Nghề "bạn đáy"
Nghề đóng đáy thuê hay còn gọi là “bạn đáy” đã có từ nhiều đời nay. Thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, vất vả, cực nhọc và những nguy hiểm luôn rình rập là những gì họ phải trải qua trong suốt thời gian gắn bó với biển cả.
BIỂN LÀ NHÀ
Dưới cái nắng chói chang của những ngày giữa tháng 4, chúng tôi theo ghe vượt sóng để đến nơi những “bạn đáy” đang sinh sống và làm việc. Từ cảng cá Vàm Láng, để ra đến nơi những “bạn đáy” làm việc phải mất ít nhất 1 giờ. Đối với những sở đáy nằm cách xa bờ phải mất từ 3 - 4 giờ để đi ghe. Nhìn từ xa, những trụ đáy giống như hàng cột điện nhô lên giữa biển khơi. Trên những trụ đáy là các căn chòi nằm chơi vơi trông như tổ chim chằng chịt.
Nghề “bạn đáy” luôn phải làm việc vất vả và nguy hiểm. |
Sau khi mang những vật dụng cần thiết từ ghe lên chòi, “bạn đáy” khẩn trương di chuyển trên những sợi dây thép nối liền các trụ đáy, rồi tháo dây neo để chuẩn bị cho bước kéo đáy. Tháo dây neo là một trong những công đoạn nguy hiểm nhất. Bởi khi đứng trên những sợi dây thép “bạn đáy” không có điểm tựa, 2 tay phải dùng cho việc tháo dây, nên rất dễ bị rơi xuống biển. Hôm chúng tôi đến, gió chướng bắt đầu trở lại, chiếc ghe chao đảo theo từng con sóng, nên việc tháo dây neo càng khó khăn hơn.
Sau khi hoàn thành việc tháo dây neo, những người đóng đáy thuê bắt đầu di chuyển xuống ghe để kéo đáy lên. Họ xúm lại, ra sức kéo miệng đáy lên ghe. Đây là giây phút cơ bắp cùng với sức mạnh được dịp phô bày. Miệng đáy được kéo lên trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của mọi người. Vừa buông dây kéo, anh Trần Văn Tê (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) nói với chúng tôi: “Cái nghề đóng đáy thuê đã gắn bó với tôi hơn chục năm nay. Lúc trước gia đình tôi cũng có sở đáy riêng nhưng do làm ăn không hiệu quả, mới sang cho người ta rồi chuyển sang nghề “bạn đáy”. Trung bình mỗi tháng chúng tôi làm việc và ở lại ngoài biển khoảng 20 ngày, những ngày còn lại được về nhà. Mỗi ngày kéo đáy 4 lần, cứ cách 6 tiếng lại kéo 1 lần, kéo xong lên chòi tắm giặt, ăn uống”.
Hôm nay sóng to, gió lớn nên việc kéo đáy vất vả và lâu hơn mọi khi. Anh Trần Văn Chừ (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) là người có thâm niên trong nghề “bạn đáy” với làn da cháy nắng, 2 tay mở miệng đáy cho ruốc vào giỏ, mỉm cười và nói: “Người dân miệt biển đa phần đều làm nghề biển, ai có vốn mua sắm ghe tàu đi đánh bắt, còn không thì đi làm thuê như chúng tôi. Cái nghề này cực khổ thế nào chú đã thấy rồi đó, “ăn sóng nói gió” xem biển là nhà”.
Những miệng đáy được kéo lên, mọi thứ bắt được đổ vào giỏ, sau đó được tiếp tục thả xuống biển. Lúc này, chiếc ghe đáy quay về nhà, những “bạn đáy” ở lại tiếp tục neo dây rồi mới lên chòi. Căn chòi chỉ rộng khoảng 5 m2, đóng bằng cây và che bằng những tấm bạt, bên trong là những vật dụng dùng để ăn uống và sinh hoạt hằng ngày như: Xoong nồi, bếp gas, bếp củi và thùng chứa nước… Cứ thế, năm này qua tháng nọ, đây là nơi sinh sống của những người “bạn đáy”.
LẮM NHỌC NHẰN
Nhiều người vẫn hay gọi nghề đóng đáy là “ăn sóng nói gió” để nói lên những khó khăn, vất vả của nghề. Nơi biển khơi, giữa bốn bề sóng nước, ngày lẫn đêm, những người đóng đáy thuê phải đương đầu với sóng gió, với sự khắc nghiệt của biển cả. Người đến với nghề này đều có những lý do khác nhau: Không có đất sản xuất, không phương tiện đánh bắt… Anh Đinh Nhật Trung (ấp Đôi Ma 1, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) trước đây đi ghe cào thuê. Khi cơn bão số 5 (năm 1997) ập đến, anh may mắn thoát nạn rồi từ đó chuyển sang nghề “bạn đáy”. Anh Trung cho biết, nghề “bạn đáy” cũng vất vả như bao nghề biển khác, mỗi tháng chỉ ở nhà khoảng 10 ngày, nên thiếu thốn nhiều thứ nhưng cũng ráng vì phải mưu sinh cho cuộc sống.
Căn chòi của “bạn đáy” nằm chơi vơi trên đầu ngọn sóng. |
Giữa biển khơi, mọi sinh hoạt đều bị gói gọn trong căn chòi nhỏ hẹp, nên cuộc sống của những người đóng đáy thuê gặp không ít bất tiện. Những lúc sóng to gió lớn, sóng đánh lên đến tận căn chòi làm ướt tất cả đồ đạc. Chưa kể, “bạn đáy” phải thường xuyên hứng chịu những cơn “thịnh nộ” của biển cả, những cơn gió biển lạnh đến run người. Anh Trần Văn Chừ trải lòng: “Có những hôm giông gió nổi lên, sóng lớn đánh ướt cả chồi, không thể nào ngủ được nên trong lòng cứ phập phồng lo sợ, cứ thầm cầu mong cho trời yên biển lặn”.
Tùy vào mức độ phức tạp của công việc ở từng sở đáy mà mức lương của “bạn đáy” được chủ trả khác nhau. Với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng, anh Chừ phải làm việc vất vả hơn nhiều so với những người khác. Anh Chừ cho biết: “Sở đáy này con nước nào cũng đóng, bất kể nước lớn hay nước ròng. Thêm vào đó, miệng đáy thường xuyên được mang lên bờ để thay bằng miệng khác, mỗi lần thay là cực lắm nên lương được trả nhiều hơn những sở đáy khác”.
Ngoài ra, do đặc thù của nghề nghiệp, thế nên một khi đến thời điểm kéo đáy dù là nắng hay mưa, “bạn đáy” vẫn phải nai lưng ra làm. “Nghề “bạn đáy” này cực nhọc lắm, nắng, mưa, giông gió gì mình cũng phải làm. Có lúc nắng muốn “cháy da” nhưng được cái sóng yên biển lặng; còn mùa mưa vất vả, nguy hiểm hơn do phải đương đầu với sóng to gió lớn, chỉ những lúc có tin bão khẩn cấp mình mới được vào bờ, còn đúng con nước phải ở ngoài biển”- Trần Văn Tê tâm sự.
Chiếc ghe đóng đáy chạy ngược vào bờ để lại phía sau lưng những hàng cọc chơi vơi cùng với những “bạn đáy” vẫn ngày đêm “bầu bạn” cùng sóng nước. Họ đã và đang từng ngày mưu sinh nơi “đầu sóng ngọn gió”, cực nhọc, vất vả nhưng vẫn gắn bó với biển cả như cái tình, cái nghĩa không thể tách rời...
MINH THÀNH