2 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở xã Ngũ Hiệp
Toàn xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) có 1.738 hội viên nông dân thì có 1.043 nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, phải kể đến chú Nguyễn Văn Bảnh và Trần Văn Dẩu.
Chú Nguyễn Văn Bảnh (bên trái) giới thiệu ao ương cá giống. |
Trong lúc dẫn chúng tôi đến tham quan mô hình sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi của chú Nguyễn Văn Bảnh (ngụ ấp Hòa Hảo), ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: “Chú Nguyễn Văn Bảnh là nông dân của xã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, đầu tư nuôi trồng đúng hướng, chú Bảnh đã trở thành nông dân SX-KD giỏi, một tỷ phú của xã cù lao này”.
Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà khang trang giữa vườn sầu riêng trái sum suê, những gốc kiểng trong sân nhà có giá trị được chăm sóc cẩn thận. Bên trong ngôi nhà khá đầy đủ tiện nghi, chú Bảnh vui vẻ kể: Trước đây, 8 công đất của chú trồng nhiều loại cây ăn trái, có lúc trồng sầu riêng khổ qua nhưng giá trị kinh tế thấp nên thu nhập không cao.
Từ khi Đảng bộ và chính quyền xã khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đầu tư chuyên canh các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chú đã mạnh dạn chuyển toàn bộ 8 công đất sang trồng sầu riêng RI6.
Chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, tham dự các lớp tập huấn, hội thảo và tham quan các mô hình điểm của Hội Nông dân xã tổ chức, từ đó chú áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất và đã đạt kết quả cao. Hiện tại, 8 công sầu riêng của chú đạt năng suất cao, với giá bán trung bình từ 40 - 70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm chú lãi gần 500 triệu đồng.
Chú Bảnh còn mạnh dạn đầu tư nuôi cá bè trên sông. Tận dụng lợi thế nhà gần bờ sông, năm 2006 chú Bảnh vay vốn đóng 2 bè nuôi cá điêu hồng. Chú Bảnh cho biết: Từ trồng trọt chuyển sang nuôi thủy sản, lúc đầu chú gặp không ít khó khăn về vốn và kỹ thuật chăm sóc. Nhưng nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sự tư vấn của các nhà chuyên môn nên 2 bè cá sinh trưởng tốt.
Do điều kiện trên sông thuận lợi, chú mạnh dạn đóng thêm bè, đến nay chú đã có 30 bè cá điêu hồng. Các năm sau ổn định về kỹ thuật nuôi, chú đã tự tìm tòi ương cá giống. Chú mua cá bột về ương trong các ao, sau đó đưa cá giống xuống bè để nuôi theo mô hình khép kín.
Hiện nay, mỗi bè cá của chú Bảnh có hơn 12.000 con. Được biết, chú Bảnh nuôi cá theo cách thức xoay vòng nên trên 30 bè có đủ kích cỡ, từ cá giống mới thả đến trên 1kg. Chi phí nuôi cá trung bình 1 tháng (gồm tiền thức ăn, cá bột, công chăm sóc) trên 1,3 tỷ đồng. Một tháng chú xuất bán 2 lần gần 50 tấn cá (trọng lượng từ 500 gram đến 1 kg/con tùy theo yêu cầu của thương lái), thu về gần 1,5 tỷ đồng.
Làm ăn hiệu quả, chú Bảnh đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động có thu nhập ổn định. Chú còn nhiệt tình đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, giao thông nông thôn, tham gia công tác xã hội tại xã.
Rời nhà chú Bảnh, chúng tôi tiếp tục đến tham quan mô hình sản xuất của chú Trần Văn Dẩu (ấp Long Quới). Chú Dẩu trước đây công tác ở UBND xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây). Trở về cuộc sống đời thường, chú chuyên tâm lao động, sản xuất. Mô hình của chú Dẩu chủ yếu là trồng sầu riêng, trung bình mỗi năm thu về không dưới nửa tỷ đồng.
Chú Trần Văn Dẩu chăm sóc sầu riêng. |
Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng, chú Dẩu vui vẻ kể: Trước đây, 9 công đất này chú trồng sầu riêng khổ qua. Chú chuyển sang trồng trên 200 gốc sầu riêng RI6 và Monthong hơn 8 năm nay. 2 giống sầu riêng này cho năng suất và chất lượng khá cao, vụ vừa rồi chú bán được 77 ngàn đồng/kg, lãi hàng trăm triệu đồng.
Chú Dẫu còn tận dụng các khoảng đất trống trong vườn để trồng xen bạc hà. Được biết, hiện tại chú Dẩu còn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn dành hơn 3 công đất để thử nghiệm trồng thanh long ruột đỏ, vườn thanh long nay đã cho trái vụ đầu nhưng chưa nhiều.
Chú Dẩu cho biết: “Chú thử nghiệm trồng thanh long ruột đỏ được hơn 1 năm, trước mắt chú thấy cây thanh long phát triển tốt. Vụ sau chú sẽ xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ để bán được giá cao”.
Ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã tâm đắc: “Cũng nhờ sự giúp đỡ về giống, vốn, kỹ thuật của những nông dân giàu kinh nghiệm, sản xuất giỏi như chú Bảnh, chú Dẩu mà nhiều hộ nông dân nghèo đã vươn lên thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 4,07%, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để xã Ngũ Hiệp sớm ra mắt xã nông thôn mới vào tháng 10-2016”.
P. MAI