Các huyện,thị phía Đông: Cảnh báo vụ lúa đầu khó khăn, vụ 3 "vướng" hạn
Thời điểm xuống giống vụ lúa hè thu năm 2016 ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa và độ mặn trên sông Tiền. Hiện nay, thời tiết đang diễn biến không thuận lợi và được dự báo sẽ gây nhiều khó khăn cho sản xuất vụ hè thu, từ đó gây áp lực lên các vụ tiếp theo của năm.
Sau vụ đông xuân 2015 - 2016, huyện Gò Công Tây đã tổ chức đồng loạt ra quân làm thủy lợi nội đồng để chuẩn bị cho vụ lúa hè thu 2016 và các vụ tiếp theo. |
NHIỀU DIỆN TÍCH PHẢI CHUYỂN ĐỔI
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mùa mưa năm 2016 sẽ bắt đầu khá muộn, khoảng từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Độ mặn trên các tuyến sông giảm chậm. Hiện nay, độ mặn trong đất ruộng khá cao, chất lượng nguồn nước trong các tuyến kinh vùng dự án chưa đảm bảo cho sản xuất, nhất là các khu vực cuối nguồn ngọt hóa (cần có thời gian tháo rửa trước khi bắt đầu sản xuất) nên khả năng vụ hè thu năm nay sẽ bắt đầu muộn.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, nếu thời điểm xuống giống vụ hè thu từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 như dự kiến (theo dự báo mưa, khả năng nguồn nước lấy vào vùng dự án) thì nhiều diện tích sản xuất lúa trong vùng dự án sẽ không đảm bảo sản xuất 3 vụ trong năm. Trước tình hình này, nhiều địa phương đang có kế hoạch chuyển các diện tích ở vùng thường khó khăn về nước từ 3 vụ sang 2 vụ lúa trong năm.
Ông Lê Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông) cho biết, xã đã có kế hoạch chuyển đổi khoảng 500 ha từ sản xuất 3 vụ sang 2 vụ lúa trong năm, trong đó chỉ riêng khu vực ấp Nghĩa Chí, Tân Xuân sẽ chuyển đổi khoảng 300 ha sang sản xuất 2 vụ lúa.
Hiện nay, xã đang tuyên truyền, vận động người dân những khu vực trên chuyển đổi theo hướng này. Còn tại xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), xã cũng đang vận động nông dân chỉ sản xuất 2 vụ lúa trong năm ở các ấp ven biển với diện tích khoảng 600 ha.
Ông Lê Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, là huyện cuối nguồn ngọt hóa nên thường chất lượng nước thấp, nguồn nước dễ bị nhiễm vào cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu. Năm nay, nguồn nước càng xấu hơn. Từ tình hình trên, huyện đã quy hoạch trên 3.000 ha thường gặp khó khăn về nước vào đầu vụ hè thu và cuối vụ đông xuân chuyển từ sản xuất 3 vụ sang 2 vụ lúa trong năm.
Ngoài ra, đối với những vùng quá khó khăn về nước, huyện còn có hướng vận động người dân chuyển đổi sang trồng rau màu. “Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều công trình thủy lợi nội đồng phục vụ cho sản xuất vụ hè thu; đồng thời huyện đang đề nghị tỉnh cho tiến hành nạo vét các tuyến kinh thuộc tỉnh quản lý.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã phê duyệt kế hoạch cho ngành Nông nghiệp huyện tổ chức 80 cuộc hội thảo hướng dẫn cho dân về sản xuất vụ hè thu, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ sang 2 vụ lúa trong năm ở những vùng khó khăn về nước” - ông Lê Hoàng Việt cho biết.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX. Gò Công cũng cho biết, hiện nay, TX. Gò Công đã xác định vùng chuyển từ sản xuất cơ cấu 3 vụ sang 2 vụ lúa trong năm với diện tích 1.100 ha tại các xã Bình Xuân, Bình Đông, Tân Trung.
Đối với những diện tích còn lại, theo ông Hoàng, nếu đầu tháng 6 có mưa, cống Xuân Hòa lấy nước ổn định, việc xuống giống thuận lợi đúng như dự kiến (từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6) thì sản xuất theo cơ cấu 3 vụ lúa trong năm có thể đảm bảo.
Còn nếu đến ngày 10-6 vẫn không có mưa, việc xuống giống trong thời điểm trên không thực hiện được thì những diện tích còn lại này cũng không thể đảm bảo sản xuất được 3 vụ. Đó là chưa nói đến kế hoạch chuyển đổi từ 3 vụ sang 2 vụ lúa trong năm là thế nhưng khi triển khai thực hiện, dân có làm theo hay không mới là quyết định. “Như vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta phải có phương án trong trường hợp dân không làm theo khuyến cáo của ngành” - ông Hoàng nói.
ĐẦU NGUỒN CŨNG GẶP KHÓ
Bên cạnh mùa mưa bắt đầu muộn, mặn giảm chậm (khả năng cống Xuân Hòa sẽ lấy nước ổn định phục vụ sản xuất trong vùng dự án vào khoảng cuối tháng 5), sau cơn đại hạn vừa qua, nhiều tuyến kinh đã cạn kiệt. Do đó, không chỉ ở những khu vực cuối nguồn, ven đê sản xuất vụ hè thu gặp khó khăn mà ngay cả những vùng đầu nguồn ngọt hóa cũng đang gặp khó.
Ông Nguyễn Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho biết, dù là huyện đầu nguồn ngọt hóa nhưng tình hình nước sản xuất (sản xuất 3 vụ lúa trong năm) cũng đang rất khó khăn do hiện nay các tuyến kinh cấp 2, kinh nội đồng vẫn còn đang trơ đáy.
Rồi ông băn khoăn: “Còn khoảng 2 tuần nữa là đến thời điểm dự kiến xuống giống nhưng hiện nay cống Xuân Hòa vẫn chưa lấy nước ổn định, việc xổ xả đang rất khó. Nhưng ngay cả khi cống Xuân Hòa lấy nước thì lượng nước lấy vào này có đảm bảo cho sản xuất lúa trong vùng hay không? Trong khi đó, việc chuyển vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng không đơn giản do còn phụ thuộc vào đầu ra của nông sản”.
Ông Nguyễn Ngọc Hoằng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khuyến cáo: Do vụ đông xuân vừa qua mặn đã tích lũy trong đất ruộng nên khi có mưa nông dân cần phải rửa mặn, cày xới, rải vôi… để ngâm rửa đất cho đến khi hết mặn mới xuống giống. Ngoài ra, trước khi sạ nông dân có thể bón lân. Đối với giống lúa gieo sạ, nông dân cần chọn những giống chịu phèn, mặn tốt. |
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết, hiện nay cống Xuân Hòa vẫn còn lấy gạn nước nên chưa đảm bảo cho sản xuất mà chỉ phục vụ cho việc xổ xả mặn, ô nhiễm.
Nguồn nước lấy qua cống này ổn định và đảm bảo cho sản xuất khoảng từ cuối tháng 5. Từ đó, ông Pháp tính toán, ngay cả nếu việc xuống giống vụ hè thu thực hiện trong đầu tháng 6 đối với vùng cơ cấu sản xuất 3 vụ lúa thì vụ đông xuân 2016 - 2017 cũng sẽ kéo dài đến đầu tháng 4.
Trong khi đó, theo các dự báo mới đây, lượng mưa vào đầu mùa mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm, lũ năm 2016 không có nên biển Hồ không tích nước được, do đó khả năng mùa khô tới mặn cũng sẽ tiếp tục đến sớm.
“Vụ hè thu xuống giống trễ kéo theo vụ thu đông, đông xuân tới xuống giống trễ và dẫn đến cuối vụ đông xuân sẽ bị “vướng” hạn. Vấn đề trước mắt hiện nay là làm sao hạn chế mất giống ở vụ hè thu này và chờ đến sau khi sản xuất vụ hè thu, chúng ta mới có thể xác định được sản xuất vụ thu đông, đông xuân tới” - ông Pháp nói.
Trước tình hình này, ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, yêu cầu các địa phương tổ chức hội thảo đầu vụ hướng dẫn người dân sản xuất vụ hè thu; vận động người dân không được sạ khô, không được sạ khi chưa có lịch thời vụ. Những vùng thường khó khăn về nước, các địa phương vận động người dân chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ sang sản xuất 2 vụ.
NGÔ VĂN