Vùng chuyên canh rau Châu Thành ứng phó với hạn, mặn
Trước tình hình hạn, mặn đang lấn sâu về phía Tây, đe dọa vùng trồng rau màu Nam Quốc lộ 1A, các xã Thân Cửu Nghĩa, Long An, Tam Hiệp đã đề ra các biện pháp ứng phó để hạn chế tác hại của xâm nhập mặn đến rau màu.
Dưới cái nắng như đổ lửa của những ngày cuối tháng 3, chúng tôi đến ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành. Ghi nhận đầu tiên là đa phần các mương nội đồng đều bị nhiễm mặn, người dân không dám sử dụng trực tiếp, mà khoan giếng tầng nông để pha vào mương cho loãng rồi mới dám tưới cho cây. Nhưng do có nhiều hộ khoan giếng để sử dụng nên lượng nước dần cạn kiệt, lúc có, lúc không.
Cải ngọt bị dúm lá không phát triển do ảnh hưởng của nước mặn. |
Anh Nguyễn Văn Phương Tùng (ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa) cho biết: “Chi phí khoan giếng rất cao, tính luôn tiền thiết bị để tưới tiêu lên đến gần 4 triệu đồng 1 giếng. Hiện tại, nước trong mương nhà tôi nếm thử đã có vị lờ lợ nên không dám tưới, dù giá cao nhưng cũng phải khoan giếng để lấy nước.
Vì có nhiều nhà khoan giếng nên nước lúc có, lúc không, do vậy “cầm cự” được ngày nào hay ngày đó. Hiện tại tôi đã đầu tư hơn 7 triệu đồng tiền vốn cho hơn 2.000 m2 trồng rau ăn lá, nếu đứng không nhìn cây chết khô thì xót quá”.
Rời ấp Thân Bình, chúng tôi đến ấp Long Thới, xã Long An (huyện Châu Thành), hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là những vườn rau ngò gai, tía tô bị cháy bìa lá; cải bị dúm lá, chậm phát triển. Ông Lê Văn Mới (ấp Long Thới, xã Long An), cho biết:
“Tía tô bị cháy lá là do ảnh hưởng của nước mặn chứ không phải do trời nắng gắt. Vì những năm trước tôi cũng canh tác trong thời tiết nắng nóng như thế này, nhưng có nước ngọt tưới đầy đủ thì hiện tượng cháy lá không xảy ra”.
Cũng như ấp Thân Bình, người dân ấp Long Thới cũng “chữa cháy” cứu vườn rau màu của mình bằng cách lấy nước tầng nông. Nhưng có những vườn không thể khoan giếng như trường hợp của ông Nguyễn Văn Đua (ấp Long Thới, xã Long An).
Ông cho biết: “Tôi thuê 3.000 m2 đất để gieo sạ ngò gai, những ngày gần đây nước nhiễm mặn, vì đất thuê nên không khoan giếng được, đành đánh liều bơm nước trong mương lên tưới. Hiện tại, toàn bộ đám ngò gieo sạ hơn 3 tháng của tôi đều bị cháy lá, dù biết là tưới nước nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến đất, mất năng suất các vụ sau, nhưng nhìn mấy chục triệu đồng vốn bỏ ra đang dần chết khô tôi không chịu được”.
Trước tình hình xâm nhập mặn hiện tại, UBND xã Thân Cửu Nghĩa đã đề ra các biện pháp để bảo vệ gần 410 ha rau màu trong toàn xã. Ông Phạm Văn Luông, Phó Chủ tịch UBND xã Thân Cửu Nghĩa cho biết: “Thời điểm hiện tại, xã đã hoàn thành 90%, thi công thủ công, dọn chướng ngại vật, vớt lục bình khai thông dòng chảy trên 11 tuyến kinh nội đồng, tổng chiều dài 10,6 km.
Đang thi công nạo vét bằng cơ giới tuyến kinh Trần Đình - Trạm Bơm dài 4,3 km, lấy nước ngọt từ sông Bảo Định vào nội đồng khi mặn xuống thấp. Sắp tới, kiến nghị huyện trang bị máy đo độ mặn để chủ động nắm tình hình mặn trên địa bàn để công bố kịp thời cho nông dân trữ ngọt khi nước xuống, đóng cống khi mặn tăng cao, vì hiện tại chỉ phụ thuộc vào kết quả đo đạc của Xí nghiệp Thủy nông Bảo Định”.
Dù nằm trong hệ thống cống Bảo Định, việc cấp lấy nước được kiểm soát, nhưng theo kết quả đo đạc của các cơ quan chức năng, độ mặn được ghi nhận ở các xã Thân Cửu Nghĩa, Long An, Tam Hiệp khá cao, cụ thể: Xã Thân Cửu Nghĩa, độ mặn đo ngày 28-3 tại kinh Quảng Thọ là 0,9 g/l; xã Long An độ mặn đo tại kinh Cầu Đình ngày 29-3 là 1,87 g/l, độ mặn đo tại xã Tam Hiệp ngày 29-3 là 1,26 g/l. Đây là mức nguy hại đến cây hoa màu, vì cây hoa màu chỉ chịu được độ mặn dưới 0,5 g/l. |
Chị Đoàn Thị Cẩm Như, cán bộ nông nghiệp xã Long An cho biết: “Mặn đã xuất hiện trên địa bàn xã từ đầu tháng 3 đến nay.
Để ứng phó với xâm nhập mặn, UBND xã đã đề ra các biện pháp như: Phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Bảo Định, lấy mẫu đo độ mặn trên các tuyến kinh: Kinh Cầu Đình, kinh Rạch Hào, kinh Ba Nĩ.
Tổ chức thông báo thông qua hệ thống loa xã, ấp ngày 2 lần để nhân dân nắm độ mặn trên địa bàn để chủ động trong tưới tiêu, trữ ngọt. Về mặt thủy lợi nội đồng, tiến hành dọn chướng ngại vật, khai thông dòng chảy, đóng mở các cống hợp lý, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sử dụng biện pháp tưới luân phiên; bảo đảm công tác ngăn mặn, trữ ngọt trong nội đồng”.
Xã Tam Hiệp có diện tích rau màu lớn nhất trong 3 xã (450 ha), trong đó có nhiều loại rau mẫn cảm với nước mặn, đặc biệt là cây rau má. Để chủ động trong công tác ứng phó với mặn, UBND xã phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Bảo Định đo độ mặn trên các tuyến kinh chính của xã vào thứ hai và thứ năm hàng tuần. Những ngày độ mặn tăng cao và diễn biến phức tạp, công tác đo mặn được tổ chức liên tục.
Chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền, cán bộ nông nghiệp xã Tam Hiệp cho biết: “Để tránh thiệt hại cho nông dân, UBND xã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành tổ chức các buổi tập huấn cho bà con nông dân về phòng, chống hạn mặn.
Tổ chức thông báo, khuyến cáo cho bà con nông dân qua hệ thống loa xã, ấp để người dân nắm rõ được mức độ chịu mặn của từng loại rau màu để người dân có biện pháp tưới phù hợp. Tổ chức xây dựng hệ thống trạm bơm 2 cấp bơm nước vào nội đồng dự kiến hoàn thành vào ngày 6-4 để đáp ứng đủ nhu cầu nước tưới cho rau màu”.
CAO THẮNG