Các huyện, thị phía Đông: Cải thiện nguồn nước cho sản xuất lúa hè thu
Các huyện, thị phía Đông của tỉnh đang bắt đầu bước vào vụ lúa đầu tiên của năm 2016 - vụ hè thu. Đây được xem là vụ lúa bất lợi nhất của năm khi mà diễn biến không thuận lợi của thời tiết, thủy văn vào đầu vụ không chỉ gây khó khăn về nguồn nước, còn ảnh hưởng đến việc tháo rửa đồng ruộng bị nhiễm phèn, mặn từ cuối vụ đông xuân vừa qua.
Nông dân làm đất chuẩn bị xuống giống vụ hè thu ở khu vực Dự án Ngọt hóa Gò Công. |
TẬP TRUNG XUỐNG GIỐNG Ở VÙNG THUẬN LỢI
Những ngày qua, mưa xuất hiện đều, mặn trên sông Tiền tiếp tục giảm, nguồn nước trong vùng ngọt hóa đã được cải thiện đáng kể, nông dân trồng lúa ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh đang tất bật làm đất và xuống giống vụ hè thu. Anh Đinh Văn Vàng, ấp Thạnh Hiệp, xã An Thạnh Thủy (huyện Chợ Gạo) cho biết, hôm nay máy xới sẽ đến làm đất cho 11 công ruộng của gia đình và dự kiến 2 ngày nữa sẽ xuống giống Nàng Hoa 9. Anh Nguyễn Trung Trực, chủ ruộng gần bên cũng cho biết, ruộng của anh đã làm đất xong, chờ giống nẩy mầm là sạ ngay.
Tại huyện Gò Công Tây, trên các cánh đồng có vị trí thuận lợi về nguồn nước sản xuất như Thạnh Trị, Thạnh Nhựt, Bình Nhì, Yên Luông…, nông dân đang tất bật làm đất, xuống giống cho kịp lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp.
Đang chuẩn bị đất cho 7 công ruộng của gia đình, chú Nguyễn Thành Điều, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Trị cho biết, năm nay mưa trễ nên thời vụ muộn hơn mọi năm, người dân rất lo lắng. Mấy ngày qua mưa đều, người dân rất nôn nóng nhưng phải chờ lịch thời vụ nên chưa dám xuống giống.
“Khi đến lịch thời vụ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp là chúng tôi tiến hành xới đất, ngâm giống để xuống giống cho sớm. Với tình hình trên, đến hết tháng 5, khu vực này sẽ hoàn tất việc xuống giống. Mặt khác, do nhận thấy thời vụ quá trễ nên tôi và nhiều bà con đã chọn giống ngắn ngày thay cho giống dài ngày để các vụ sau sản xuất được an toàn, nhất là vụ đông xuân tới” - chú Điều cho biết.
Ông Trần Long Nguyên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Tây cho biết, sau khi có lịch xuống giống vụ lúa hè thu của Sở NN&PTNT, huyện đã triển khai khung lịch thời vụ xuống giống cho các xã, thị trấn.
Hiện nay, các khu vực thuận lợi về nguồn nước đang được nông dân tập trung xuống giống. Huyện phấn đấu đến hết tháng 5, các khu vực này sẽ hoàn tất việc xuống giống. Còn theo Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông, đến ngày 27-5, toàn huyện đã xuống giống trên 500 ha. Dự kiến đến ngày 31-5, toàn huyện sẽ xuống giống khoảng 5.000 ha trong tổng số gần 8.000 ha sản xuất vụ hè thu này.
CẢI THIỆN NGUỒN NƯỚC
Việc xuống giống vụ hè thu ở khu vực phía Đông của tỉnh phụ thuộc vào diễn biến mặn trên sông Tiền (tác động đến chất lượng nguồn nước trong vùng ngọt hóa) và mưa. Mặc dù những ngày qua mưa khá đều, nguồn nước kinh trong vùng ngọt hóa đã được cải thiện đáng kể nhưng nhiều khu vực nguồn nước và chất lượng nước vẫn còn chưa đảm bảo cho xuống giống.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhì cho biết, những ngày đầu của lịch thời vụ, trên địa bàn xã đã có nhiều diện tích xuống giống, các diện tích còn lại đang tiếp tục xuống giống. Theo ông Thanh, xã đang phấn đấu kết thúc việc gieo sạ trên địa bàn vào ngày 31-5.
Tuy nhiên, việc xuống giống trong thời gian trên ở những diện tích gần các kinh trục, cấp 1, cấp 2 không khó nhưng khó ở khu vực kinh nội đồng. “Hiện nay, mực nước trên các kinh nội đồng còn rất thấp, những ngày qua, người dân phải bơm chuyền mới có nước để xuống giống” - ông Thanh cho biết.
Trên cơ sở diễn biến mưa và nước ngọt trên sông Tiền, vừa qua, Sở NN&PTNT đã ban hành hướng dẫn lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa vụ hè thu và thu đông năm 2016 ở vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công. Theo đó, vùng thuận lợi sản xuất 3 vụ lúa/năm, vụ hè thu năm 2016 tập trung xuống giống từ ngày 25-5 đến 10-6. Vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn không sản xuất vụ hè thu (vùng khó khăn chỉ sản xuất vụ thu đông sớm và đông xuân sớm; vùng đặc biệt khó khăn chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm, trồng màu chuyên canh, cây ăn trái hoặc cây trồng khác). Để đảm bảo sản xuất 3 vụ lúa trong năm đối với vùng thuận lợi về nguồn nước, Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân sản xuất các giống lúa cực ngắn này (khoảng 90 ngày) để đảm bảo cuối vụ đông xuân 2016 - 2017 không bị “vướng” hạn. |
Dù vậy, những khu vực trên của Bình Nhì vẫn được xem là những khu vực thuận lợi về nguồn nước. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đến thời điểm cuối tháng 5 này, chất lượng nguồn nước ở các khu vực ven đê, cuối nguồn ngọt hóa vẫn còn xấu chưa đảm bảo cho sản xuất.
Vì thế, các địa phương đang theo dõi sát diễn biến của nguồn nước để khuyến cáo, hướng dẫn người dân xuống giống ở những khu vực nguồn nước đảm bảo cho sản xuất và khuyến cáo không xuống giống ở những nơi nguồn nước chưa đảm bảo.
Trước tình trạng trên, các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, TX. Gò Công đã định hướng những khu vực không thuận lợi nguồn nước không sản xuất vụ lúa hè thu mà chỉ sản xuất vụ thu đông sớm (bắt đầu vào đầu tháng 7) và vụ đông xuân.
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, nguồn nước kinh đang dồi dào nhưng chất lượng nước chưa tốt, đơn vị chức năng đang tiến hành xổ xả để cải thiện nguồn nước.
Về phía huyện Gò Công Đông, huyện đang tập trung xuống giống ở những khu vực thuận lợi. Đối với những khu vực ven đê cuối nguồn ngọt hóa với diện tích gần 3.000 ha, chất lượng nước còn khá xấu, huyện đã xác định những diện tích này chỉ sản xuất 2 vụ gồm thu đông và đông xuân.
Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Tiền Giang cho biết, cống Xuân Hòa đang lấy nước ổn định cho vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công. Tuy nhiên, do mưa chưa nhiều nên công ty xổ xả hạn chế để cân đối giữa xổ xả cải thiện chất lượng nguồn nước và đảm bảo nguồn nước phục vụ cho những diện tích đang xuống giống ở những vùng sản xuất 3 vụ. Do đó, đến nay những vùng cặp đê, nguồn nước chưa đảm bảo cho sản xuất.
Đối với những vùng này chỉ có thể sản xuất 2 vụ trong năm. “Hiện tại, mặn đang giảm mạnh, công ty đang theo dõi diễn biến giảm mặn tại cống Vàm Giồng để lấy nước vào vùng dự án khi độ mặn cho phép. Khi cống Vàm Giống lấy được nước thì công ty sẽ tiến hành xổ xả cải thiện nguồn nước cho các vùng còn lại” - ông Sơn cho biết. Theo ước tính của ông Sơn, đến ngày 27-5, toàn vùng ngọt hóa có khoảng 4.000 ha xuống giống vụ hè thu.
NGÔ VĂN