Huyện Gò Công Tây: Chuyển đổi cây trồng ở những vùng đất khó
Những khu vực cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công thường xuyên gặp khó khăn về nước vào đầu vụ hè thu và cuối vụ đông xuân. Khu vực ven đê của xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) là một trong những khu vực như thế. Đó là lý do nông dân nơi đây đang đẩy mạnh chuyển đổi từ trồng lúa sang những cây trồng ít sử dụng nước.
Nhiều diện tích trồng lúa gặp khó khăn về nước ở ấp Khương Thọ, xã Đồng Sơn chuyển đổi sang trồng thanh long. |
Chúng tôi về khu vực các ấp ven đê sông Tra của xã Đồng Sơn trong những ngày cuối tháng 4, khi cơn đại hạn vừa gây thiệt hại nặng cho nhiều nông dân trồng lúa vùng Ngọt hóa Gò Công. Trong khi những nông dân trồng lúa thuộc ấp Ninh Đồng A và Khương Thọ bị thiệt hại nặng trong vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 thì những nhà vườn trồng thanh long lại rất phấn khởi do bán thanh long được giá.
Gặp anh Đặng Ngọc Thanh, ấp Khương Thọ, chở phân để bón cho thanh long vừa về đến nhà, cho biết 2 công thanh long của anh trồng cách nay được 2 năm. Hiện nay, thanh long đã bắt đầu cho trái chiếng. Vừa qua, anh thu hoạch nửa vườn bán được 22 triệu đồng.
Cũng theo anh, do đợt ra hoa, cho trái vào mùa khô hạn, nắng nóng, nguồn nước cung cấp không dồi dào nên năng suất không cao; nếu xử lý vào thời điểm có nước đầy đủ, năng suất thanh long sẽ cao hơn. Dù vậy, theo anh đây là số tiền mà trước đây trồng lúa anh chưa bao giờ có được.
“Trước đây, tôi cũng trồng lúa như nhiều bà con khác ở đây nhưng dần thấy nguồn nước bấp bênh quá, rủi ro trong trồng lúa cao, trong khi đó nông dân ở ấp Ninh Đồng B cùng xã đã chuyển đổi sang trồng thanh long cho hiệu quả tốt nên tôi quyết định chuyển đổi.
Và bây giờ, vườn thanh long của tôi đã cho hiệu quả bước đầu. Tất nhiên trồng thanh long phải chấp nhận giá lúc lên, lúc xuống nhưng chỉ cần giá khoảng 5.000 đồng/kg trở lên thì thu nhập từ thanh long vẫn cao hơn so với trồng lúa” - anh Thanh cho biết.
Không riêng gì anh Thanh, vài năm gần đây, trước việc nguồn nước sản xuất cho khu vực ven đê ở Đồng Sơn thường xuyên bị thiếu hụt vào cuối vụ đông xuân nên ngày càng có nhiều nông dân chuyển trồng lúa sang trồng thanh long. Đặc biệt, sau vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, người trồng lúa bị thiệt hại nặng do thiếu nước, nông dân đã đổ xô lên trụ trồng thanh long.
Ông Phạm Văn Minh, ấp Khương Thọ, cho biết vụ đông xuân 2015 - 2016, hơn 7 công trồng lúa bị thất trắng với chi phí trên 10 triệu đồng còn nợ ở đại lý. Không chỉ năm nay trồng lúa gặp khó khăn về nước mà vụ lúa đông xuân 2014 - 2015, tuy không bị thiệt hại nhưng để cứu lúa, chính quyền và nông dân nơi đây phải tổ chức bơm chuyền.
Sau vụ đông xuân 2015 - 2016, nhiều ngành dự báo tình hình nước sản xuất lúa ở khu vực này sẽ tiếp tục khó khăn nếu sản xuất 3 vụ/năm. “Tôi thấy làm lúa ở đây giờ khó ăn quá, hiệu quả thấp nên quyết định lên mô đổ trụ trồng 5 công thanh long, 2 công còn lại trồng rau màu. Hiện tại, tôi đã đổ trụ xong, mưa xuống là trồng ngay. Không chỉ tôi, giờ đây có nhiều người ở khu vực này cũng bỏ lúa trồng thanh long” - ông Minh nói.
Ở ấp Ninh Đồng A cũng có nhiều hộ dân đang xúc tiến chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng thanh long. Anh Huỳnh Thanh Vũ, ấp Ninh Đồng A cho biết, vụ rồi người mướn đất của anh trồng lúa bị thiệt hại trắng nên vụ này họ trả lại, do vậy anh chuyển sang trồng thanh long. Còn ông Trần Văn Đồng nhà cạnh bên cũng đang đổ trụ thanh long cho 2 công đất nhà và cho biết khoảng 1 tháng nữa sẽ trồng.
Theo người dân khu vực ven đê của xã Đồng Sơn, ấp Khương Thọ và Ninh Đồng A trước đây chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm. Từ khi ngành chức năng xây dựng cống ngăn mặn, người dân bắt đầu tăng lên 3 vụ lúa/năm.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, cộng với khu vực này nằm xa nguồn nước nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước vào cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu. Mặt khác, khu vực nằm cuối nguồn ngọt hóa nên chất lượng nước thường không tốt (dễ nhiễm phèn, mặn) nên năng suất và chất lượng lúa không cao, việc sản xuất vụ đông xuân trong cơ cấu 3 vụ lúa/năm ở đây ngày càng trở nên bấp bênh.
Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020, diện tích lúa sẽ giảm khoảng 1.500 ha. Trong số diện tích lúa giảm này, huyện sẽ chuyển đổi sang trồng mãng cầu Xiêm 107 ha, 167 ha thanh long, 70 ha bưởi da xanh, 100 ha dừa và trồng cỏ nuôi bò, dê ở vùng khó khăn về nước và ở vùng xen kẽ các vườn cây ăn trái sản xuất lúa không hiệu quả. Huyện đang đề nghị tỉnh hỗ trợ huyện thực hiện việc chuyển đổi này. |
Ông Lê Văn Út Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn cho biết: Do ở cuối nguồn ngọt hóa nên chất lượng nước thấp, nếu không thiệt hại do thiếu nước hay phèn thì năng suất lúa cũng không cao, trung bình khoảng 4 tấn/ha, trong khi chi phí sản xuất lại cao hơn những vùng khác.
Xuất phát từ thực tế nguồn nước khó khăn, từ năm 2013 người dân ở khu vực này đã bắt đầu chuyển đổi sang trồng thanh long. Đến nay, diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng thanh long lên đến 47 ha. Đặc biệt, sau vụ đông xuân vừa qua, hiện nay người dân nơi đây đang đẩy mạnh chuyển đổi sang cây thanh long.
Cũng theo ông Út Anh, do thanh long là cây chịu hạn tốt, ít sử dụng nước nên rất phù hợp để chuyển đổi sang cây ăn trái này ở khu vực trồng lúa ven đê của xã. Việc chuyển đổi này cũng khá thuận lợi, bởi trước đây ấp Ninh Đồng B kề bên đã chuyển đổi từ trồng lúa sang cây thanh long cho hiệu quả rất tốt (khoảng 155 ha).
“Từ khó khăn về nguồn nước, xã đã xin huyện và đã được chấp nhận cho chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng thanh long ở 2 ô bao Ninh Đồng A và Khương Thọ với diện tích 167 ha. Hiện nay, xã đang tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cây trồng theo chủ trương trên. Để hỗ trợ cho việc chuyển đổi này, phía ngân hàng cũng đã cho vay vốn để người dân chuyển đổi.
Ngoài ra, xã cũng đang xin huyện cho chuyển đổi diện tích sản xuất lúa ở khu vực khó khăn về nước thuộc ấp Thạnh Thới để chuyển sang trồng mãng cầu Xiêm với diện tích khoảng 10 ha” - ông Út Anh cho biết.
TÂN PHÚ