Thứ Tư, 06/04/2016, 17:56 (GMT+7)
.

Tranh thủ mặn giảm, vận hành hợp lý hệ thống thủy lợi

Do tác động từ xả nước hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn, những ngày qua, mực nước ở Tân Châu tăng nhanh, độ mặn trên hệ thống sông Cửu Long đang có xu hướng giảm. Đây là thời điểm cho các tỉnh, thành trong vùng tranh thủ tích trữ nước, xả mặn thích hợp phục vụ cho sản xuất và dân sinh.

Cống Xuân Hòa sẽ tranh thủ lấy nước khi mặn cho phép để phục vụ nước sinh hoạt, tháo rửa mặn, ô nhiễm.
Cống Xuân Hòa sẽ tranh thủ lấy nước khi mặn cho phép để phục vụ nước sinh hoạt, tháo rửa mặn, ô nhiễm.

NHIỀU NƠI CÓ THỂ LẤY NƯỚC TRONG THÁNG 4

Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, trong tháng 2, tháng 3 vừa qua là đỉnh điểm của mặn trong mùa khô này ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện nay, độ mặn trên các sông đang giảm dần.

Trong tháng 4, lưu lượng nước đổ về đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tăng cao hơn tháng 3. Dự báo, độ mặn trên hệ thống sông Cửu Long trong các tháng còn lại của mùa khô này có xu hướng giảm dần nhưng vẫn còn cao hơn cùng kỳ năm 2015.

Cụ thể hóa các dự báo tình hình xâm nhập mặn và khả năng lấy nước (có tính đến xả nước thượng lưu, nhưng chưa kể đến gió chướng) ở vùng ĐBSCL, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, trong tháng 4 này, có những thời điểm mặn xuống thấp có thể tranh thủ lấy nước tích trữ để phục vụ cho sản xuất và dân sinh.

Theo đó, trên sông Vàm Cỏ Tây, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, ranh mặn 4 g/l có thể vượt qua cống Bắc Đông từ 7 - 10 km khi có gió chướng. Sau đó, từ ngày 12 - 14 đến ngày 23 - 25-4, phía TP. Tân An, mặn có thể xuống thấp có khả năng lấy nước được lúc triều thấp, chân triều và diễn biến trên có thể kéo dài đến cuối tháng 4.

Đối với vùng cửa sông Cửu Long, đầu tháng 4 (từ ngày 10 đến 11-4), mặn tăng chậm, phạm vi cách biển từ 30 - 45 km có thể lấy nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Từ ngày 12 - 14 đến ngày 23 - 25-4, mặn giảm nhanh, các vùng cách biển 25 - 40 km có thể có độ mặn dưới 4 g/l.

Sau đó, mặn có khả năng diễn biến phức tạp và có khả năng tăng mạnh trong tháng 5 nếu không có mưa. Song, nếu dòng chảy thượng lưu đổ về đồng bằng duy trì ở mức như tháng 4 trở lên hoặc có mưa thì mặn sẽ không tăng cao. Tại khu vực biển Tây trên các sông Cái Lớn, Cái Bé và ven biển, diễn biến mặn rất phức tạp.

Tuy vậy, các vùng Gò Quao đến Ngã Ba Nước Trong có thể xuất hiện nước mặn dưới 4 g/l vào một số ngày từ ngày 4 đến 15-4. Sau đó, mặn có thể sẽ tăng mạnh và kéo dài đến tháng 5. Bên cạnh đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cảnh báo, khả năng mặn sẽ còn diễn biến phức tạp trong tháng 5, nhiều nơi mặn có khả năng tăng mạnh.

TÍCH TRỮ NƯỚC, KIỂM SOÁT XẢ Ô NHIỄM

Trước dự báo mặn có xu hướng giảm trong tháng 4, lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL cho biết sẽ theo dõi, cập nhật diễn biến của nguồn nước để cho tiến hành lấy nước tích trữ khi độ mặn cho phép.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, ngành sẽ theo dõi sát diễn biến nguồn nước và triển khai các giải pháp tích trữ khi nước ngọt; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các dụng cụ trữ nước, lấy nước vào mương vườn khi độ mặn giảm thấp.

Còn ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, thời gian qua, Tiền Giang đã tích cực phòng, chống hạn, mặn và mang lại kết quả tích cực. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ lấy nước vào vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công để phục vụ cho nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân, tháo rửa mặn trong vùng Dự án.

Đối với khu vực phía Tây, để đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt khi mặn tăng cao, tỉnh đã cho tiến hành đắp đập kinh Xoài Hột - Sáu Ầu để trữ nước ngọt phục vụ cho nước sinh hoạt của dân, các hoạt động sản xuất, dịch vụ của doanh nghiệp; đồng thời bảo vệ các diện tích sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đang theo dõi sát diễn biến mặn và sẽ tiến hành đắp các đập thép ở huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành khi mặn tăng cao. Mặt khác, tỉnh chỉ đạo các huyện chủ động đắp các đập nhỏ để trữ nước tưới cho cây trồng.

Bên cạnh tranh thủ trữ nước khi mặn thấp, GS. Tăng Đức Thắng (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) khuyến cáo, có một số khu vực vừa chịu ảnh hưởng của nước từ thượng nguồn sông Cửu Long, vừa chịu tác động từ triều biển Tây, triều biển Đông, mặn diễn biến rất phức tạp, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra chặt chẽ độ mặn để mở cống lấy nước khi nguồn nước cho phép và đóng cống khi độ mặn tăng; tích trữ nước để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu. Đặc biệt, trong tình hình diễn biến mặn còn rất phức tạp, các địa phương cần cân nhắc khi phá các đập tạm để xổ xả ô nhiễm môi trường.

Trước tình hình và dự báo mặn, bên cạnh yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến của nguồn nước, chủ động tích trữ nước khi độ mặn trên sông giảm, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi đã nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân ở từng vùng với từng thời điểm cụ thể xuống giống, đảm bảo đúng lịch thời vụ, không để người dân chủ quan xuống giống khi nguồn nước chưa đảm bảo…

TÂN PHÚ

Trước hiện trạng sản xuất vụ lúa đông xuân 2015 -2016 và các dự báo, diễn biến khí tượng thủy văn vẫn còn phức tạp, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ hè thu, thu đông và vụ mùa năm 2016 thật hợp lý, “né tránh” hạn, mặn, xuống giống tập trung nhanh và gọn.

Theo đó, vụ hè thu năm 2016, do tình hình khô hạn khả năng tiếp tục kéo dài đến tháng 6, khi đó toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng lịch thời vụ. Do đó, thời vụ cần bố trí như sau: Thời vụ sẽ bắt đầu khi có mưa, khoảng nửa đầu tháng 6 tại các vùng chịu ảnh hưởng nước mưa ở khu vực ven biển.

Thời vụ tập trung tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa phía Nam Quốc lộ 1A cách biển 70 km. Thời vụ xuống giống trong tháng 4 đến đầu tháng 5 tập trung vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu.

Đối với thời vụ xuống giống thu đông trong cơ cấu 3 vụ lúa sẽ bắt đầu vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Vùng xuống giống hè thu trong tháng 4 thuộc khu vực phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu, vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên (lưu ý theo dõi nước lũ).

Đặc biệt, thời vụ xuống giống vụ thu đông trong cơ cấu 3 vụ lúa tại vùng ven biển sẽ gặp khó khăn về thời gian bố trí vụ đông xuân 2016 - 2017. Do đó, vùng phía Nam Quốc lộ 1A cách biển 70 km sẽ bắt đầu thời vụ từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, sử dụng giống lúa cực ngắn ngày và chuẩn bị phương án gieo mạ, cấy để kịp thời vụ.

Vùng chịu ảnh hưởng nước mưa ở khu vực ven biển sẽ không kịp thời vụ cho vụ thu đông 2016 và vụ đông xuân 2016 - 2017 nên vụ hè thu tranh thủ nước mưa và nước ngọt xuống giống sớm, sử dụng giống ngắn ngày; vụ thu đông và đông xuân tiếp theo cũng sử dụng giống cực ngắn ngày (vụ thu đông nên gieo mạ và cấy trong cuối tháng 8 hoặc nửa đầu tháng 9).

Riêng thời vụ mùa và khu vực tôm - lúa cần chờ mưa để rửa mặn và là vùng sản xuất 1 vụ  nên chờ mưa thật nhiều, đủ nước tưới sẽ xuống giống để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường vận động người dân sử dụng các giống lúa phù hợp cơ cấu mùa vụ, thị trường, ngắn ngày, giống chống chịu hạn, phèn mặn tốt (vùng khó khăn về nước, chịu ảnh hưởng phèn, mặn), bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, sử dụng tiết kiệm nước và hiệu quả; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để tăng cường khả năng chống chịu cho cây trồng và tưới tiết kiệm nước.

 

.
.
.