Thứ Hai, 11/04/2016, 19:52 (GMT+7)
.

Gò Công Tây: Trên 10.000 ha lúa đông xuân vượt qua cơn hạn, mặn

Nằm trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, huyện Gò Công Tây có diện tích tự nhiên hơn 18.500 ha, trong đó có 14.447 ha đất nông nghiệp. Hàng năm vào mùa khô, phần lớn diện tích đất canh tác của huyện thiếu nước tưới, nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng khan hiếm đáng kể.

Đặc biệt năm 2015 mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa thấp, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nên Dự án Ngọt hóa Gò Công đã phải đóng ngăn mặn sớm hơn so với cùng kỳ. Từ đó nguồn nước tưới vụ đông xuân hàng năm vốn đã khó khăn, năm nay càng thêm khó khăn.

Ngày mùng 2 Tết, lãnh đạo huyện kiểm tra mực nước nội đồng và tiến độ thi công nạo vét các tuyến kinh ở xã Bình Phú, xã Bình Tân.
Ngày mùng 2 Tết, lãnh đạo huyện kiểm tra mực nước nội đồng và tiến độ thi công nạo vét các tuyến kinh ở xã Bình Phú, xã Bình Tân.

Trên các cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ mặn xuất hiện sớm, độ mặn cao. Tại Cống Vàm Giồng, mặn dao động ở mức từ 5,00 - 8,20 g/l nên phải đóng ngăn mặn từ ngày 20-11-2015 (sớm hơn so cùng kỳ 20 ngày). Cống Xuân Hòa độ mặn dao động ở mức từ 1,50 - 3,70 g/l, ngày 5-1-2016 cũng đã đóng ngăn mặn (sớm hơn cùng kỳ gần 2 tháng). Trên địa bàn huyện, từ đầu tháng 1-2016 lượng nước trong đồng và hệ thống thủy lợi xuống thấp nhanh chóng.

Được các ngành chức năng dự báo trước, để chủ động đối phó với hạn, mặn mùa khô 2015 - 2016, ngay từ những tháng cuối năm 2015, UBND huyện Gò Công Tây đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, phân công lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể phụ trách các xã kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống hạn, mặn; huyện ban hành nhiều công văn thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đối với huyện cũng như huyện đối với các xã, ngành trong tổ chức thực hiện. 

Đặc biệt chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, cùng các ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo 13 xã, thị trấn tổ chức nhiều giải pháp như: Tuyên truyền, khuyến cáo nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ, gieo sạ các giống lúa ngắn ngày; khẩn trương duy tu, nâng cấp, sửa chữa các cống đập đầu mối, bảo đảm ngăn mặn triệt để, tập trung khai thông dòng chảy, tăng cường nạo vét thủy lợi nội đồng...

Chính nhờ những giải pháp thiết thực nói trên nên toàn huyện có hơn 10.425 ha lúa đông xuân năm 2015 - 2016 bị hạn, mặn đe dọa đã vượt qua nguy cơ mất trắng, đảm bảo có đủ nước tưới, phát triển tốt. Tính  đến cuối tháng 3, toàn huyện đã thu hoạch xong, năng suất lúa đạt bình quân 77,8 tạ/ha. Chỉ trừ một số xã ở xa nguồn nước như: Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Bình Phú, Bình Tân... đã có 367 ha lúa bị thiệt hại do bị dồn phèn, mặn, trong đó thiệt hại từ 50% - 70% là 85 ha, trên 70% là 282 ha.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Có thể nói vụ đông xuân năm 2015 - 2016 huyện Gò Công Tây đã vượt qua nhiều khó khăn, giành thắng lợi trên cả 3 mặt: Diện tích, năng suất, sản lượng.

Kết quả này trước hết phải kể đến sự quyết tâm, đồng thuận của nhân dân; công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp được huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời. Trong những ngày đồng ruộng khô hạn, cây lúa “khát” nước héo hon, huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể, xã, ấp tổ chức nhiều cuộc họp bàn về giải pháp vận hành công trình cấp nước phục vụ sản xuất, triển khai khẩn cấp công tác phòng, chống hạn, mặn; ra quân trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy; thống kê, rà soát, khoanh vùng từng diện tích khó khăn để có giải pháp bơm tưới kịp thời.

Huyện thực hiện nghiêm chủ trương của tỉnh, từ đó chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức bơm chuyền, huy động các phương tiện, máy bơm trong dân; đồng thời tạm ứng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng để tổ chức bơm chuyền 2, 3 cấp tại 232 điểm bơm, tưới cho trên 7.300 ha với tổng số 132.219 giờ bơm, tương ứng kinh phí khoảng 6,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chính quyền xã, ấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân về diễn biến phức tạp của tình hình hạn, mặn, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, giữ vệ sinh nguồn nước, bơm trữ nước trên đồng ruộng, ao, đầm, kinh, mương...

Do diễn biến của hạn, mặn phức tạp, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể... thường xuyên đi kiểm tra tình hình, túc trực trên đồng ruộng cùng nông dân ứng phó với hạn, mặn, kể cả trong thời gian nghỉ Tết.

Ông Huỳnh Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Bình Tân, xã có diện tích lúa vụ đông xuân bị khô hạn nhiều nhất huyện, cho biết: “Phòng, chống hạn, mặn là nhiệm vụ thường xuyên vào mùa khô hàng năm của xã. Năm nay, hạn, mặn đến sớm hơn dự đoán. Nhờ chuẩn bị tốt ngay từ đầu vụ, xuống giống đúng lịch theo hướng “né” hạn, mặn, chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến xâm nhập mặn, có biện pháp ứng phó kịp thời nên mức độ thiệt hại trà lúa đông xuân không đáng kể.

Toàn xã nông dân gieo sạ hơn 1.000 ha, chỉ có khoảng 5 ha lúa của một số hộ dân vùng đê bao ấp Thạnh Lợi bị chết do ở vị trí cuối nguồn, chất lượng nguồn nước kém, nhiễm mặn, dồn phèn. Những ngày qua, nhờ độ mặn giảm, hệ thống thủy nông điều tiết, vận hành nước phù hợp, nông dân ý thức tham gia phòng, chống hạn, mặn nên nhiều diện tích bị thiếu nước trước đây đã phát triển tốt trở lại…”.

Bên cạnh nguồn nước sản xuất, lo lắng lớn nhất của huyện Gò Công Tây là nước sinh hoạt cho người dân, qua rà soát, trên địa bàn huyện còn 35 khu vực dân cư sống rải rác, với khoảng 1.078 hộ ở 10 xã chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch sinh hoạt nông thôn. Trong mùa khô, các hộ dân nầy còn phải xin nước, đổi nước nhờ từ các hộ dân ở khu vực khác.

Trước thực tế đó, huyện đã kiến nghị tỉnh cho mở thêm các tuyến ống nước chính đến các khu vực dân cư để từ đó dân tự kéo đường ống dẫn nước về nhà. Một số khu vực như ở Thạnh Trị, Yên Luông, Bình Phú, Thành Công, Bình Tân... do nguồn kinh phí hạn hẹp, không kéo dài đường ống chính được, huyện tiến hành mở các điểm vòi nước công cộng tại 16 khu vực ở các địa bàn khó khăn nhất với nguồn kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.

Đối với các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn xử lý nguồn nước mặt, có điều kiện đấu nối với hệ thống BOO Đồng Tâm, sau khi tỉnh lắp đặt xong tuyến ống. Một số trạm còn lại, huyện chủ trương bơm nước từ Kinh 14 vào kinh tiếp nước để dự trữ tạm đủ phục vụ cho hàng ngàn hộ dân trong những tháng mùa khô.

Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu với độ mặn ngày càng cao, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra, huyện còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Song từ những nỗ lực trong công tác phòng, chống hạn, mặn vụ đông xuân vừa qua cho thấy ý Đảng lòng dân đã được kết hợp hài hòa.

Câu nói của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” một lần nữa đã trở thành hiện thực. Vào thời điểm này, bà con nông dân trong huyện vừa thu hoạch xong vụ lúa đông xuân; lúa trúng mùa, được giá, niềm vui của bà con nơi đây có một vụ mùa thắng lợi, còn bởi các công trình thủy lợi quê mình đã được phát huy và nâng cao năng lực tưới tiêu.

XUÂN TƯỚC

.
.
.