thế nào? Chúng tôi đã tiếp xúc với những hộ nông dân không thực hiện đúng theo hợp đồng, tiếng nói chính quyền địa phương và lý giải của doanh nghiệp để có thông tin nhiều chiều hơn.

Thu hoạch lúa trong mô hình CĐL ở HTX Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè.
Thu hoạch lúa trong mô hình CĐL ở HTX Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè.

Công ty TNHH Việt Hưng triển khai mô hình CĐL ở xã Phú Cường (huyện Cai Lậy) trong vụ đông xuân 2015 - 2016 với 180 ha. Tuy nhiên, hợp đồng thực hiện mô hình này đã thất bại khi nông dân đã bán lúa trước cho thương lái.

Ông Cao Văn Nam, ấp 1, xã Phú Cường (huyện Cai Lậy) canh tác 1 ha lúa IR 50404 và có hợp đồng bán lúa tươi cho Công ty TNHH Việt Hưng. Theo ông Nam, công ty hợp đồng thu hoạch lúa là 90 ngày kể từ khi gieo sạ, không đặt tiền cọc và sẽ được định giá trước khi thu hoạch vài ngày.

Tuy nhiên, khi lúa được 70 ngày là thương lái đến đặt cọc tiền trước, với giá 4.500 đồng/kg. “Thấy giá cao và chúng tôi cũng cần tiền để trang trải cuộc sống cho những ngày tết nên chấp nhận bán cho thương lái. Đây là cái sai của nông dân chúng tôi” - ông Cao Văn Nam cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Phú Cường, mô hình CĐL được triển khai ở xã Phú Cường 180 ha. Trước Tết Nguyên đán, nông dân ở ấp 1, xã Phú Cường đã bán trên 10 ha. Sau khi qua tết, địa phương nắm lại thì nông dân nhận tiền đặt cọc của thương lái nên mới trao đổi với phía Công ty TNHH Việt Hưng nhưng phía công ty không chấp nhận mua 70,5 ha của 89 hộ ở trong vùng đó.

Thương lái trước đó đặt cọc cho nông dân 4.500 đồng/kg, với thời gian 85 ngày thu hoạch nhưng khi biết được hợp đồng giữa nông dân và công ty thất bại nên thương lái đè giá xuống còn 4.400 - 4.450 đồng/kg. Và nông dân bắt buộc phải bán. Đây là thiếu sót của địa phương do quản lý không chặt chẽ và lỗi do nông dân không thực hiện đúng hợp đồng.

Tương tự, Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) triển khai mô hình CĐL ở xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) cũng bị “bể” hợp đồng. Ông Phạm Văn Cưng, ấp Mỹ Trung (xã Hậu Mỹ Bắc B) trồng 2,5 ha lúa Jasmine 85 và hợp đồng với công ty để bán lúa sau khi thu hoạch.

Ông Cưng cho biết: “Lúa gần đến ngày thu hoạch, thương lái mua với giá 4.800 đồng/kg nhưng Tigifood cho giá 4.700 đồng/kg. Không thỏa thuận được giá, chúng tôi đành bán cho thương lái, mặc dù có hợp đồng với công ty. Nông dân chúng tôi kiếm từng đồng, từng cắc, nên khi chênh lệch 100 đồng/kg thì tính ra với 2,5 ha lúa của tôi cũng gần mấy triệu đồng”. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề “bể” hợp đồng giữa nông dân và Tigifood, ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) cho biết, trong vụ đông xuân 2015 - 2016, Tigifood triển khai 57 ha lúa Jasmine 85 ở ấp Mỹ Trung trong mô hình CĐL. Tuy nhiên, hợp đồng giữa công ty và nông dân bị “bể” 33 ha với 21 hộ dân.

Nguyên nhân là do không thỏa thuận được giá nên nhiều nông dân đã bán lúa cho thương lái. Công ty cho giá 4.700 đồng/kg, còn thương lái cho giá 4.800 đồng/kg. Phía HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới có liên hệ với phía công ty và công ty không đồng ý giá như vậy nên chấp nhận cho nông dân bán cho thương lái. Ngoài ra, công ty còn cho thời gian thu hoạch lúa kéo dài hơn thương lái.

Ông Nguyễn Văn Nguyền, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B) nói tiếp: “24 ha còn lại trong mô hình CĐL, nông dân không biết thương lái mua giá 4.800 đồng/kg mới bán cho Tigifood 4.700 đồng/kg, chứ biết trước là họ bán cho thương lái hết rồi”.

Theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Tigifood, tranh chấp và bất đồng chỉ có công ty và nông dân trực tiếp giải quyết nên hiệu quả kém, mặc dù trên thực tế công ty ký hợp đồng liên kết với những tổ chức đại diện nông dân.

Sự phối hợp giải quyết giữa các bên chưa được kịp thời và chặt chẽ, trong đó vai trò chính quyền địa phương, hợp tác xã, tổ sản xuất chưa được chủ động. Tình trạng phổ biến là hàng xáo chọn những diện tích lúa đẹp để nâng giá cao hơn giá công ty từ 50 - 150 đồng/kg, số còn lại thì không mua, tạo nên tâm lý so sánh về giá trong nông dân.

Trong khi đó, chất lượng lúa hàng hóa còn thấp, chưa đạt theo yêu cầu hợp đồng, nhất là với các loại lúa thơm như: Độ lẩn loại khá cao, tạp chất, xanh non vượt… không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tình trạng phổ biến “cò lúa” tại địa phương kết nối với hàng xáo bên ngoài cạnh tranh không lành mạnh, tạo mặt bằng giá thị trường “ảo”, sau đó bỏ đi để công ty mua lúa chất lượng thấp, với áp lực phải mua giá cao bằng với hàng xáo.

SĨ NGUYÊN

Ngày 27-2, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Tigifood cho biết, công ty vừa gửi văn bản đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc một số nông dân phá vỡ hợp đồng liên kết CĐL, bán lúa ra ngoài.

Theo đó, khi đi vào thời điểm thu hoạch, một số nông dân trong các hợp tác xã, tổ sản xuất đơn phương phá vỡ các cam kết trong hợp đồng, tự ý nhận tiền cọc của thương lái và bán ra bên ngoài như:

25/250,2 ha lúa Jasmine 85 ở Tổ sản xuất Mỹ Thạnh (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè) đã bán ra bên ngoài; 33/57 ha lúa Jasmine 85 của nông dân ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) bán ra bên ngoài;

Nông dân đang có hiện tượng nhận tiền cọc của thương lái trong mô hình CĐL ở Tổ sản xuất ấp Mỹ Chánh 5 (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè); HTX Dịch vụ nông nghiệp Hậu Mỹ Trinh (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) đã có 57/473 ha lúa của nông dân đã nhận tiền cọc và bán ra bên ngoài;

41/41 ha lúa của nông dân ở Tổ sản xuất ấp Kinh 2A (xã Phước Lập, huyện Tân Phước) đã bán ra bên ngoài; nông dân ở Tổ sản xuất Mỹ Trường (xã Phước Lập, huyện Tân Phước) đang có hiện tượng bán lúa ra bên ngoài.

Theo ông Khiêm, việc tự ý phá vỡ hợp đồng của nông dân đã ảnh hưởng xấu đến chủ trương lớn của Nhà nước về xây dựng CĐL, gây thiệt hại nặng cho công ty khi phải chịu những chi phí xây dựng mô hình, đầu tư ứng trước vật tư đầu vào không tính lãi, không thu mua được lúa hàng hóa, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh…

 

.
.
.