Thứ Hai, 11/04/2016, 19:17 (GMT+7)
.

Gò Công Tây: Đầu tư, phát triển các loại hình kinh tế tập thể

Phát triển đa dạng các hình thức kinh tế tập thể (KTTT) không những nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và thích ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, còn tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT huyện Gò Công Tây (sau đây gọi tắt Ban Chỉ đạo) đã làm tốt công tác này, các loại hình KTTT trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội huyện nhà phát triển.

Nhiều người dân trên địa bàn huyện nhờ tham gia HTX Rau an toàn Thạnh Hưng mà có nguồn thu nhập khấm khá.
Nhiều người dân trên địa bàn huyện nhờ tham gia HTX Rau an toàn Thạnh Hưng mà có nguồn thu nhập khấm khá.

Thực hiện Kế hoạch 47/KH-TU ngày 2-5-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương  5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT từ nay đến năm 2015 và định hướng những năm tiếp theo, UBND huyện Gò Công Tây đã tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT tại Quyết định 237/QĐ-UBND ngày 26-1-2015 và giao Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện là cơ quan đầu mối tham mưu, tổng hợp.

Theo đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu Ban chỉ đạo xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT và triển khai ra chính quyền các xã.

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, rà soát, củng cố, nâng chất các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), Ban Chỉ đạo còn tư vấn, hỗ trợ về thủ tục cho các đơn vị mới thành lập, mở rộng hoạt động kinh doanh, dịch vụ; mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức kinh tế hợp tác cho cán bộ quản lý cơ sở.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về quản lý Nhà nước đối với các HTX, THT trên địa bàn huyện; phân công cụ thể từng thành viên trong Ban Chỉ đạo theo dõi tình hình hoạt động của các HTX, THT… kịp thời tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để người dân hiểu và tích cực tham gia các mô hình KTTT, từ đó tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn huyện.

Đến nay, huyện Gò Công Tây có 7 HTX, trong đó có 5 HTX Nông nghiệp và Dịch vụ nông thôn, 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải và 1 quỹ tín dụng nhân dân. Tổng số thành viên của HTX là 6.733 thành viên, tăng 118 thành viên so với năm 2014.

Hầu hết các HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012; các HTX từng bước xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong hoạt động sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên. Doanh thu bình quân của HTX là 4,163 tỷ đồng, đạt 101,53% so kế hoạch, tăng 5,53% so năm 2014. Thu nhập bình quân 1 lao động của HTX là 40,55 triệu đồng/năm.

Trên địa bàn huyện hiện có 34 THT, trong đó có 19 THT cung cấp nước sinh hoạt, 3 THT sản xuất và tiêu thụ lúa giống, 6 THT bơm nước, 1 THT nuôi thủy sản, 2 THT trồng ca cao, thanh long, 1 THT trồng mai nu kiểng cổ, 2 THT nuôi bò, dê. Tổng số thành viên của THT là 5.257 thành viên, tăng 70 thành viên so với năm 2014. Doanh thu bình quân của THT là 145 triệu đồng, đạt 101,40% so kế hoạch, tăng 11,45% so năm 2014.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2010 - 2015, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch nông thôn, vốn tỉnh và nhân dân đóng góp đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 5 THT cấp nước gồm: Thạnh Phú 1 (xã Đồng Thạnh), Khương Thọ 1 (xã Đồng Sơn), Bình Trung 2 (xã Thạnh Nhựt), Thạnh An (xã Thạnh Trị), Hòa Bình A (xã Đồng Thạnh), với tổng kinh phí 4,661 tỷ đồng… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt sản xuất. 

Ông Lê Văn Nê, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Gò Công Tây cho biết: Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ cho HTX được ban hành nhưng KTHT vẫn còn phát triển chậm cả về số lượng và quy mô, qua 10 năm thực hiện chỉ thành lập mới 10 THT, 1 HTX, giải thể 4 THT.

Các HTX, THT hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, các ngành nghề khác chưa cạnh tranh được với tư thương và doanh nghiệp.

Quy mô sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX, THT còn nhỏ, hiệu quả kinh tế còn thấp, chưa làm tốt khâu tiêu thụ sản phẩm, cũng như hỗ trợ cho thành viên trong quá trình sản xuất; nguồn vốn, cơ sở vật chất và năng lực hoạt động của các HTX, THT không đồng đều và rất hạn chế so với các thành phần kinh tế khác; vốn góp của thành viên chủ yếu nằm trong tài sản cố định, thiếu vốn lưu động; vốn huy động từ các thành viên, tổ viên còn thấp; hoạt động của các HTX, THT chưa nhạy bén, thích ứng với cơ chế thị trường...

Sắp tới, Ban Chỉ đạo tiếp tục tập trung đầu tư triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển các loại hình KTTT, tạo điều kiện để các HTX chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, kinh doanh dịch vụ tổng hợp; quan tâm đầu tư phát triển khoa học - công nghệ ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất nông nghiệp.

Mở các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt ở địa phương, các lớp đào tạo nguồn cho cán bộ quản lý HTX, THT. Thực hiện các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ thành lập mới; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho HTX trong việc thực hiện xúc tiến thương mại; hỗ trợ đầu tư cho các HTX về công nghệ sau thu hoạch, kho bãi, khu chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm của HTX...

Phát triển KTTT gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội  của huyện thời kỳ 2016 - 2020; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 KTTT có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

HOÀI THU

.
.
.