Họp bàn giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn
Chiều 21-3, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và đơn vị có liên quan để bàn các giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phát biểu tại cuộc họp. |
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chỉ đạo các đơn vị cấp nước đẩy manh tiến độ thi công các công trình đường ống chuyển tải nước sinh hoạt; sớm hoàn thành việc đấu nối hệ thống cấp nước của 2 công ty cấp nước theo kế hoạch đã đề ra; cùng các sở, ngành tỉnh, địa phương tìm giải pháp cấp nước sinh hoạt cho những khu vực còn lại thiếu nước trong vùng ngọt hóa Gò Công và đảm bảo nước sinh hoạt cho Tân Phú Đông.
Về sản xuất, các địa phương phía Đông cần tính toán, xác định những diện tích lúa có khả năng cứu để tập trung bơm cấp nước, khoanh vùng những diện tích không khả năng cứu để dành nước cho sinh hoạt; đồng thời triển khai công tác thủy lợi nội đồng, khảo sát các kinh, cống trong vùng để có kế hoạch thi công, sửa chữa; xây dựng kế hoạch thời vụ tới;.
Đối với khu vực phía Tây, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý về chủ trương đắp các đập thép theo đề nghị của các địa phương và giao cho ngành nông nghiệp xác định vị trí đắp, chọn thời điểm đắp của từng đập; chỉ đạo trang bị thiết bị đo mặn đến từng ấp; yêu cầu các địa phương khai thác triệt để khả năng ngăn mặn của các đê bao chống lũ, chủ động bố trí kinh phí để đắp đập tạm, gia cố các cửa cống bị hư hỏng.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị nâng cao trách nhiệm trong phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; tăng cường công tác tuyên truyền; theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn mặn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương xúc tiến nhanh thủ tục để chi hỗ trợ những diện tích sản xuất bị thiệt hại; ngành y tế kiểm tra chất lượng nguồn nước sinh hoạt và hướng dẫn người sử dụng nước hợp vệ sinh.
Theo Sở NN&PTNT, tính đến nay, toàn vùng ngọt hóa Gò Công đã thu hoạch và cắt nước khoảng 24.000 ha lúa đông xuân. Hiện các địa phương vẫn duy trì bơm chuyền 2 cấp cho 3.040 ha và dự kiến đến ngày 30-3 sẽ cắt nước. Trong số này sẽ có khoảng 1.160 ha khi cắt nước sẽ bị giảm năng suất.
Khu vực Gò Công Đông, Gò Công Tây và TX. Gò Công đang có 17 trạm nước mặt, 6 trạm nước ngầm và 4 trạm sử dụng nước BOO Đồng Tâm cấp nước cho dân và đã lắp 75 vòi nước công cộng phục vụ nước sinh hoạt khoảng 7.000 hộ sống ven biển, ven đê. Riêng huyện Tân Phú Đông, tỉnh đang xúc tiến chuyển nước bằng sà lan về bổ cấp cho các trạm cấp nước để cấp cho dân; mở 20 vòi nước công cộng.
Ở khu vực phía Tây, trong những ngày qua, độ mặn trên sông Tiền khá cao, một số khu vực mặn xâm nhập vào nội đồng, đe dọa đến các diện tích cây ăn trái ven khu vực con sông này.
Theo cơ quan khí tượng thủy căn, hiện nay, độ mặn vùng hạ lưu sông Tiền có xu hướng giảm nhẹ nhưng dự báo mặn sẽ tăng theo triều trong những ngày tới. Trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, bên cạnh các giải pháp phòng, chống hạn, mặn đã triển khai, tỉnh đang cho xúc tiến đắp đập thép kinh Sáu Ầu - Xoài Hột, đắp đặp thép đầu kinh Một; xúc tiến lắp trạm bơm điện cấp nước cho BOO Đồng Tâm.
N.VĂN