Xã Ngũ Hiệp chủ động ứng phó với hạn, mặn
Những ngày qua, trước tình hình hạn, mặn đang lấn sâu, đe dọa vườn sầu riêng và bè cá, chính quyền và nhân dân xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy đã chủ động ứng phó, hạn chế tác hại của nước mặn ảnh hưởng đến cây trồng và vật nuôi.
Lãnh đạo, cán bộ xã kiểm tra độ mặn tại các bè cá của ông Nguyễn Văn Bảnh. |
Có 30 bè cá điêu hồng, mỗi bè hơn 12.000 con, ông Nguyễn Văn Bảnh (ấp Hòa Hảo, xã Ngũ Hiệp) đã chủ động ứng phó với hạn, mặn cách nay gần 2 tháng. Trong lúc đo độ mặn tại các bè cá, ông Bảnh cho biết: “Hiện tại tỷ lệ mặn đo được không đáng kể nên không ảnh hưởng đến cá.
Trước thực trạng xâm nhập mặn được các cơ quan chức năng khuyến cáo, tôi rất lo lắng. Năm nay, mặn xâm nhập khá sâu, không chỉ từ hướng Đông đổ về mà từ Hàm Luông (Bến Tre) xâm nhập qua. Do vậy, cách nay 2 tháng tôi đã cải tạo lại các ao ương cá giống để bơm nước ngọt dự trữ, nếu độ mặn tăng cao là tôi nhanh chóng đưa cá lên các ao nước ngọt”.
Ngoài cập nhật thường xuyên thông tin về độ mặn trên báo, đài, cán bộ nông nghiệp xã, ông Bảnh còn trang bị máy đo độ mặn để tự đo độ mặn hàng ngày. Ông Bảnh cho biết thêm: “Độ mặn trên sông nếu lên từ từ sẽ không ảnh hưởng đến cá. Chỉ sợ độ mặn tăng lên đột ngột, cá bị sốc không thích nghi kịp, hoặc độ mặn lên quá cao cá mới bị ảnh hưởng”.
Ấp Long Quới nằm cuối cù lao Ngũ Hiệp, là nơi sông Tiền phân thành 3 nhánh: Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông, chỉ cách TP. Mỹ Tho chưa đầy 20 km. Vì thế, nếu mặn xâm nhập cù lao Ngũ Hiệp, thì ấp Long Quới chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Ông Bùi Văn Hoàng, Trưởng ấp Long Quới cho biết: “Ấp có hơn 250 ha trồng sầu riêng các loại. Ấp phát hiện nước mặn xâm nhập hôm 8-3. Lãnh đạo các cấp khuyến cáo: Khi nước triều lên bà con nên đóng cống, không xả nước mặn tràn vào ao vườn sầu riêng. Khi thủy triều xuống, độ mặn giảm, bà con tranh thủ lấy nước ngọt trữ trong ao để tưới sầu riêng. Vì thế, hơn 1 tháng qua cây sầu riêng của ấp cơ bản chưa bị ảnh hưởng bởi nước mặn”.
Chỉ chúng tôi xem những cây sầu riêng bị cháy lá, chú Trần Văn Dẩu, ấp Long Quới cho biết: “Những cây này bị cháy lá là do nắng gắt kéo dài, chứ không phải bị ảnh hưởng của nước mặn. Nếu do nước mặn chắc cả vườn 9 công sầu riêng của chú đã bị cháy và rụng lá hết.
Nghe mọi người khuyến cáo, chú đã đóng cống, trữ nước ngọt trong ao có thể tưới sầu riêng trong vòng 10 ngày. Thường thủy triều lên mang theo nước mặn, sau 3 - 4 ngày thủy triều xuống thì độ mặn cũng giảm. Hiện tại, độ mặn không còn đáng kể, cán bộ nông nghiệp của xã khuyên nên xả nước cũ trong ao ra, lấy nước mới vào”.
Ông Trần Văn Dẩu chủ động tích trữ nước ngọt để tưới sầu riêng. |
Hiện tại, ở xã Ngũ Hiệp có 119 bè cá, chủ yếu là cá điêu hồng; trên 1.330 ha vườn chuyên canh sầu riêng, chiếm 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã. Ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết: “Trước thực trạng hạn, mặn, các cơ quan chức năng, lãnh đạo xã thường xuyên khuyến cáo bà con nuôi cá bè trên sông và nông dân trồng sầu riêng không được chủ quan, mà phải chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời.
Đối với các hộ nuôi cá bè phải đo và kiểm tra độ mặn thường xuyên; giảm mật độ cá, san thưa các bè nuôi; bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa…vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá. Đối với người dân trồng sầu riêng cần nạo vét các kinh, mương trong vườn, tích trữ nước; ủ gốc cho cây để hạn chế sự bốc hơi”.
Toàn xã có 4 điểm đo độ mặn hàng ngày. Kết quả mỗi lần đo độ mặn được cán bộ phụ trách tổng hợp đầy đủ, thường xuyên thông báo bằng loa phát thanh, hoặc thông báo trực tiếp cho lãnh đạo các ấp để người dân chủ động nắm bắt thông tin, có giải pháp ứng phó kịp thời. Được biết, UBND xã đã trang bị máy đo độ mặn từ rất sớm. Người dân cũng thường xuyên đem các mẫu nước trong vườn nhà đến UBND xã để đo độ mặn.
Độ mặn đã giảm, nhưng ngành chức năng và người dân không hề có tư tưởng lơ là, chủ quan. Bởi theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, mặn xâm nhập có khả năng kéo dài đến tháng 6, tháng 7 nếu mùa mưa đến trễ. Cho nên, ngành chức năng nhận định tình hình xâm nhập mặn sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn trong thời gian tới.
Có thể nói, nhờ sự vào cuộc rất quyết tâm của các cấp, các ngành và sự chủ động của người dân nên diện tích cây trồng, vật nuôi của bà con nông dân ở xã Ngũ Hiệp được bảo vệ.
P. MAI