Triển khai công tác lấy nước vùng ĐBSCL khi hồ chứa thượng nguồn xả nước
Sáng 1-4, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai công tác lấy nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi các hồ chứa thủy điện thượng nguồn xả nước
Đến dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi; lãnh đạo các cục, viện, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL. Về phía tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan đến dự.
Quang cảnh hội nghị. |
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nước xả từ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn ở Trung Quốc sau khoảng 3 tuần đã bắt đầu có tác động đến lưu lượng nước đổ về sông Cửu Long.
Cụ thể, từ ngày 30-3, lưu lượng nước qua Tân Châu đã tăng nhanh; độ mặn trên sông Cửu Long đang có xu hướng giảm dần. Từ đó, các cơ quan này đưa ra dự báo xâm nhập mặn trong thời gian tới; đồng thời đề xuất các giải pháp chống hạn, mặn phục vụ sản xuất trong những tháng còn lại của mùa khô năm 2015 - 2016.
Trước ảnh hưởng của xâm nhập mặn, Cục Trồng trọt cho biết, vụ hè thu 2016, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha có khả năng không xuống giống đúng lịch thời vụ do thiếu nước. Chính vì thế, mỗi vùng cần bố trí mùa vụ thích hợp, chủ động xuống giống theo điều kiện của từng vùng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, nhờ các giải pháp phòng, chống hạn, mặn kịp thời nên đã cứu được hàng chục nghìn ha lúa tại các huyện, thị phía Đông. Hiện nay, tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nước sinh hoạt cho dân cũng như hoạt động sản xuất, dịch vụ trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhấn mạnh: Các địa phương cần theo dõi sát diễn biến của nguồn nước, chủ động tích trữ nước khi độ mặn trên sông giảm; cần tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân ở từng vùng với từng thời điểm cụ thể xuống giống, đảm bảo đúng lịch thời vụ, không để người dân chủ quan xuống giống khi nguồn nước chưa đảm bảo…
N.VĂN