Huyện Cai Lậy: Khẩn trương bảo vệ vườn cây ăn trái
Trước diễn biến phức tạp của tình hình khô hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái ở các xã phía Nam Quốc lộ 1A, huyện Cai Lậy đã triển khai các giải pháp chủ động ứng phó, đảm bảo nguồn nước tưới, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Những ngày qua, ông Huỳnh Tấn Lộc (ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp) đều đặn cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên sông Năm Thôn thông qua hệ thống loa truyền thanh ấp. Để bảo vệ 1 ha vườn chuyên canh sầu riêng, ông Lộc đã chủ động cải tạo hệ thống mương vườn, kiểm tra cống bọng để chủ động nguồn nước tưới.
Ông cho biết: “Sầu riêng là loại cây trồng cần được tưới nước thường xuyên, nhất là thời điểm cây đang cho trái. Trước tình hình xâm nhập mặn bất thường như năm nay, chúng tôi rất ít kinh nghiệm ứng phó, chưa kể mương vườn chỉ có thể trữ lượng nước trong thời gian giới hạn. Do vậy, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của chính quyền xã trong trường hợp khô hạn, mặn xâm nhập dài ngày”.
Cán bộ Xí nghiệp Thủy nông Cai Lậy kiểm tra nồng độ mặn trên sông Năm Thôn tại khu vực bến phà Ngũ Hiệp sáng 15-3. |
Được bao bọc bởi sông Tiền và sông Năm Thôn, xã Ngũ Hiệp là một trong các xã ở huyện Cai Lậy đang đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết, toàn xã có 1.625 ha vườn chuyên canh cây ăn trái nên công tác ứng phó với tình hình xâm nhập mặn đang được xã gấp rút triển khai.
Ngoài thông báo thường xuyên kết quả đo độ mặn tại các điểm đo cố định trên địa bàn xã của Xí nghiệp Thủy nông huyện Cai Lậy, xã cũng tiến hành kiểm tra hệ thống đê bao, đảm bảo việc ngăn mặn và khuyến cáo người dân nạo vét mương vườn dự trữ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, kéo dài.
Theo kết quả quan trắc của Xí nghiệp Thủy nông huyện Cai Lậy, từ ngày 8-3, nước mặn đã xâm nhập đến địa bàn các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, Mỹ Long, Long Trung và Long Tiên, đe dọa khoảng 6.500 ha vườn cây ăn trái của người dân trong khu vực.
Trước diễn biến bất thường của tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Cai Lậy tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống, phân công trách nhiệm từng cơ quan, ban, ngành để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ngoài khẩn trương gia cố, thi công các công trình chống hạn và ngăn mặn từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện, trang bị máy đo độ mặn cho các xã, huyện cũng bố trí các điểm đo cố định 2 giờ/lần trên tuyến sông Tiền, sông Năm Thôn, kinh Nguyễn Văn Tiếp để kịp thời thông báo cho người dân có giải pháp chủ động nguồn nước tưới.
Các xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân giữ vệ sinh nguồn nước, dọn cỏ, khai thông dòng chảy các tuyến kinh mương thủy lợi nội đồng, dự trữ nước ngọt trong mương vườn trước khi tiến hành đóng cống đập ngăn mặn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kết hợp chính quyền các xã hướng dẫn kỹ thuật, biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong điều kiện hạn, mặn.
Huyện Cai Lậy hiện có 14.240 ha vườn cây ăn trái, tập trung tại các xã phía Nam Quốc lộ 1A, sản lượng thu hoạch hơn 250.000 tấn mỗi năm. Kinh tế vườn đã đem đến thu nhập ổn định cho nông dân, đặc biệt là diện tích vườn chuyên canh sầu riêng, vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh… vì thế, công tác phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ vườn cây ăn trái ở thời điểm này đang được tiến hành khẩn trương. Với sự chủ động của ngành chức năng, chính quyền các xã, huyện Cai Lậy sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn lợi kinh tế, giúp người dân an tâm lao động, sản xuất.
TRƯỜNG GIANG