Đánh giá tác động của BĐKH lên ngành lúa gạo, cây ăn trái ở ĐBSCL
Ngày 24-3, tại TP. Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên chuỗi giá trị ngành lúa gạo và cây ăn trái ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Các chuyên gia trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo về tác động của biến đổi khí hậu lên chuỗi giá trị ngành lúa gạo và cây ăn trái ở ĐBSCL. |
Theo VCCI Cần Thơ, ĐBSCL là khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, mỗi năm khu vực này đóng góp hơn 70% sản lượng gạo và trái cây của cả nước. Dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, khu vực sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL sẽ gặp khó khăn hơn và từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các thành phần tham gia trong chuỗi của các ngành hàng này.
TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, thời gian qua có nhiều ý kiến đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có ý kiến cho rằng biến đổi khí hậu vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với sản xuất nông nghiệp.
Nhưng thực tế đã có thể khẳng định biến đổi khí hậu đang đe dọa, thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân ĐBSCL. Điều này đặt ra là không chỉ tìm giải pháp trước mắt mà còn là giải pháp lâu dài.
Để tìm ra các giải pháp giảm nhẹ thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, VCCI Cần Thơ đã phối hợp với tổ chức Oxfam, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thực hiện nghiên cứu đánh giá nhanh tác động của biến đổi khí hậu lên chuỗi giá trị ngành lúa gạo và cây ăn trái ở ĐBSCL. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các chương trình hành động nâng cao năng lực của các chủ thể trong chuỗi giá trị lúa gạo và cây ăn trái trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu lên các tác động, cũng như mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các chủ thể trong chuỗi ngành hàng lúa gạo và cây ăn trái; đồng thời nêu lên các giải pháp để hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu trong trước mắt lẫn lâu dài.
N.VĂN