Thứ Tư, 18/05/2016, 13:47 (GMT+7)
.

Để người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam

Tiền Giang hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất thuốc (Tipharco và Calapharco) và có đến hàng trăm cơ sở kinh doanh thuốc tân dược. Cùng với hệ thống cơ sở y tế, sự có mặt rộng khắp của các quầy thuốc, nhà thuốc là một khâu rất quan trọng trong lưu thông các loại thuốc. Tại hầu hết các nhà thuốc của tỉnh, danh mục thuốc do Việt Nam sản xuất đều chiếm trên 70%.

Cùng với hệ thống cơ sở y tế, sự có mặt rộng khắp của các quầy thuốc, nhà thuốc là một khâu rất quan trọng trong lưu thông các loại thuốc.
Dây chuyền sản xuất thuốc của Tipharco. Ảnh: Phương Anh

Theo Sở Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước đang được cải thiện dần, bởi khả năng sản xuất, ứng dụng công nghệ của các công ty dược trong nước được triển khai khá bài bản. Thực tế cho thấy, công nghệ sản xuất thuốc ngày một nâng cao. Các đơn vị sản xuất thuốc trong nước cũng như của tỉnh đã nhập khẩu thiết bị hiện đại, mua dây chuyền công nghệ cũng như tăng cường sản xuất nhượng quyền các sản phẩm công nghệ cao.

Các loại thuốc sản xuất trong nước đã bao phủ tất cả các nhóm tác dụng dược theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới và được chuẩn hóa quốc tế các nguyên tắc từ sản xuất, kiểm nghiệm, bảo quản, phân phối sỉ và lẻ. Điều này cho thấy, năng lực sản xuất thuốc trong nước khá lớn và có khả năng đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân.

Mặc dù các doanh nghiệp dược của Việt Nam cũng như của tỉnh đã cố gắng đầu tư, nghiên cứu để sản xuất ra những sản phẩm thuốc bảo đảm chất lượng, với giá thành rẻ hơn so với thuốc nhập khẩu có cùng thành phần, nhưng thực tế tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong nhân dân cũng như trong các cơ sở y tế vẫn còn thấp.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam (tính theo tỷ trọng tiền thuốc) ở tuyến Trung ương chỉ khoảng 10%, tuyến tỉnh trên 40% và cao nhất là tuyến huyện trên 50%. Điều này phản ánh thực tế, cơ sở khám chữa bệnh càng ở tuyến trên, việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước càng ít; bởi chủ yếu điều trị bệnh nặng, thuốc trong nước chưa đáp ứng được.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng không chỉ người bệnh mà ngay cả các thầy thuốc trong nghề cũng tỏ ra băn khoăn về chất lượng thuốc sản xuất trong nước. Có bác sĩ cho biết, vẫn biết rằng ưu tiên sử dụng thuốc nội nhưng muốn lựa chọn sử dụng thuốc nào thì tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất vẫn phải là an toàn, hiệu quả, sau đó mới đến giá cả.

Một trong những nguyên nhân thuốc nội chưa được sử dụng nhiều còn vì người thầy thuốc chưa thay đổi nhận thức, thói quen và còn vì nguồn thu nhập của bác sĩ kê đơn. Đối với các bệnh viện, có thể đã không chỉ đạo quyết liệt khối điều trị phải ưu tiên sử dụng thuốc nội, do sợ giảm đáng kể nguồn thu (vì hầu hết các bệnh viện đều hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính).

Đối với người có thu nhập cao, vẫn có tâm lý “sính ngoại” và họ không tiếc tiền cho chi phí khám chữa bệnh. Thuốc cũng là mặt hàng nên cũng tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, phải bảo đảm các tiêu chí chất lượng, hiệu quả, an toàn, giá cả hợp lý.

Để tiếp tục tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước, Bộ Y tế đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” trên phạm vi cả nước. Đề án được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy việc tăng cường sản xuất các loại thuốc có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh trong cả nước.

Đề án này còn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ cho ngành Dược Việt Nam phát triển bền vững, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân một cách ổn định và không lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài.

Tại tỉnh Tiền Giang, Sở Y tế cũng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 và được UBND tỉnh phê duyệt với các nội dung mục tiêu như: Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuốc trong tỉnh, cơ sở y tế ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam; tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam/tổng số tiền mua thuốc tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế 1 - 4%/năm; trên 80% đơn thuốc điều trị ngoại trú có kê thuốc tại Việt Nam; tuyên truyền về chất lượng, hiệu quả của thuốc sản xuất tại Việt Nam và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dược tại Việt Nam; vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”…

Bên cạnh việc triển khai thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” rộng khắp cả nước, việc tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không thể nào khác hơn là tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy, tạo niềm tin cho người dân, cơ sở y tế tăng cường sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam.

Trong đó, nêu cao trách nhiệm của chính y, bác sĩ trong việc kê toa thuốc sản xuất trong nước; đồng thời phải có những chế tài cụ thể đối với những cơ sở khám chữa bệnh, y, bác sĩ “sính” thuốc ngoại không cần thiết. Có như vậy mới hy vọng gây dựng hình ảnh thuốc Việt cũng như giảm bớt gánh nặng cho người bệnh. Nếu không, chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” cũng chỉ là hô hào khẩu hiệu!

PHƯƠNG NGHI

.
.
.