Các dự án trọng điểm của tỉnh: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của tỉnh và Trung ương trên địa bàn, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn nhất định, trong đó có những nguyên nhân từ suy nghĩ chủ quan của người dân.
Nỗ lực thu hồi đất.
Đường Lê Văn Phẩm nối dài, giai đoạn 1 đang thi công phần còn lại sau khi hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. |
Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất Tiền Giang, đơn vị chủ đầu tư công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 2 dự án lớn là Quảng trường Trung tâm tỉnh và Khu tái định cư quảng trường và trụ sở làm việc các sở, ngành tỉnh; đến nay dù đã được sự đồng thuận của đa số người dân, nhưng vẫn còn một số hộ chưa thống nhất nhận tiền bồi thường, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án.
Ông Lê Đăng Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất Tiền Giang cho biết, dự án Quảng trường Trung tâm tỉnh có quyết định triển khai từ năm 2012, với tổng diện tích 330.864 m2, trong đó diện tích đất ở là 66.907 m2, diện tích đất nông nghiệp là 263.957 m2 với 601 hộ bị ảnh hưởng.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 503 tỷ đồng, trong đó chi phí cho bồi thường, giải tỏa, tái định cư hơn 457 tỷ đồng. Đến nay đã có 580 hộ đồng ý nhận tiền, còn 21 hộ chưa thống nhất, chủ yếu về đơn giá đất, vật kiến trúc và đề nghị được chính sách tái định cư.
Với dự án khu tái định cư Đạo Thạnh (phục vụ cho dự án Quảng trường Trung tâm và Trụ sở làm việc của sở, ngành tỉnh) có tổng diện tích 84.430 m2, trong đó đất ở là 10.038 m2, đất nông nghiệp là 73.172,9 m2, diện tích đất công cộng là 1.218 m2, với 111 hộ bị ảnh hưởng.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 75 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 68 tỷ đồng. Đến nay công tác thu hồi đất vẫn chưa hoàn tất. Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất Tiền Giang, đến nay đã có 90/111 hộ đồng ý nhận tiền.
Với dự án đường Lê Văn Phẩm nối dài, ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Mỹ Tho cho biết: Dự án ảnh hưởng đến 65 hộ cho cả 2 giai đoạn, nay công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất; đơn vị thi công đang triển khai phần còn lại của giai đoạn 1.
Giai đoạn 2 dự án khu nhà ở thương mại kết hợp đầu tư giai đoạn 2 đã san lấp xong mặt bằng, chuẩn bị thảm nhựa. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư dự kiến toàn bộ dự án đường Lê Văn Phẩm sẽ hoàn thành trước ngày 30-4-2016.
Ông Nguyễn Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51 km, đi qua 23 xã thuộc huyện Châu Thành, huyện Tân Phước, TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, vốn đầu tư 14.678 tỷ đồng; công tác giải phóng mặt bằng tuy có những khó khăn nhất định, nhưng phấn đấu đến tháng 6-2016 sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Khó khăn từ đâu ?
Theo các ngành chức năng, đối với các dự án lớn, thắc mắc chủ yếu của người dân là giá bồi thường và chính sách tái định cư. Về giá bồi thường, đa số người dân đòi bồi thường theo giá thị trường trong điều kiện có biến động khi dự án triển khai, chớ không phải trong điều kiện bình thường.
Một số trường hợp đất phân lô bán nền, đã xây nhà nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất, lại yêu cầu bồi thường theo giá đất ở, trong khi vẫn còn là đất nông nghiệp. Ngoài ra việc định giá trị căn nhà cũng khó tìm được sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân; đây là mâu thuẫn ảnh hưởng đến việc thu hồi đất của các dự án.
Nhiều trường hợp mua đất, phân lô để yêu cầu nền tái định cư: Với dự án Quảng trường Trung tâm tỉnh, số hộ mua đất, phân lô sau đó chuyển mục đích sử dụng thành đất ở để đón đầu dự án là khá lớn. Các đối tượng này yêu cầu được bố trí nền tái định cư, mặc dù trái với quy định của pháp luật, vẫn cố tình kỳ kèo, chưa đồng ý nhận tiền để bàn giao mặt bằng. |
Ông Lê Đăng Hòa Bình cho rằng: Đa số những trường hợp không đồng ý là yêu cầu tính lại giá đất, dù Nhà nước đã tính sát theo giá thị trường; một số khác do “đón đầu” dự án, mua đất giá cao nên giờ nhận bồi thường thấy không có lợi nên chưa đồng ý.
Một số hộ chưa đồng ý về đơn giá bồi thường cây trái, hoa màu, vật kiến trúc. Một số trường hợp chủ hộ đứng tên đã chết, bị mất giấy, hoặc có tranh chấp… phải chờ xử lý cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất.
Ông Bình cho rằng ý thức của một ít người về chấp hành chính sách, pháp luật còn hạn chế, chỉ nghĩ đến quyền lợi, bất chấp quy định luật pháp, có trường hợp yêu cầu quá đáng, cố tình kỳ kèo theo suy nghĩ chủ quan của mình và không có cơ sở giải quyết.
Trong khi cơ chế trách nhiệm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thuộc Hội đồng và UBND cấp huyện, thành, thị; vai trò chủ đầu tư của Trung tâm có lúc cũng bị động nên việc đôn đốc thực hiện theo yêu cầu tiến độ cũng bị hạn chế.
Trong khi đó, các dự án nâng cấp đô thị ở TP. Mỹ Tho do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó vận động nhân dân hiến đất để mở rộng các hẻm nên việc triển khai cũng gặp nhiều trở ngại, đa số người dân đều đồng thuận, nhưng số ít không bằng lòng cũng ảnh hưởng đến tiến độ.
DUY SƠN
Sẽ áp dụng biện pháp mạnh để thu hồi đất Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất Tiền Giang, trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì và phát huy các mối quan hệ hợp tác giữa chủ đầu tư, các địa phương và sở, ngành… để đảm bảo tính nhất quán trong thực hiện các chính sách, chủ trương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, tập trung vận động nhân dân, trong đó tăng cường vai trò của mặt trận và các đoàn thể. Trong vận động có phân công, phân nhiệm rõ ràng, có phân dạng hộ cụ thể để có thể giải quyết thiết thực, cụ thể, vận động đi vào trọng tâm, trọng điểm từng bước giải quyết dứt điểm các hộ còn tồn đọng của dự án. Đối với những trường hợp cố tình kỳ kèo và không có cơ sở giải quyết thì kiến nghị lãnh đạo tỉnh thi hành biện pháp cưỡng chế. |