Hiệu quả từ các mô hình tiết kiệm điện
Tiền Giang đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện an toàn và hiệu quả. Qua đó không chỉ có doanh nghiệp mà hiện nay nhiều người dân đã ý thức được việc tiết kiệm điện sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho gia đình và đóng góp lớn cho việc tiết kiệm ngân sách Quốc gia, bảo vệ môi trường.
Tặng bóng đèn tiết kiệm điện cho các hộ nghèo ở xã Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè). |
Nhận thức rõ vai trò của ngành Điện trong việc phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi khách hàng, người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nên những năm qua, Công ty Điện lực Tiền Giang đã tổ chức nhiều chương trình như:
“Ấp văn hóa - khu phố văn hóa tiết kiệm điện”; tổ chức bình chọn doanh nghiệp (DN) và giải pháp tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện; tổ chức Ngày hội Tiết kiệm điện; tập huấn kỹ năng tuyên truyền tiết kiệm điện cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ và các đoàn thể; tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang dùng các sản phẩm tiết kiệm điện…
Từ việc triển khai, thực hiện các chương trình tiết kiệm điện trên đã giúp cho các DN và người dân thay đổi thói quen sử dụng điện, cũng như biết cách tận dụng mọi nguồn năng lượng tự nhiên trong cuộc sống để giảm tải việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, góp phần tiết kiệm chi phí cho gia đình, bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Trong đó, nổi bật có chương trình “Ấp văn hóa - khu phố văn hóa tiết kiệm điện” đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng. Đơn cử như hộ gia đình ông Cao Xuân Phong (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) có 4 người, với đầy đủ các thiết bị điện sử dụng trong sinh hoạt như: Đèn chiếu sáng, máy lạnh, tủ lạnh, quạt máy, ti vi và nuôi khoảng 200 con gà…
Ông Phong cho biết, vài năm trước, tháng nào gia đình ông cũng phải trả khoảng 150.000 đồng tiền điện. Khi nắm bắt được giải pháp tiết kiệm điện từ các chương trình truyền thông của ngành Điện tỉnh, ông Phong đã thực hiện tiết kiệm điện triệt để tại gia đình với những cách làm đơn giản như: Thay việc ấp trứng gà bằng đèn sợi đốt sang dùng đèn compact, tắt hết các thiết bị khi không sử dụng, máy lạnh chỉ dùng khi thật cần thiết…
Với cách làm này, chi phí tiền điện mỗi tháng của gia đình ông Phong chỉ còn khoảng 100.000 đồng. Không chỉ thực hiện tại gia đình, ông Phong còn là thành viên tích cực trong việc tuyên truyền cho bà con trong ấp nâng cao ý thức sử dụng điện.
Còn mô hình thí điểm sử dụng đèn compact 20W tiết kiệm điện thay cho đèn sợi đốt 75W chiếu sáng kích thích cho cây thanh long ra hoa trái vụ tại hộ ông Nguyễn Văn Thành (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho), với 100 bóng đèn compact đã mang lại kết quả tiết kiệm hơn 70% điện năng tiêu thụ, tỷ lệ cây ra hoa đạt từ 80 - 90% so với sử dụng đèn sợi đốt.
Bên cạnh đó, việc tiết kiệm điện tại các DN cũng đang phát huy hiệu quả, nhất là trong việc giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN. Cụ thể như tại Công ty thủy sản An Phát (Khu công nghiệp Mỹ Tho), từ năm 2011 đến nay các giải pháp tiết kiệm điện cũng được lãnh đạo DN đặt lên hàng đầu trong bài toán giảm chi phí sản xuất.
Hiện nay, bình quân mỗi tháng công ty phải trả khoảng 900 triệu đồng tiền điện cho gần 7 triệu kWh. Chính vì sản lượng tiêu thụ điện lớn nên bài toán tiết kiệm điện luôn được công ty quan tâm.
Ông Mai Văn Thanh, Trưởng phòng Cơ điện Công ty thủy sản An Phát cho biết, từ năm 2014 đến nay, công ty đã áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm điện, trong đó có giải pháp tận dụng nguồn nhiệt thải của hệ thống lạnh thải ra để đun nóng nước vệ sinh thiết bị thay cho việc dùng dầu Diesel.
Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) tại Ngày hội Tiết kiệm điện năm 2016, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài đang gây thiếu nước ở hầu hết các hồ thủy điện và thủy lợi. Nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng, làm tăng thêm khó khăn về cấp điện. Trước tình hình này, EVN SPC chỉ đạo điện lực các địa phương không cắt điện luân phiên, bảo đảm đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Dự báo công suất sử dụng điện lớn nhất trong năm 2016 tại địa bàn EVN SPC cung cấp điện sẽ lên đến 8.450 MW, tăng 9,98% so với năm 2015, trong đó nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng cao liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Dự kiến sản lượng điện năm 2016 sẽ đạt 55 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015. Trong 2 tháng đầu năm 2016, EVN SPC đã nhận từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổng sản lượng 8,408 tỷ kWh, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2015 với sản lượng bình quân 153,367 triệu kWh/ngày. |
Với giải pháp này và cùng với việc tiết kiệm trong việc sử dụng các thiết bị dùng điện trong nhà máy, trong năm 2015 công ty đã tiết kiệm 15% sản lượng điện tiêu thụ, tương đương 1,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí điện năng chiếm 5% giá thành sản phẩm nên việc tiết kiệm điện đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của công ty.
Còn tại Công ty TNHH Đại Thành (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng thông qua việc lắp đặt bộ thu hồi nhiệt thải của hệ thống lạnh trung tâm và lắp đặt hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời 10.000 lít/ngày đã mang về số tiền tiết kiệm hàng năm cho công ty khoảng 400 triệu đồng.
Có thể nói, hiệu quả trong công tác tiết kiệm điện xuất phát từ các mô hình tiết kiệm điện, từ đó tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân, của DN để có những hành động tiết kiệm điện thiết thực, cụ thể.
Cũng nhờ việc triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện ở các sở, ngành, đoàn thể, DN, trong năm 2015 Tiền Giang tiết kiệm được 50,239 triệu kWh, tương đương 78 tỷ đồng; góp phần cùng 21 tỉnh, thành phố phía Nam tiết kiệm được 1,350 tỷ kWh, tương đương 2.123 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, việc phối hợp giữa ngành Điện với Sở Công thương và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng như DN sẽ được Công ty Điện lực Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh để chương trình tiết kiệm điện ngày càng đạt hiệu quả.
PHƯƠNG NGHI