Các huyện phía Tây chủ động ngăn mặn, trữ ngọt
Tranh thủ lúc độ mặn trên sông giảm mạnh, các nhà vườn lấy nước vào mương vườn tháo rửa mặn, trữ ngọt để tưới cho cây trồng. Theo dự báo, thời gian tới, mặn sẽ còn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng tiếp tục lấn sâu về thượng nguồn. Hiện nay, các ngành, các cấp từ tỉnh đến các địa phương phía Tây của tỉnh đang triển khai các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước cho cây trồng trên địa bàn.
DÕI THEO TỪNG CON NƯỚC
Chúng tôi trở lại các huyện, thị phía Tây của tỉnh trong những ngày cuối tháng 3 khi độ mặn trên sông Tiền đã giảm nhiều so với trước.
Cụ thể, theo ghi nhận từ cơ quan chức năng, độ mặn cao nhất đo được vào ngày 25-3 tại Bình Đức khoảng 1 g/l; Đồng Tâm (huyện Châu Thành) khoảng 0,5 g/l; khu vực Tam Bình, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) gần như không bị nhiễm mặn; tại khu vực rạch Láng Cát (xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước) độ mặn 1 g/l.
Còn trong khu vực nội đồng và mương vườn ven sông Tiền, độ mặn ở mức dưới 1 g/l (kinh Xoài Hột 0,7 g/l, trong mương vườn ở xã Ngũ Hiệp từ 0,2 - 0,3 g/l).
Hiện nay, tỉnh đã cho đắp đập kinh Xoài Hột - Sáu Ầu. Việc đắp đập này không chỉ ngăn mặn, trữ ngọt bổ cấp cho Nhà máy nước BOO Đồng Tâm, còn bảo vệ các diện tích cây ăn trái và rau màu trong vùng. |
Tranh thủ thời điểm mặn giảm mạnh, những ngày qua, người dân lấy nước vào để tháo rửa mặn, tích trữ nước cho mương vườn. Anh Bùi Văn Hoàng, ấp Long Quới (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho biết:
“Những ngày trước nguồn nước sông bị nhiễm mặn cao, người dân rất lo lắng và phải đóng các cống trong mương vườn để ngăn mặn xâm nhập. Mấy ngày qua, mặn xuống mạnh, chúng tôi tranh thủ lấy nước vào mương vườn để tháo rửa mương, trữ nước tưới cây. Mấy ngày nay, con nước nào tôi cũng kiểm tra mặn và nếu độ mặn cao hơn khuyến cáo của ngành Nông nghiệp thì sẽ ngưng lấy nước ngay”.
Ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 1.600 ha sầu riêng. Đây là cây trồng chịu mặn rất kém. Dù hiện nay mặn đã xuống thấp nhưng người dân rất cảnh giác. Bà con thường xuyên kiểm tra mặn và cập nhật thông báo về diễn biến mặn trên địa bàn; nếu mặn tăng cao, bà con sẽ đóng cống lại ngay.
Chúng tôi đến xã Phú Mỹ, (huyện Tân Phước), nơi chịu ảnh hưởng từ nguồn nước xâm nhập mặn từ sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) đổ qua. Độ mặn đo được trên con rạch Láng Cát qua ấp Phú Xuân (xã Phú Mỹ) vào ngày 25-3 đạt 1 g/l.
Ông Trần Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ cho biết, hiện nay kinh Bà Hai Màng (tỉnh Long An) chưa được ngăn mặn nên mặn tiếp tục xâm nhập qua rạch Láng Cát vào địa bàn xã. Trên địa bàn xã có 200 ha khóm, 100 ha rau màu và khoảng 170 ha lúa thuộc hệ Cổ Chi. Theo ông Hùng, với độ mặn trên, đến thời điểm này xã chưa cho tiến hành đóng cống, đắp đập ngăn mặn. Hiện nay, xã đang liên tục cập nhật diễn biến mặn để kịp thời ứng phó.
NGĂN MẶN, TRỮ NGỌT
Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cai Lậy cho biết, vừa qua trên địa bàn huyện có 5 xã ven sông Tiền bị mặn xâm nhập vào nội đồng với khu vực diện tích cây ăn trái chịu ảnh hưởng khoảng 6.000 ha (chủ yếu là diện tích trồng sầu riêng, vú sữa) nhưng chưa bị thiệt hại.
Theo bà Nguyên, để chủ động, kịp thời phát hiện và ứng phó với mặn xâm nhập trên địa bàn, nhất là các xã trồng cây ăn trái ven sông Tiền (có những loại cây ăn trái chủ lực của huyện rất nhạy cảm với mặn), huyện Cai Lậy đang trang bị máy đo mặn cho các xã ven sông Tiền, tiến hành đắp 14 đập ngăn mặn, trữ ngọt ở xã Tam Bình, xã Long Tiên, các đập còn lại sẽ được huyện cho tiến hành đắp tùy vào diễn biến của mặn.
Bên cạnh các đập do huyện đắp, huyện đã chỉ đạo các xã rà soát các cống đập trên các tuyến kinh nội đồng và tiến hành đắp đập khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép để ngăn mặn, trữ ngọt. Ngoài ra, các xã vận động nhân dân đắp đập các kinh nhỏ, đóng các cống trong mương vườn, nạo vét mương liếp trữ nước tưới cây, sử dụng tiết kiệm nguồn nước…
Theo cơ quan chức năng, mặn xâm nhập vào khu vực phía Tây của tỉnh theo 3 hướng là từ Mỹ Tho lên theo hướng sông Tiền, từ sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) đổ vào sông Tiền qua huyện Cai Lậy và từ sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) qua hướng huyện Tân Phước.
Những ngày qua, mặn trên các tuyến sông giảm, nhiều khu vực phía Tây độ mặn rất thấp đã giúp cho nhà vườn có điều kiện tháo rửa mương vườn, tích trữ nước ngọt. Tuy nhiên, theo dự báo, thời gian tới mặn vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết, trước dự báo và diễn biến phức tạp của mặn trong thời gian tới, hiện nay, tỉnh đã cho xúc tiến đắp đập thép kinh Xoài Hột - Sáu Ầu. Việc đắp đập này không chỉ ngăn mặn, trữ ngọt để bổ cấp nguồn nước cho Nhà máy nước BOO Đồng Tâm, còn bảo vệ diện tích cây ăn trái, rau màu trong vùng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã lên kế hoạch đắp 4 đập thép còn lại ở kinh Một (đang tập kết vật tư) thuộc huyện Châu Thành và các kinh Thầy Thanh, Giồng Tre, Cái Lá ở huyện Cai Lậy. Tùy theo diễn biến của mặn, tỉnh và địa phương sẽ cho tiến hành đắp các đập thép này.
Và khi các đập thép này được đắp sẽ ngăn mặn, trữ ngọt cho ô bao Đông Tây Ba Rài bảo vệ trên 4.000 ha cây ăn trái. Các tuyến kinh còn lại, tỉnh giao các địa phương chủ động trong việc đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt để bảo vệ sản xuất trên địa bàn.
Bên cạnh mặn xâm nhập từ hướng sông Tiền, khu vực phía Tây đang bị xâm nhập mặn từ phía Long An theo hướng Bắc Đông vào vùng Dự án Bảo Định cũng rất phức tạp. Để chủ động không cho mặn xâm nhập từ hướng này, Sở NN&PTNT Tiền Giang phối hợp với Sở NN&PTNT Long An tiến hành đắp các đập tạm và sửa chữa các cửa cống để đảm bảo ngăn mặn.
“Hiện nay, các hướng xâm nhập mặn từ Bảo Định, rạch Chanh, Bắc Đông đã được ngăn chặn, song các tuyến kinh, rạch Bà Hai Màng, La Khoa, Bà Định, Thủ Côn, Gỗ, Chùa và Ông Phượng vẫn chưa được ngăn mặn. Cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục liên hệ với phía tỉnh Long An cho xúc tiến ngăn mặn xâm nhập từ các hướng này” - ông Pháp cho biết.
TÂN PHÚ