Hạn hán và xâm nhập mặn nhưng không lo thiếu gạo
Ngày 25-3, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất vụ đông xuân năm 2015 - 2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông năm 2016 tại Nam bộ.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ đông xuân năm 2015 - 2016, toàn vùng Nam bộ xuống giống hơn 1,6 triệu ha lúa, năng suất ước đạt trên 6,8 tấn/ha. Tổng sản lượng đạt gần 11,4 triệu tấn lúa. Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại trên 180 ngàn ha. Hiện nay, còn khoảng 500 ngàn ha lúa đang ở giai đoạn trổ, cần tiếp tục cung cấp nước, chăm sóc đặc biệt để hạn chế thiệt hại.
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, nhiều vấn đề đặt ra là có thiếu gạo cung cấp cho người dân trong thời gian tới? Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp Hội Lương thực Việt Nam cho biết, hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn đến diện tích lúa đông xuân ở nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nhưng sản lượng lúa cả năm sẽ không thấp hơn bao nhiêu so với các năm trước, vì vậy không phải lo thiếu gạo cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Giá lúa gạo đang ở mức cao và dự báo sẽ còn duy trì lâu do tâm lý trữ hàng chờ giá của nông dân lẫn doanh nghiệp, thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục mua như năm 2015, Chính phủ mở thầu dự trữ 180 ngàn tấn gạo, tin đồn trúng thầu từ Indonesia... Điều này đã khiến cho giá lúa gạo trong nước đang cao hơn các nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam như: Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan... từ 5 - 15 USD/tấn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phải thường xuyên theo dõi sát diễn biến hạn, mặn để kịp thời vận hành cống đập nhằm tháo và lấy nước ngọt cho phù hợp để đáp ứng nước ngọt cho diện tích lúa đông xuân còn lại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị các địa phương.
Đảm bảo đạt sản lượng lúa theo kế hoạch bằng cách tăng diện tích, tăng cường phòng, chống hạn, mặn, dịch hại, sâu bệnh; giảm lượng lúa giống, sử dụng các giống lúa cực ngắn ngày, kiện toàn hệ thống thủy lợi. Đặc biệt, các địa phương cần xây dựng các chính sách hỗ trợ kịp thời cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu…
S.N