"Nhận diện" các xã lên nông thôn mới năm 2016
Theo kế hoạch của tỉnh, có ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong năm 2016. Đến nay, có 12 xã đăng ký về đích NTM trong năm nay. Mặc dù có nhiều lợi thế so với nhiều xã khác nhưng để đạt chuẩn NTM trong năm 2016, các xã trên vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Xã Tam Hiệp được định hướng phát triển cây rau màu an toàn. |
CẦN 414 TỶ ĐỒNG NÂNG CẤP HẠ TẦNG
Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè), trong 4 tiêu chí còn lại chưa đạt yêu cầu của Bộ Tiêu chí, có đến 3 tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng gồm: Giao thông, điện, trường học. Trong đó, đặc biệt đến nay xã chưa có tuyến đường xã nào đạt chuẩn theo yêu cầu của tiêu chí Giao thông và còn thiếu 1 trường học đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất. Ngoài ra, để ra mắt xã đạt chuẩn NTM trong năm nay, xã và các ngành, các cấp còn phải đầu tư nhiều công trình khác. Theo ước tính của xã, để Mỹ Đức Tây đạt chuẩn NTM, trên địa bàn xã cần đầu tư trên 70 tỷ đồng để nâng cấp các tiêu chí trên.
Cùng nằm trên địa bàn huyện Cái Bè, nhu cầu về vốn cho đầu tư nâng cấp các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng của xã Đông Hòa Hiệp cũng không kém. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM xã, trong 4 tiêu chí chưa đạt của xã Đông Hòa Hiệp đều là 4 tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng (Giao thông, Điện, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa) với ước tính nguồn vốn cần đầu tư nâng cấp trên 67 tỷ đồng.
Dù có số tiêu chí đạt cao nhất trong 12 xã đăng ký lên NTM trong năm nay với 16 tiêu chí nhưng xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước) cũng cần đầu tư khoảng 27 tỷ đồng để nâng tiêu chí Điện, Giao thông và Cơ sở vật chất văn hóa. Không dừng lại ở đó, trong nhóm các xã có nhu cầu vốn lớn còn có xã Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy) cần trên 32 tỷ để đầu tư cho giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hóa; xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông) cần trên 40 tỷ đồng để nâng cấp 3 tiêu chí về cơ sở hạ tầng (Giao thông, Điện, Cơ sở vật chất văn hóa) trong số 7 tiêu chí chưa đạt. Ngoài ra, xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) cũng có nhu cầu vốn trên 26 tỷ đồng, xã Tân Trung (TX. Gò Công) khoảng 30 tỷ đồng; xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành) cần trên 25 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng...
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, qua phân tích, đánh giá hiện trạng mức độ, kế hoạch và giải pháp thực hiện của các xã, để 12 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2016 hoàn thành kế hoạch đề ra, nhu cầu cần vốn của các cấp bố trí để nâng các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kỹ thuật đạt chuẩn yêu cầu của Bộ Tiêu chí là trên 414 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh trên 186 tỷ đồng, huyện trên 71 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 157 tỷ đồng (tiêu chí Điện trên 137 tỷ đồng và tiêu chí Chợ là 20 tỷ đồng).
PHÁT HUY LỢI THẾ, ĐẶC TRƯNG CỦA TỪNG XÃ
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh về hiện trạng 12 xã đăng ký phấn đấu lên NTM năm 2016, có 1 xã đạt 16 tiêu chí, 5 xã đạt 15 tiêu chí, 2 xã đạt 14 tiêu chí, 1 xã đạt 12 tiêu chí, 2 xã đạt 11 tiêu chí, 1 xã đạt 10 tiêu chí. Với mức đạt số tiêu chí trên, các xã còn rất nhiều việc phải làm khi thời gian để ra mắt xã NTM không còn nhiều trong điều kiện nguồn lực hạn chế hiện nay. Mặc dù vậy, theo giới chuyên môn, việc nâng cấp các tiêu chí “cứng” (liên quan đến cơ sở hạ tầng) đang gặp nhiều khó khăn (do khó khăn nguồn vốn) nhưng cũng không khó bằng các tiêu chí “mềm”. Dù không cần vốn hoặc ít vốn nhưng các tiêu chí “mềm” này rất khó hoàn thành, khó bền vững. Đây được xác định là các tiêu chí rất quan trọng do liên quan đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Qua kiểm tra 12 xã đăng ký phấn đấu lên NTM năm 2016, 12/12 xã đều chưa hoàn thành tiêu chí Điện với tổng nguồn vốn cần đầu tư để nâng cấp tiêu chí này trên 137 tỷ đồng. Trong đó, ngoài xã Ngũ Hiệp đã có giải pháp về vốn, nguồn vốn đầu tư nâng cấp tiêu chí Điện cho 11 xã còn lại đang gặp khó khăn. Giải pháp cho việc nâng cấp tiêu chí này, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết UBND tỉnh sẽ có buổi làm việc với ngành Điện lực để tìm hướng ra về vốn đầu tư đường điện trung, hạ thế cho các xã trên. |
Trong đợt kiểm tra và làm việc với các xã đăng ký phấn đấu ra mắt NTM năm 2016 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, các xã phải quan tâm đến các tiêu chí nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đó cũng là mục tiêu, động lực để xây dựng NTM. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, các xã phải tìm ra được cái đặc trưng, lĩnh vực, sản phẩm lợi thế để tập trung phát triển, bởi nó tạo ra cái riêng của xã; đồng thời qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM trên địa bàn. Cũng theo ông, việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM gắn với khai thác, phát huy lợi thế, đặc trưng của từng xã có sự quan hệ tương hỗ với nhau. Việc tận dụng, khai thác đúng mức những tiềm năng, lợi thế, đặc trưng sẽ giúp cho xã có động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Ngược lại, việc xây dựng thành công xã NTM sẽ giúp quảng bá sản phẩm, thế mạnh và qua đó giúp nâng tầm sản phẩm, thế mạnh đó.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh gợi ý: Xã Đông Hòa Hiệp chú ý phát triển du lịch gắn với nhà cổ, vườn cây ăn trái; xã Phú Mỹ gắn với phát triển thương mại; xã Trung An xây dựng NTM theo kiểu đặc trưng công nghiệp; xã Tam Hiệp chú trọng phát triển vùng sản xuất rau an toàn; xã Kim Sơn có thể tập trung đẩy mạnh nâng cao vị thế trái sa pô Mặc Bắc Kim Sơn; xã Tân Trung có Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công và thương hiệu Tủ thờ Gò Công đã được nhiều nơi biết đến. Đây là lợi thế mà các xã khác không thể có, cần tập trung phát triển. “Việc tìm ra được cái đặc trưng, lợi thế của từng xã để tập trung, phát huy cũng là để sau này khi đạt chuẩn NTM các xã có cái để tiếp tục phấn đấu” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nói.
TÂN PHÚ