Thứ Hai, 09/05/2016, 14:28 (GMT+7)
.

Giải pháp phát triển nuôi thủy sản trên huyện cù lao

Với địa hình cù lao thuộc vùng mặn lợ nên có nhiều điều kiện phát triển ngành, nghề nuôi thủy sản. Những năm qua, diện tích nuôi tôm ngày càng được mở rộng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình và kinh tế địa phương, góp phần khẳng định tiềm năng thế mạnh của vùng đất này.

1. Phát huy tiềm năng thế mạnh đó, được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, nhiều công trình thủy lợi phục vụ việc nuôi trồng, khai thác thủy sản liên tục được xây dựng, góp phần quan trọng cho việc thực hiện bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao đời sống nhân dân. Trên cơ sở của sự hình thành kể trên, ngay từ khi thành lập huyện, nghề nuôi thủy sản đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Theo đó, các công trình kết cấu cơ sở hạ tầng như đường giao thông, lưới điện nông thôn… tiếp tục được mở rộng trong các vùng nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và bảo đảm vận chuyển lưu thông hàng hóa. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KH-KT), hỗ trợ vốn, giống cho người nuôi cũng được chú trọng hơn. Nhờ vậy, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện liên tục tăng qua từng năm.

Theo thống kê, từ năm 2011 - 2016, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đã tăng từ 3.000 ha lên 5.000 ha với chủ yếu là con tôm được nuôi theo 2 hình thức là quảng canh và công nghiệp (có khoảng 1.800 ha nuôi tôm công nghiệp 2 vụ/năm).

Không chỉ tăng diện tích thả nuôi mà năng suất tôm nuôi cũng tăng từ 0,5 - 1 tấn/ha. Theo chiết tính, đối với tôm sú, năng suất thu hoạch bình quân từ 5 - 7 tấn/ha và từ 6 - 8 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng, sau khi trừ chi phí sản xuất, người nuôi đạt lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng ha/vụ.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi thủy sản, huyện đã thành lập 11 tổ quản lý cộng đồng nhằm để vận động ngư dân góp vốn tự nguyện dập dịch khi có bệnh xảy ra trên tôm.

Các tổ quản lý cộng đồng trên thuận lợi trong việc phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Trạm Thủy sản, Thú y huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao KH-KT, hướng dẫn hộ nuôi tôm thực hiện đúng các giải pháp kỹ thuật để nuôi có hiệu quả; đồng thời quản lý tình hình sản xuất tôm giống trên địa bàn huyện, giống du nhập vào địa phương không qua kiểm dịch để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trong vùng nuôi tôm.

 Thu hoạch tôm nuôi quảng canh tại xã Phú Đông.
Thu hoạch tôm nuôi quảng canh tại xã Phú Đông.

Trên địa bàn huyện còn có hơn 500 ha mô hình tôm - lúa. Hầu hết diện tích này là đầm nuôi tôm theo hình thức quảng canh. Nhưng để tăng thêm thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác nên bà con đã gieo sạ hoặc cấy lúa dưới đầm nuôi tôm. Thời gian qua, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao do nông dân áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây lúa, giảm được nhiều chi phí sản xuất.

2. Có thể nói, với điều kiện địa lý và môi trường thổ nhưỡng thích hợp cho nuôi thủy sản, thời gian qua, phong trào nuôi tôm không chỉ phát triển mạnh ở 2 xã giáp biển Phú Tân, Phú Đông mà còn lan rộng ra các xã Tân Thạnh, Phú Thạnh và Tân Phú. Đến nay, có 5/6 xã trong huyện đã hình thành được vùng nuôi tôm.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực trạng hiện nay là việc quy hoạch vùng nuôi còn chưa đồng bộ, phong trào nuôi tôm tự phát còn khá phổ biến ở các xã dẫn đến tình trạng quản lý dịch bệnh trên tôm lỏng lẻo, nhất là công tác kiểm soát nguồn tôm giống còn rất hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh mầm bệnh trên tôm trong thời gian qua.

Thực tế ghi nhận, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên tôm thường hay xảy ra ở huyện Tân Phú Đông. Tuy không lây lan diện rộng nhưng cũng ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm khi thu hoạch. Một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên tôm là do công tác quản lý, kiểm tra nguồn tôm giống nhập vào địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, nhận thức của người nuôi về vấn đề này còn nhiều hạn chế.

Để phong trào nuôi  thủy sản của huyện phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới, yêu cầu quan trọng trước nhất là quy hoạch vùng nuôi trên cơ sở các mô hình đã được xác định mang lại hiệu quả kinh tế cao là nuôi công nghiệp, quảng canh và mô hình tôm - lúa. Huyện đang phấn đấu nâng diện tích mô hình tôm - lúa từ 500 ha lên 1.000 ha.

Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện đang tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ quản lý cộng đồng, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kết hợp vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi trong việc bảo vệ môi trường nước, không để phát sinh mầm bệnh trên tôm.

Theo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Phú Đông, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, Tân Phú Đông chú trọng xây dựng các vùng nuôi tôm nước mặn lợ với tỷ lệ thâm canh thích hợp; đẩy mạnh phát triển sản xuất xã chuyên ngư Phú Tân, xây dựng mô hình nuôi thủy sản tập trung, đa dạng hóa mô hình nuôi theo từng vùng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong vùng nuôi tập trung, thực hiện tốt lịch thời vụ, ứng dụng tiến bộ KH-KT mới vào nuôi thủy sản.

Đối với vùng ngoài đê các xã Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh, huyện định hướng chuyển những diện tích đất trồng trọt kém hiệu quả sang đào ao nuôi thủy sản. Huyện còn quan tâm khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản cung cấp cho người dân địa phương, tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn giống, thức ăn thủy sản và thuốc thú y nhập vào địa bàn huyện, nhằm bảo vệ tốt môi trường vùng nuôi để phát triển bền vững phong trào nuôi thủy sản ở huyện Tân Phú Đông.

HỮU DƯ

.
.
.