Thứ Hai, 28/03/2016, 14:05 (GMT+7)
.

Xây dựng cơ bản quý I-2016: Chậm khởi công các dự án mới

Mặc dù các địa phương, ban, ngành của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong phối hợp triển khai, nhưng tiến  độ xây dựng cơ bản quý I-2016 vẫn còn chậm. Tỷ lệ giải ngân khá thấp, chỉ  đạt 19,9% kế hoạch đề ra.

1. Theo Ban Quản lý dự án tỉnh Tiền Giang, Ban được UBND tỉnh giao đầu tư tất cả 14 dự án. Trong đó, 3 dự án đang trình thẩm định phê duyệt gồm: Dự án giảm sóng, gây bồi bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Gò Công, dài 17km từ nguồn vốn ODA; dự án các tuyến đê huyện Tân Phú Đông; dự án đắp đập 2 đầu sông Cửa Trung để tạo hồ chứa nước cho huyện Tân Phú Đông.

6 dự án đã được phê duyệt gồm: Sân lễ Quảng trường trung tâm tỉnh, hiện dự án này chưa triển khai được do chờ điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Dự án trụ sở làm việc của các sở, ngành tỉnh hiện tạm ngưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đường tránh thị trấn Vĩnh Bình, hiện đang thiếu vốn để thanh toán cho chi phí tư vấn và giải phóng mặt bằng; riêng 2 dự án ký túc xá sinh viên tỉnh, hiện việc kêu gọi đầu tư gặp khó khăn; Ban Quản lý Dự án kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương bố trí vốn ngân sách để dự án có thể triển khai, đáp ứng nhu cầu của Trường Đại học Tiền Giang.

Ngoài ra, còn 5 dự án đang lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư gồm: Dự án cơ sở hạ tầng du lịch Cái Bè, dự án kè biển Tân Thành, dự án Thư viện tỉnh, dự án Khu tưởng niệm và Đền thờ các Vua Hùng (chủ trương của UBND tỉnh sẽ triển khai sau năm 2020) và dự án trụ sở làm việc của UBND tỉnh.

Trường THCS Lê Ngọc Hân - một dự án chuyển tiếp, đã thi công hoàn thiện 85% theo hợp đồng.
Trường THCS Lê Ngọc Hân - một dự án chuyển tiếp, đã thi công hoàn thiện 85% theo hợp đồng.

Ông Trần Văn Kết, Trưởng Ban quản lý Dự án tỉnh cho biết, để có cơ sở triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định Luật Đầu tư công, UBND tỉnh cần sớm bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và tổ chức thẩm định phê duyệt 5 dự án nêu trên.

Trong năm 2016 sẽ triển khai 2 dự án gồm: Dự án gây bồi, trồng cây bảo vệ đê biển Gò Công chiều dài 1.400 m (đã khởi công ngày 26-2-2016) và dự án Trường THPT Tân Hiệp (huyện Châu Thành) dự kiến sẽ khởi công trong quý II-2016.

Theo Ban Quản lý dự án tỉnh, tiến độ thực hiện các dự án còn gặp khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm so với tiến độ; quy trình thẩm định hồ sơ, nguồn vốn cấp cho các dự án còn hạn chế nên chưa thể triển khai, cụ thể như Ban được giao quản lý 19 dự án, tuy nhiên năm 2016 chỉ giao vốn tổng cộng 73,312 tỷ đồng cho 6 dự án, trong khi nhu cầu vốn thực tế cho năm 2016 trên 200 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cùng các chi phí khác.

2. Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) việc chậm triển khai các dự án mới năm 2016 là do các chủ đầu tư phải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình thẩm định và phê duyệt theo quy định.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là khi thực hiện các quy định của Luật Đất đai mới năm 2013 về các chính sách hỗ trợ, tái định cư, làm tăng chi phí đền bù một số dự án lên hơn 2 - 3 lần nên tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng lớn đến khả năng cân đối vốn.

Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ thực hiện các dự án có liên quan đến công tác bồi thường, giải tỏa như Quảng trường trung tâm tỉnh, đường Lê Văn Phẩm, ĐT 871B, ĐT 878, đường vào Khu công nghiệp Tân Hương, Trường Đại học Tiền Giang, dự án kinh 14, dự án nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công…

Ngoài ra, còn một yếu tố là vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn hạn chế, chưa thu hút được các nguồn khác ngoài vốn Nhà nước; thiếu vốn đối ứng thực hiện các dự án ODA; vốn cho các dự án chuyển tiếp cũng như khởi công mới thuộc các lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, thương mại, nông thôn mới… còn nhiều khó khăn. 

Tại cuộc họp sơ kết công tác xây dựng cơ bản, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chỉ đạo: Đến hết tháng 6-2016 công trình, dự án nào chưa thể triển khai thì sẽ tạm ngưng để tập trung vốn cho những công trình khác để giải quyết dứt điểm từng công trình, không dàn trải trong điều kiện khó khăn về vốn.

Về việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và các vấn đề có liên quan đến công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ truơng đầu tư các công trình, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công đối với các ngành, địa phuơng còn nhiều lúng túng do chưa xác định đuợc nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong bối cảnh nhu cầu đầu tư của các ngành, địa phuơng rất lớn. 

Về những giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công trên địa bàn trong 3 quý còn lại, lãnh đạo Sở KH-ĐT yêu cầu các ngành, địa phuơng cần làm tốt công tác quy hoạch; cụ thể rà soát, cập nhật lại các quy hoạch có liên quan; nâng cao chất luợng quy hoạch vùng, lãnh thổ, quy hoạch ngành, lĩnh vực, đô thị làm căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án kêu gọi đầu tư.

Về các dự án đầu tư mới trong năm 2016, cần nhanh chóng hoàn tất hồ sơ thủ tục đầu tư theo quy định; thời gian Trung ương cho phép hoàn thành các thủ tục hạn chót là ngày 31-3-2016. Về kế hoạch phân bổ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư các chương trình mục tiêu Quốc gia và vốn xổ số kiến thiết hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới cấp xã, đề nghị Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới khẩn trương hoàn chỉnh trình UBND tỉnh.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị các chủ đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động di dời; thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định, quy trình để dự án triển khai thực hiện thuận lợi và theo đúng tiến độ đề ra.

Riêng các dự án chuyển tiếp còn khó khăn, vướng mắc, đề nghị chủ đầu tư phối hợp với địa phương củng cố hồ sơ và giải quyết dứt điểm công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư để bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện dự án.

DUY SƠN

.
.
.