Thứ Hai, 14/03/2016, 14:01 (GMT+7)
.

Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững cây thanh long Tân Phước

Hơn 20 năm qua, Tân Phước luôn được biết đến là vùng đất trũng Đồng Tháp Mười, nhiễm phèn, chỉ thích hợp trồng các loại cây bản địa như tràm, bàng, nổi bật là cây khóm và khoai mỡ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiệu quả của cây khóm cũng như khoai mỡ đang giảm, giá cả thất thường. Từ thực tế đó, nông dân Tân Phước đã mạnh dạn thay đổi cây trồng, trong đó có cây thanh long đã và đang dần thích nghi với vùng đất này.

Nông dân Lê Văn Neo đang chăm sóc thanh long.
Nông dân Lê Văn Neo đang chăm sóc thanh long.

DIỆN TÍCH THANH LONG TĂNG NHANH

Về các xã Thạnh Tân, Hưng Thạnh, Tân Lập 1, Mỹ Phước… trước mắt chúng tôi là những vườn thanh long xanh ngắt trải dài ngút ngàn và đây đó là những ruộng khóm, tràm bị đốn bỏ để chuẩn bị đất trồng thanh long. Anh Võ Văn Nhiên, ấp 2, xã Tân Lập 1 cho biết: “Gia đình vừa phá hơn 1 ha khóm, cắm 1.200 trụ xi măng chuẩn bị trồng thanh long ruột đỏ.

Cách đây 4 năm khi thấy nhiều nông dân trong vùng lên liếp trồng thanh long nên anh trồng theo. Mới đầu anh trồng 5 công. Thấy thanh long dễ trồng, mau cho thu hoạch, lại bán được giá cao nên anh chuyển toàn bộ đất khóm hơn 3 ha sang trồng thanh long. Trồng thanh long nếu chịu khó chăm sóc, chỉ sau 2 - 3 đợt thu hoạch có thể hoàn vốn, sau đó thanh long sẽ cho lãi cao, chứ trồng thanh long không lỗ”.

Nhìn những trái thanh long đã to bằng nắm tay, không đầy 1 tháng nữa là cho thu hoạch, nông dân Lê Văn Neo, xã Tân Lập 1 phấn khởi: “Đợt tết Nguyên đán vừa rồi chú bán được hơn 150 triệu đồng. Hiện chú đang trồng 1.000 gốc thanh long ruột đỏ, đến tháng 10-2016 khi thời tiết thuận lợi, chú sẽ chuyển hơn 1 ha khóm còn lại sang trồng thanh long”.

Chỉ trong vòng 5 tháng, diện tích trồng thanh long của xã Tân Lập 1 đã tăng từ 65 ha lên 80 ha. Ông Đỗ Văn Nhựt, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 2, xã Tân Lập 1 cho biết: “Ấp 2 hiện có 40 ha thanh long (trong đó chỉ có 1 ha thanh long ruột trắng) và gần 10 ha chuẩn bị trồng. Do vùng đất nơi đây ngày càng không còn phù hợp để trồng khóm, nông dân giờ khá lên hầu như đều nhờ vào cây thanh long”.

Cây thanh long xuất hiện ở Tân Phước cách nay khoảng 5 - 6 năm. Một số doanh nghiệp vào Tân Phước đầu tư trồng thanh long với diện tích lớn như: Cơ sở vịt quay Cát Tường đầu tư trồng trên 22 ha ở xã Thạnh Tân; Công ty Long Việt trồng 12 ha ở xã Hưng Thạnh,  xã Mỹ Phước; cơ sở đá hoa cương Công Sơn trồng 20 ha ở xã Mỹ Phước...

Năm 2014, diện tích trồng thanh long toàn huyện chỉ có 81,35 ha, đến năm 2015 đã tăng lên 262,65 ha (trong đó thanh long ruột trắng chỉ có 35,5 ha); hiện cây trồng này đang tiếp tục phát triển mạnh với nhiều diện tích đã được lên liếp, mô, cắm trụ xi măng chuẩn bị trồng.

NHẬN DIỆN KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁP

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, thời gian qua, một số mô hình trồng thanh long của các doanh nghiệp được đầu tư bài bản, trồng đúng quy trình kỹ thuật đang phát triển rất tốt, hiệu quả kinh tế khá cao.

Đến nay đã có 40 ha thanh long ruột đỏ của trang trại thanh long Cát Tường được cấp chứng nhận GlobalGAP, 15 ha của trang trại Long Việt được cấp chứng nhận VietGAP. Nhiều nông dân trở nên khá giả nhờ trồng thanh long, vì thế người dân địa phương dần định hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững cây trồng này trên vùng đất phèn vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Cây thanh long hiện có mặt và phát triển ở 11/13 xã, thị trấn trong huyện, nhưng phần lớn là tự phát, trong đó có những vùng đất còn nhiễm phèn nặng, chất lượng nguồn nước không bảo đảm cho cây trồng này phát triển.

Người dân chủ yếu xử lý tình huống theo phương pháp thủ công, trước mắt, chưa lường hết những rủi ro sau này. Nông dân Lê Thanh Hùng, xã Hưng Thạnh cho biết: “Nếu nước bị nhiễm phèn thì rải vôi, còn bị nhiễm mặn thì đóng cống chứa nước trong các ao, mương để tưới thanh long”.

Bên cạnh đó, do chạy theo phong trào, không ít nông dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long nên chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật lên liếp, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như xử lý ra hoa, cho trái.

Người dân trồng thanh long ở Tân Phước cho biết: Lao động trồng thanh long ở đây không có, từ khâu vuốt que cho đến hái trái chủ yếu thuê nhân công từ huyện Chợ Gạo đến làm, chi phí tốn kém gần gấp đôi lao động tại chỗ. Cơ sở hạ tầng hạn chế cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển, mua bán thanh long.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết: “Nhằm hạn chế việc phát triển tự phát, đầu năm 2014, UBND huyện đã tổ chức hội thảo, sau đó đã xin tỉnh cho lập đề án phát triển bền vững cây thanh long trên địa bàn huyện Tân Phước giai đoạn 2016 - 2020 với diện tích khoảng 1.000 ha. Huyện đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để thực hiện các thủ tục theo quy định.

Cây thanh long sẽ tiếp tục phát triển trên địa bàn huyện Tân Phước. Do vậy, huyện kiến nghị UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT giúp huyện lập dự án phát triển bền vững cây thanh long trên diện tích khóm già cỗi ở những khu vực có điều kiện, hạn chế tự phát nhằm đa dạng hóa cây trồng, gắn với phát triển du lịch, tăng thu nhập cho bà con nông dân, tạo đột phá, góp phần tái cấu trúc ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Phước”.

Do cây thanh long có yêu cầu kỹ thuật chăm sóc và chi phí đầu tư cao, nhất là trên vùng đất phèn. Do vậy, nhằm hạn chế rủi ro có thể dẫn đến thiệt hại, UBND huyện đã khuyến cáo bà con chú ý: Chỉ nên trồng thanh long ở những nơi có đủ điều kiện về kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất.

Trước khi trồng, cần tìm hiểu kỹ quy trình kỹ thuật trồng thanh long trên vùng đất phèn, ngay từ khâu chọn giống. Nên trồng thanh long theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Nên thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã với diện tích từ 10 ha trở lên để giảm chi phí sản xuất, được hỗ trợ chi phí cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và những chính sách khác theo quy định. Nên liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm (nếu có điều kiện).

Thời gian tới, trong khi chờ được lập dự án phát triển cây thanh long trên địa bàn huyện, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền; đồng thời đẩy mạnh công tác hội thảo, tập huấn nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và cung cấp thông tin về những chính sách có liên quan đến người dân.

P. MAI

.
.
.