Thứ Tư, 16/03/2016, 17:46 (GMT+7)
.

Thực hiện Nghị định 67 đối với tàu cá đạt kết quả khả quan

Thời gian qua, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ (Nghị định 67) đã được các địa phương ven biển trong cả nước đồng loạt triển khai thực hiện. Đến nay, công tác triển khai thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi và đạt được một số kết quả khả quan, đặc biệt là đối với nội dung đóng mới và hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ để Nghị định 67 được triển khai thực hiện có hiệu quả hơn.

Công tác triển khai thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi và đạt được một số kết quả khả quan (Ảnh chụp đóng tàu cá ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông).
Công tác triển khai thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi và đạt được một số kết quả khả quan (Ảnh chụp đóng tàu cá ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông).

Triển khai Nghị định 67

Theo Chi cục Thủy sản, đến nay UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới với 41 tàu cá tham gia, đạt 100% chỉ tiêu được giao; bao gồm 4 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và 37 tàu khai thác hải sản (có 1 tàu vỏ thép khai thác hải sản, 2 tàu vỏ thép dịch vụ), 37 tàu cá đăng ký nâng cấp, 275 tàu cá đăng ký vay vốn lưu động, 294 tàu cá đăng ký hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm, 83 tàu dịch vụ hậu cần đăng ký hỗ trợ kinh phí vận chuyển hàng hóa.

Đến thời điểm này, tỉnh đã có 40 tàu cá có hồ sơ thiết kế được phê duyệt và hoàn tất các thủ tục đóng mới, 1 chủ tàu còn lại đã được duyệt hồ sơ thiết kế tàu cá vỏ gỗ nhưng xin chuyển sang làm vỏ thép, hiện đang lập hồ sơ thiết kế. Các ngân hàng thương mại đã nhận hồ sơ vay vốn đóng mới 31 tàu, trong đó có 3 tàu dịch vụ và 28 tàu khai thác hải sản.

Hiện nay đã có 27 tàu khởi công, đã hạ thủy 17 tàu, đưa vào sản xuất 13 tàu, 4 tàu đang hoàn tất thủ tục đăng ký. Dự kiến 14 tàu còn lại sẽ khởi công vào đầu tháng 6-2016. Tuy nhiên, mới có 26 tàu đã đăng ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại, trong đó có 23 tàu khai thác và 3 tàu dịch vụ với tổng số vốn tín dụng cam kết cho vay 167 tỷ đồng, đã giải ngân 142 tỷ đồng. Các hồ sơ còn lại ngân hàng đang chờ xử lý hoặc đang chờ các cơ sở đóng tàu bố trí thời gian khởi công.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có 37 tàu cá được phê duyệt danh sách tham gia nâng cấp tàu cá. Tàu dịch vụ hậu cần tham gia vận chuyển hàng hóa được UBND tỉnh phê duyệt là 83 tàu; từ khi triển khai đến nay đã hỗ trợ 30,92 tỷ đồng cho tàu dịch vụ hậu cần tham gia vận chuyển hàng hóa.

Tàu cá đăng ký và được phê duyệt hưởng chính sách hỗ trợ cho phí mua bảo hiểm có 294 tàu; Công ty bảo hiểm Dầu khí (PVI) đã bán bảo hiểm cho 68 tàu cá với tổng kinh phí hơn 2,21 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách Nhà nước cấp trả cho Công ty bảo hiểm PVI 1,96 tỷ đồng. Ngoài ra, có 275 tàu cá đăng ký và được phê duyệt tham gia chính sách vay vốn lưu động; đến nay đã có 23 chủ tàu vay vốn với tổng số tiền 13,48 tỷ đồng, số dư nợ là 5,26 tỷ đồng.

Một số khó khăn cần tháo gỡ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sau khi tháo gỡ những khó khăn ban đầu trong việc lập hồ sơ thiết kế tàu cá, thẩm định tổng giá trị con tàu, hiện nay tiến độ thực hiện các dự án đóng mới thực hiện tốt. Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay là do trên địa bàn tỉnh chỉ có 7 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu vỏ gỗ, 2 cơ sở đóng tàu vỏ thép, trong khi số lượng tàu cá cần đóng mới khá nhiều nên một số chủ tàu cá đã hoàn tất hồ sơ thiết kế nhưng chưa khởi công được.

Thời gian qua, các tàu được phê duyệt danh sách tham gia nâng cấp tàu cá chưa thực hiện các thủ tục như thiết kế, hợp đồng vay vốn… Nguyên nhân là do các chủ tàu có tâm lý muốn mua máy thủy đã qua sử dụng lắp đặt để giá thành thấp, mau thu hồi vốn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn máy thủy này tương đối hiếm do thủ tục nhập khẩu khắt khe hơn.

Đến nay đã có 27 tàu cá đóng mới có công suất máy chính từ 400 CV trở lên từ nguồn vốn của ngư dân, trong đó có 16 tàu lưới kéo, 1 nghề câu, 1 nghề lưới vây, 9 tàu làm nghề dịch vụ hậu cần khai thác hải sản. Nhìn chung, các tàu cá này đều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật và đang hoạt động có hiệu quả.

Việc người dân tham gia mua bảo hiểm để được hỗ trợ kinh phí còn ít do điều kiện ràng buộc để được tham gia hỗ trợ tàu cá phải là thành viên của tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá nên đã giới hạn đối tượng hỗ trợ.

Bên cạnh đó, thủ tục hỗ trợ còn rườm rà (phải xác định tuổi tàu), kinh phí hỗ trợ không nhiều (bảo hiểm thuyền viên), thị phần của Công ty bảo hiểm PVI (đơn vị được chỉ định bảo hiểm) trong lĩnh vực tàu cá nhỏ so với các doanh nghiệp bảo hiểm khác trước khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP triển khai, do đó ngư dân đã quen mua với các công ty khác. Công ty bảo hiểm PVI chưa làm thật tốt trong công tác tiếp cận, hướng dẫn các chủ tàu cá đã được phê duyệt tham gia mua bảo hiểm.

Ngoài ra, với quy định điều kiện các tàu tham gia hưởng chính sách bảo hiểm phải được UBND tỉnh phê duyệt danh sách ban đầu, cùng với việc các chủ tàu cá thay đổi chủ sở hữu, thay đổi công suất máy, thay đổi nghề… phải trình phê duyệt lại, đã làm cho việc thực hiện chính sách này chưa thu được kết quả cao.

Việc các chủ tàu cá đăng ký đóng mới, đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm được UBND tỉnh phê duyệt, sau đó xin không thực hiện hoặc chờ đợi chính sách thay đổi hoặc xin thay đổi công suất máy, thay đổi vật liệu đóng tàu cá cũng đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện.

Theo Sở NN&PTNT, dự toán kinh phí thực hiện năm 2016 là 80,242 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa 40,6 tỷ đồng/101 tàu, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu 34,856 tỷ đồng/553 tàu, hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên 915 triệu đồng/3.050 người, hỗ trợ bảo hiểm ngư lưới cụ, trang thiết bị 3,871 tỷ đồng/553 tàu.

THÀNH CÔNG

.
.
.