Thứ Hai, 21/03/2016, 08:26 (GMT+7)
.

Nước ngọt quý hơn vàng

Đó là những gì mà chúng tôi cảm nhận được trong chuyến “hành trình” về với cù lao Tân Phú Đông vào những ngày nắng hạn cao điểm của tháng 3. Nắng hạn ngày càng gay gắt, đất đai nứt nẻ, khô cằn, người dân phải chắt chiu từng giọt nước ngọt để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
 

Người dân tranh thủ chở nước từ các ao về để sinh hoạt.
Người dân tranh thủ chở nước từ các ao về để sinh hoạt.

Tân Phú Đông lại phải tiếp tục “gồng mình” đi qua khô hạn được dự báo là rất khốc liệt. Năm nay hạn, mặn gay gắt hơn, tất nhiên việc thiếu nước ngọt sẽ trở nên trầm trọng hơn những năm trước. Người dân huyện Tân Phú Đông đang chắt chiu từng can nước, từng thau nước để đi qua “cơn khát” này.

Chúng tôi về huyện cù lao Tân Phú Đông trong những ngày của tháng 3, cái nắng gay gắt như thiêu như đốt, “tát” vào rát mặt người đi lại. Dưới các tuyến kinh trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông, dòng nước đã vàng quánh từ nhiều ngày qua. Một bên là những cánh đồng khô cằn, nứt nẻ, nằm trơ ra dưới nắng gió. Cây sả vốn là cây trồng chịu hạn khá tốt, nhưng nhiều diện tích cũng đang bị cháy lá vì nắng nóng và thiếu nước.

Trên đường tỉnh 877B, dù giữa trưa đứng bóng nhưng những xe chở nước vẫn xuôi ngược nối đuôi nhau. Rẽ vào đường Giồng Keo 2 được vài trăm mét, đập vào mắt chúng tôi là những con mương cạn khô không còn nước, nằm trơ đáy. Anh Phan Bá Lợi, ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh, cho chúng tôi biết cứ như “đến hẹn lại đến”, vào mùa khô là người dân trong vùng này rất vất vả với tình hình nước sinh hoạt.

Nhà anh có 4 hồ chứa nước ngọt để uống trong mấy tháng mùa khô, đến nay 2 hồ đã cạn. Mọi việc từ uống, nấu ăn, sinh hoạt… đều trông chờ vào 2 hồ nước còn lại. Thời gian của mùa khô còn khá lâu, anh không biết có đủ nước để dùng đến mùa mưa hay không?

“Mấy ngày trước, nước trong các dòng kinh bị cạn khô và ô nhiễm mặn, chính quyền cho mở cống lấy nước vào nên bây giờ trong ao mới có nước có thể sử dụng để rửa các vật dụng sinh hoạt trong nhà. Còn nước uống, nấu ăn chỉ còn cách tiết kiệm thôi chứ biết làm sao? Mùa khô là vậy đó” - anh Phan Bá Lợi bày tỏ.

Người dân tranh thủ chở nước từ các ao về để sinh hoạt.
Người dân tranh thủ chở nước từ các ao về để sinh hoạt.

Chưa kết thúc cuộc trò chuyện với anh Phan Bá Lợi, một người chạy xe gắn máy chở theo những cái bình chứa nước ghé vào. Đó là anh Tạ Văn Lực, người cùng ấp Giồng keo, đang đi xin nước từ ao của nhà một người dân trong xóm. Anh Lực cho biết, khoảng 1 tháng nay, ngày nào anh cũng ra đây xin nước, cứ 4 - 5 chuyến nước một ngày (mỗi chuyến 4 bình, mỗi bình 20 lít nước) chở về để tắm, sinh hoạt cho gia đình và cho bò uống.

Không chỉ chở nước ở ao nước của bà con trong xóm, có ngày anh phải chạy đến ao nước ở chợ Phú Thạnh cách nhà hàng trăm mét để chở về. “Mùa khô, ở đây nước ngọt quý hơn vàng nên phải tranh thủ chở nước về dùng cho sinh hoạt của gia đình” - anh Tạ Văn Lực cho biết như thế.

Dùng sà lan chuyển nước về Tân Phú Đông

Đánh giá mới nhất về tình hình nước sinh hoạt của huyện Tân Phú Đông của Chi cục Thủy lợi và PCLB:

Ao nước 6 ha trong ngày 11-3 bơm tải nước bị hư, đến chiều cùng ngày đã sửa xong, hiện đang hoạt động bình thường, mực nước trong ao chỉ còn 0,5 m;

Trạm cấp nước Phú Đông hiện đang sử dụng nguồn nước từ trạm Phú Thạnh bơm về, do lượng nước có giới hạn nên chỉ cấp ở một số tuyến gần trạm;

Trạm cấp nước Phú Thạnh ngày 13-3 đã nhận được 1 chuyến sà lan chở nước BOO Đồng Tâm từ Bình Đức chuyển về, với khối lượng khoảng 830 m3, phục vụ người dân và đang tiếp tục vận chuyển nước bằng sà lan về ao Phú Thạnh;

Trạm cấp nước Tân Thới hiện đang nhận nước bổ cấp từ ao 6 ha, để phục vụ người dân.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn đã lắp xong 20/20 vòi nước công cộng, lượng nước cấp cho người dân sử dụng đến nay là 1.679 m3.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức vận chuyển nước ngọt bổ cấp cho huyện Tân Phú Đông theo kế hoạch (dự kiến sau khi các ao hết nước, tỉnh tổ chức thuê sà lan vận chuyển 433.000m3).

Rời ấp Giồng Keo, chúng tôi tiếp tục đi về phía Tây, dừng chân tại ao nước được xem như “bỏ hoang” ở ấp Tân Xuân, xã Tân Phú. Trời đã đứng bóng, nắng chói chang, nhưng tại ao nước bỏ hoang này vẫn khá nhộn nhịp. Xe gắn máy, xe kéo, xe lôi, xe tải đến lấy nước cho công trình xây dựng.

Bất chấp cái nắng giữa trưa gay gắt, mồ hôi trên người nhễ nhại, lượng người đổ về đây chở nước vẫn không giảm. Người gắn máy bơm lấy nước, người múc nước từng bình làm cho cả một góc ao sôi động hẳn lên.

Anh Lâm, ấp Tân Xuân, xã Tân Phú tâm sự, bây giờ là giữa trưa nên người dân đến đây chở nước ít đó, chứ vào lúc sáng hay chiều mát, người dân đến đây rất đông. Nhờ có ao nước này mà nhiều gia đình đỡ khổ vì thiếu nước ngọt.

Mấy ngày nay, hệ thống nước máy lúc có, lúc không, có khi 2 - 3 ngày không thấy có nước chảy, người dân không có nước để dùng.

“Mỗi ngày tôi chở 2 chuyến nước, sáng một chuyến, chiều một chuyến để dùng cho sinh hoạt trong nhà, cho vật nuôi uống. Hiện nay, nước ao còn nhiều nên cũng đỡ lo phần nào” -  anh Lâm cho biết.

Ai cũng biết rằng, Tân Phú Đông là địa bàn cù lao nên thường gặp khó khăn về nước sinh hoạt vào mùa khô, năm nay mặn lại bao vây trong suốt những tháng qua.

Chưa kể, năm nay mặn đến sớm làm cho tình tình khó khăn về nước sinh hoạt càng trở nên gay gắt hơn. Hiện nay, phần lớn các ao trữ nước mặt của trạm cấp nước tập trung đã cạn, nên không chỉ những hộ sống xa mạng lưới cấp nước gặp khó khăn mà cả những hộ đã đăng ký vào hệ thống nước máy cũng không kém hơn bao nhiêu vì nguồn cung cấp nước hạn chế.

Chúng tôi rời Tân Phú Đông trong cái nắng chói chang, lẩn khuất sau lưng là những cánh đồng khô cạn, những dòng kinh nằm trơ đáy hoặc nước cũng đã sẫm màu. Vậy là Tân Phú Đông lại bước vào một mùa khô hạn đầy khó khăn, người dân phải “gồng mình” chống chọi để vượt qua. Thế mới biết, đời sống của người dân vùng đất này còn lắm những lo toan...

NGÔ VĂN - THẾ ANH

Cấp bách hoàn thành nhiều công trình cấp nước

Trước tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt hơn những năm trước đây và tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến bất thường, tình hình xâm nhập mặn còn tiếp tục kéo dài, nguy cơ xảy ra thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ gay gắt, khốc liệt hơn, nhất là ở khu vực phía Đông của tỉnh, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực phía Đông của tỉnh.

Đó là thực hiện Dự án “Xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông - Giai đoạn 1”, thông qua việc xây dựng, lắp đặt tuyến ống HDPE chuyển tải nước sạch có đường kính từ D400 - D710, với tổng chiều dài khoảng 22 km, tổng mức đầu tư 162,723 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015, 2016, 2017).

Hiện nay, dự án đã thi công hoàn thành và đấu nối vào tuyến ống chuyển tải nước sạch D800 của hệ thống cấp nước Đồng Tâm nhằm cung cấp nước sạch cho TX. Gò Công và thị trấn Tân Hòa, xã Bình Nghị, xã Bình Ân, xã Tân Điền, xã Tân Tây, xã Kiểng Phước, thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông); đấu nối cấp nước cho Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang tại khu vực thuộc xã Tân Trung, xã Bình Đông, xã Long Hòa, xã Long Thuận (TX. Gò Công) và xã Tân Đông, xã Tân Tây (huyện Gò Công Đông).

Dự án được thực hiện hoàn thành trước một năm so với kế hoạch nhằm kịp thời cung cấp nước sạch cho người dân.

Bên cạnh đó, dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước cho huyện Tân Phú Đông nhằm xây dựng, lắp đặt tuyến ống HDPE chuyển tải nước sạch có tổng chiều dài khoảng 10.630 m, với đường kính D450 được đấu nối từ ống HDPE D800 đi qua 3 xã thuộc huyện Gò Công Tây, qua sông cửa Tiểu và đấu nối với mạng lưới cấp nước huyện Tân Phú Đông. Tổng mức đầu tư của dự án trên 68 tỷ đồng.

Ngày 11-3, công ty đã tiến hành triển khai thi công tuyến ống trên đất liền OD450 HDPE có chiều dài 9.574 m đi dọc theo phía bên phải đường huyện 16A và đi dọc theo bên trái tuyến đường huyện 16A qua 3 xã Thạnh Trị, Long Vĩnh, Long Bình (huyện Gò Công Tây) và đi dọc theo đường tỉnh 877B xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông).

Ngoài ra, công ty đã sớm hoàn tất thi công các công trình cấp bách để đảm bảo cấp nước sinh hoạt sạch cho nhân dân ở khu vực phía Đông của tỉnh, bao gồm:

Công trình tuyến ống cấp nước đường kinh Tham Thu (ấp Thạnh Phong, xã Yên Luông và tuyến ống cấp nước đường 6 Giác, ấp Thạnh Trị phục vụ nước sinh hoạt mùa khô năm 2016 (huyện Gò Công Tây), với quy mô công trình là ống HDPE D63, chiều dài 414 m, với giá trị 92 triệu đồng;

Công trình đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm cung cấp cho huyện Gò Công Đông, đoạn từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công đến Bến xe Gò Công Đông, với quy mô là ống HDPE D315, chiều dài 4.482 m, với giá trị đầu tư 9,3 tỷ đồng;

Công trình đầu tư đường ống đấu nối nước từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm vào trạm cấp nước Bình Đông và khoan bổ sung 2 giếng khoan khai thác nước dưới đất để đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt mùa khô năm 2016, với quy mô công trình là ống HDPE D160 chiều dài 6,3 km, với giá trị đầu tư 5,3 tỷ đồng...

 

.
.
.