"Vương quốc" sầu riêng chống chọi với mặn
Những ngày qua, mặn đã xâm nhập đến một số khu vực ven sông Tiền của huyện Cai Lậy, nơi có vườn chuyên canh sầu riêng trồng tập trung bậc nhất của tỉnh, với độ mặn đo được trên 1 g/l đến 1,8 g/l, đe dọa đến hàng ngàn ha cây ăn trái đặc sản này.
Nhà vườn đo độ mặn trong mương vườn sầu riêng. |
TRỞ TAY KHÔNG KỊP
Những ngày qua, các nhà vườn trồng sầu riêng nói riêng và vườn cây ăn trái khác nói chung ở khu vực ven sông Tiền đứng ngồi không yên vì mặn xâm nhập. Ông Đỗ Hữu Nhàn, ấp 12, xã Long Trung (huyện Cai Lậy) cho biết, ông biết được thông tin mặn xâm nhập vào Ngũ Hiệp, Tam Bình cách nay khoảng 1 tuần.
Tại đầu con kinh trước nhà đã có lúc mặn lên đến từ 0,3g/l đến 0,4 g/l. Mấy ngày nay, nước triều kém nên độ mặn đã giảm hơn trước. Những ngày tới, mặn sẽ lên theo triều, lúc đó nguồn nước tưới cho sầu riêng sẽ càng khó khăn hơn. Hiện nay, sầu riêng của ông đang vào kỳ cho trái nên mỗi tuần phải tưới 3 lần.
Trước tình hình nguồn nước kinh, rạch đang dần bị nhiễm mặn, trong khi mương vườn không trữ được nước nên ông phải tranh thủ những thời điểm con nước mới lớn, độ mặn thấp mới bơm tưới cho cây. “Không có lựa chọn nào khác vào lúc này ngoài việc tranh thủ nước mới lớn mà bơm tưới cho sầu riêng. Trước xu hướng mặn ngày càng xâm nhập sâu hơn, tôi đã tính đến việc vét một số mương trong vườn để trữ nước tưới cho cây khi độ mặn ngoài kinh tăng cao” - ông Nhàn cho biết.
Nhưng tâm điểm của xâm nhập mặn trong những ngày qua phải kể đến các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy). Theo những người dân nơi đây, hiện tại trong nhiều tuyến kinh, mương vườn đã bị mặn xâm nhập với độ mặn lên đến trên 1 g/l.
Trời đã trưa nhưng tại nhà của ông Trần Văn Cấm, ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình vẫn có rất đông nhà vườn mang mẫu nước đến để đo độ mặn. Có mẫu nước lấy từ kinh, có mẫu lấy trong các mương vườn. Kết quả, các mẫu nước đều có độ mặn khoảng 1,3 g/l đến 1,5 g/l.
Ông Trần Văn Cấm cho biết, ông nghe thông tin mặn vào ngày 7-3 và từ đó ông đã đóng các cống ngăn không cho nước vào vườn; đồng thời cũng ngưng không tưới nước cho sầu riêng. Để chủ động theo dõi chất lượng nguồn nước, ông quyết định mua máy đo mặn, đo liên tục trong những ngày qua, độ mặn ngoài kinh cũng như trong mương vườn ở khu vực này đều ở mức 1,3 g/l đến 1,5 g/l.
“Dù đã xả mặn, vậy mà độ mặn trong mương vườn của tôi cũng còn khoảng 1,4 g/l. Độ mặn này cây sầu riêng không chịu nổi. Cả tuần nay, vườn sầu riêng không có giọt nước nào, tôi nóng ruột lắm. Hiện nay, cây đang ở giai đoạn chuẩn bị xử lý nhưng gặp mặn nên ngưng, làm sao cho cây không bị ảnh hưởng là mừng rồi” - ông Cấm cho biết.
Có mặt tại nhà ông Cấm và độ mặn đo được trong mương vườn cũng đạt khoảng 1,4 g/l, anh Nguyễn Văn Nghi bày tỏ: “Mấy ngày nay không có ngày nào tôi ăn ngon, ngủ yên. Con nước nào tôi cũng canh độ mặn xuống thấp để lấy nước vào vườn tưới cây nhưng không thấy xuống. Tôi nghe nói Trung Quốc xả đập nên cũng hy vọng lắm. Nhà vườn chúng tôi không lo kỹ thuật trồng, sâu bệnh nhưng mặn thì thua do chưa có kinh nghiệm.
Trước đây đã lâu lắm rồi, có 1 năm mặn đã lên tới đây nhưng chỉ ở ngoài sông chứ không vào kinh, mương vườn như năm nay. Hôm rồi khi phát hiện thì độ mặn đã lên đến trên 1 g/l, lúc đó mặn đã vào tới mương vườn, chúng tôi trở tay không kịp”.
ĐÓNG CỐNG, XẢ MẶN
Những ngày qua, độ mặn trên sông Tiền tại khu vực Tam Bình, Ngũ Hiệp dao động ở mức 1,2 g/l đến 1,8 g/l. Do hiện nay kỳ triều kém nên mặn có giảm xuống. Theo số liệu của cơ quan chức năng, ngày 16-3, độ mặn tại các điểm đo trên địa bàn xã Tam Bình dao động ở mức 0,5 g/l đến 1,4 g/l.
Sầu riêng là cây ăn trái rất nhạy cảm với mặn (độ mặn để sầu riêng phát triển bình thường không quá 1 g/l). Việc độ mặn tăng cao ở khu vực này trong những ngày qua đe dọa rất lớn đến các vườn sầu riêng trong vùng.
Trước việc mặn xâm nhập vào các tuyến kinh trong những ngày qua, nhà vườn đã chủ động đóng cống trong mương vườn, xả mặn, vét mương vườn trữ ngọt, tạm ngưng tưới nước cho sầu riêng ở những nơi nguồn nước bị nhiễm mặn. Thậm chí, có nhà vườn còn tự trang bị máy đo mặn để chủ động trong việc lấy và xả nước cho mương vườn kịp thời.
Trước tình hình nguồn nước nhiễm mặn cao xâm nhập từ sông Hàm Luông (Bến Tre) qua địa bàn, các xã ven sông Tiền của huyện Cai Lậy, huyện, xã đã liên tục cập nhật thông tin diễn biến mặn và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, chống; tuyên truyền cho dân ngăn mặn, trữ ngọt trong mương vườn, rà soát các cống để đóng ngăn mặn…
Nói về giải pháp cụ thể của xã Tam Bình, ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn xã có trên 1.600 ha cây ăn trái, trong đó trên 1.500 ha cây sầu riêng. Ngoài việc xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất; tuyên truyền người dân trữ ngọt, ngăn mặn; cập nhật thông báo mặn qua đài truyền thanh xã để dân chủ động ứng phó, xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các cơ quan chuyên môn khác tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cũng như hạn chế tác hại của mặn đối với cây ăn trái nói chung và sầu riêng nói riêng.
Đối với giải pháp công trình, trên địa bàn xã có 29 cống ngăn lũ lớn nhỏ, trong đó có 8 cống hở. Để chống xâm nhập mặn, xã đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí làm các mặt cống bên ngoài và bên trong của các cống hở. Riêng 21 cống còn lại, xã vận động nhân dân làm mặt bên trong (đã có mặt bên ngoài) để trữ ngọt phục vụ tưới tiêu cho cây ăn trái khi mặn xâm nhập. Ngoài ra, xã chỉ đạo các ấp thường xuyên thông báo cho người dân về tình hình mặn, kiểm tra các cống ngăn mặn bảo vệ vườn cây ăn trái trên địa bàn.
Để chủ động đối phó với xâm nhập mặn, huyện Cai Lậy đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn; triển khai công tác ứng phó xâm nhập mặn vườn cây ăn trái cho các xã ven sông Tiền; phối hợp với đơn vị chức năng mở thêm các điểm đo mặn ở khu vực này; chỉ đạo các xã cập nhật diễn biến mặn và thông báo kịp thời cho người dân; khuyến cáo người dân nạo vét mương vườn trữ nước để tưới cây.
Huyện cũng đang cho tiến hành trang bị máy đo mặn cho các xã ven sông Tiền; xúc tiến đắp các đập để bảo vệ sản xuất; đề xuất tỉnh đắp những đập lớn (đập thép) để ngăn mặn, bảo vệ diện tích cây ăn trái...
TÂN PHÚ