Thứ Hai, 11/04/2016, 19:48 (GMT+7)
.

Chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ khu vực phía Đông: Không thể chậm trễ

Nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất cho khu vực phía Đông của tỉnh chủ yếu từ sông Tiền, sông Tra, sông Gò Công với thời gian lấy nước dài nhất khoảng 10 tháng (qua cống Xuân Hòa từ tháng 5 năm trước đến tháng 3 năm sau).

Theo giới chuyên môn dự báo, mức độ và phạm vi xâm nhập mặn tại Tiền Giang thời gian tới sẽ cao hơn, mặn lấn sâu hơn hiện nay nên thời gian có thể mở cống lấy nước tưới hàng năm vào vùng sản xuất khép kín sẽ giảm xuống. Do đó, việc bố trí lại thời vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý ở khu vực này trong các vụ tiếp theo của năm 2016 và thời gian tới là rất cấp thiết.

Diện tích sản xuất lúa khu vực ven đê của xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) đang được huyện chú trọng cắt vụ, chuyển mùa vụ và cây trồng.
Diện tích sản xuất lúa khu vực ven đê của xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) đang được huyện chú trọng cắt vụ, chuyển mùa vụ và cây trồng.

Theo số liệu tổng hợp từ các huyện, thị khu vực phía Đông, vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công có trên 29.200 ha đất lúa có thể phân thành 3 vùng sản xuất theo mức độ thuận lợi, khó khăn về nguồn nước. Theo đó, vùng sản xuất thuận lợi gần 21.000 ha, có khả năng sản xuất 3 vụ lúa/năm (Gò Công Tây 7.600 ha, Gò Công Đông 7.200 ha, Chợ Gạo 2.100 ha và TX. Gò Công 4.000 ha).

Vùng sản xuất khó khăn gần 7.800 ha chỉ có thể sản xuất 2 vụ lúa/năm do thiếu nước vào đầu vụ hè thu và cuối vụ đông xuân, tập trung ở các khu vực ven đê sông Tra, ven sông Vàm Cỏ, sông Cửa Tiểu và ven biển Gò Công. Và vùng đặc biệt khó khăn khoảng 550 ha (huyện Gò Công Tây 180 ha, huyện Gò Công Đông 250 ha và TX. Gò Công: 120 ha).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lâu nay các huyện, thị phía Đông sản xuất chủ yếu các giống lúa thơm, đặc sản, các giống lúa chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu... có thời gian sinh trưởng từ 95 - 105 ngày. Những năm mưa trễ, mặn đến sớm, việc điều tiết nước cho sản xuất rất khó khăn. Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn gây ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất đã xảy ra theo hướng thường xuyên hơn, nhất là năm 2016.

Để né, tránh hạn, xâm nhập mặn gây thiếu nước ảnh hưởng sản xuất lúa, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành Nông nghiệp đề xuất cắt vụ, chuyển mùa vụ, cơ cấu cây trồng trong khu vực theo hướng hợp lý trong thời gian tới.

Theo đó, vùng 1 sản xuất 3 vụ lúa (hè thu - thu đông - đông xuân) với thời vụ của vụ hè thu xuống giống đầu tháng 5 thu hoạch đầu tháng 8, thu đông xuống giống đầu tháng 9 thu hoạch đầu tháng 12, vụ đông xuân xuống giống đầu tháng 12 thu hoạch đầu tháng 3 năm sau. Tuy vậy, thời vụ của các vụ có thể thay đổi tùy theo diễn biến mặn và mùa mưa.

Người dân cần sử dụng các giống cực ngắn ngày, khả năng chịu mặn tốt; đồng thời áp dụng phương pháp gieo mạ cấy bằng máy 1 trong 2 vụ liền kề. Còn nếu người trồng áp dụng luân canh cây màu thì nên thực hiện theo cơ cấu 2 lúa - 1 màu, 2 màu - 1 lúa, trong đó vụ thu đông trồng lúa, vụ hè thu và đông xuân có thể trồng màu.

Đối với vùng 2 thì không sản xuất vụ lúa hè thu mà chỉ sản xuất vụ lúa thu đông sớm - đông xuân sớm với vụ thu đông sớm xuống giống đầu tháng 7, thu hoạch đầu tháng 10; vụ đông xuân sớm xuống giống cuối tháng 10, thu hoạch cuối tháng 1 - đầu tháng 2 năm sau. Còn vùng 3 thì chuyển hẳn sang trồng cây ăn trái như thanh long, mãng cầu xiêm, bưởi (nơi có điều kiện) hoặc trồng cỏ và phát triển dự án nuôi bò thịt.

Riêng vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) có khoảng 1.700 ha lúa được bố trí sản xuất 2 vụ (vụ hè thu và vụ thu đông) và cả 2 vụ lúa này đều rất bấp bênh do khu vực chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn sớm, thời gian xâm nhập mặn kéo dài.

Gần đây, người dân ở khu vực này đã chuyển trên 900 ha đất lúa sang trồng cây mãng cầu xiêm; cây sả 630 ha; 500 ha sản xuất tôm - lúa và các mô hình đều cho hiệu quả rất cao. Từ đó, ngành đề nghị giảm dần diện tích trồng lúa, chuyển mạnh diện tích trồng lúa sang trồng sả, mãng cầu xiêm, dừa và nuôi thủy sản, những diện tích còn lại chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm và xuống giống khoảng tháng 7 - 8 khi có nước ngọt trên sông Cửa Tiểu và Cửa Trung.

Hiện thực hóa định hướng này, các cơ quan chuyên môn, địa phương đang xúc tiến các bước đi và giải pháp sắp xếp vụ mùa, cơ cấu lại cây trồng hợp lý cho vụ tới và những vụ tiếp theo. Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền người dân về tình hình hạn, mặn; thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng 2 vụ lúa ăn chắc, 2 màu 1 lúa và lúa - cá, lúa - tôm; chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích lúa khó khăn về nguồn nước. Đối với thời vụ, huyện dự kiến khu vực sản xuất bắt buộc 2 vụ lúa/năm khoảng 400 ha.

Nếu đến thời điểm ngày 5-5 không sạ được thì diện tích 2 vụ sẽ tăng thêm gần 1.100 ha. Còn nếu đến ngày 31-6 vẫn chưa sạ được, diện tích sản xuất 2 vụ sẽ tăng thêm gần 2.000 ha. Về lâu dài, huyện có định hướng chuyển đổi trên 600 ha đất lúa sang 170 ha trồng thanh long, 170 ha mãng cầu Xiêm, 70 ha bưởi da xanh, 100 ha dừa ở những nơi khó khăn về nguồn nước và vùng xen các vườn cây ăn trái sản xuất lúa không hiệu quả.

“Tuần sau, huyện sẽ ra quân làm thủy lợi nội đồng. Huyện đề nghị tỉnh cho triển khai nạo vét kinh Tham Thu, xây dựng một số cống xổ phèn; hỗ trợ huyện chuyển đổi trên 600 ha lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái” - ông Nam kiến nghị.

Bên cạnh các giải pháp phi công trình, để đảm bảo nguồn nước tưới, ngành Nông nghiệp cũng đề nghị thực hiện các giải pháp công trình như nạo vét kinh mương, xây dựng trạm bơm điện, cải tạo thêm cửa lấy gạn nước ở cống Xuân Hòa...

Ông Trương Văn Cho, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, thực hiện định hướng trên của ngành, tới đây chi cục sẽ tiến hành mở các lớp tập huấn, hội thảo về chuyển vụ, cắt vụ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc những cây trồng được khuyến cáo trồng; khuyến cáo nông dân sử dụng giống cây trồng chống chịu hạn, mặn; sử dụng các chất tăng cường sức đề kháng, khả năng chống chịu hạn, mặn cho cây.

Để thực hiện hiệu quả việc cắt vụ, chuyển mùa vụ, cơ cấu cây trồng, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương và xã, phường khảo sát quy hoạch vùng cụ thể phù hợp với diện tích trên; tuyên truyền, vận động nông dân để tạo sự đồng thuận chung về cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của ngành triển khai các mô hình trình diễn theo 3 vùng trên; đồng thời chuyển giao gói kỹ thuật mới sản xuất lúa trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn; triển khai cánh đồng lớn trên các vùng sản xuất, kể cả cây ăn quả và rau màu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm có thế mạnh của vùng Gò Công.

Về lâu dài, để cơ cấu lại sản xuất với giải pháp căn cơ cho khu vực phía Đông, trong buổi sơ kết phòng, chống hạn và xâm nhập mặn phía Đông vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chỉ đạo Sở NN&PTNT sớm xây dựng đề án cắt vụ, chuyển mùa vụ và cơ cấu cây trồng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ở khu vực phía Đông trình UBND tỉnh phê duyệt để có thể cho triển khai ngay trong vụ tới.

TÂN PHÚ

.
.
.