Thứ Sáu, 06/05/2016, 14:02 (GMT+7)
.

Mô hình sản xuất kết hợp hiệu quả kinh tế cao

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, muốn nâng cao hiệu quả kinh tế, anh Cai Văn Đậm, xã Tân Phú (TX. Cai Lậy) đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích đất lúa sang trồng màu, kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình và đưa anh đến với danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. 

Anh Đậm chăm sóc rau màu.
Anh Đậm chăm sóc rau màu.

Anh Đậm khởi nghiệp với 11.000 m2 đất chuyên trồng lúa, nhưng cho hiệu quả kinh tế không cao, nhiều vụ bị dịch bệnh, sâu rầy phá hoại, không có lãi. Trước thực tế đó, anh Đậm quyết định chuyển 5.000 m2 đất, lên liếp chuyên canh cây màu, số đất còn lại vẫn duy trì diện tích lúa. Anh trồng các loại rau màu từ bầu, bí, dưa leo, bắp cho đến các loại rau củ.

Nhờ diện tích chuyên canh lớn, trồng tập trung, biết nắm bắt nhu cầu thị trường nên nhiều vụ rau màu trúng mùa, được giá và mỗi vụ sản xuất anh Đậm đều có lãi cao, lợi nhuận gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.

Bên cạnh đó, anh Đậm còn trồng cỏ và tận dụng các loại cây như bắp, đậu, rau muống… sau khi thu hoạch để chăn nuôi bò. Hiện tại, bò đã sinh sản, phát triển tốt và anh chuẩn bị tăng số lượng đàn bò.

Anh Đậm cho biết: “Nuôi bò chủ yếu lấy công làm lời, sản xuất nông nghiệp, trồng rau màu nên có rất nhiều cỏ và các loại rau màu sau khi thu hoạch còn làm thức ăn cho bò được. Ngoài ra, rơm sau khi thu hoạch, nếu trước đây mình đốt đồng thì nay đem về chất lại thành cây, để khi nắng hạn hay mưa dầm thiếu cỏ sẽ sử dụng rơm làm thức ăn cho bò, ít tốn chi phí mua thức ăn nên lợi nhuận từ nuôi bò rất khá. Phân bò thì ủ oai, để dành trồng rau màu, tiết kiệm được tiền mua phân hóa học”.

Anh Đậm còn xây chuồng và chăn nuôi heo thịt và heo sinh sản; đồng thời làm thêm nghề chà lúa thuê để tăng thêm thu nhập và tận dụng cám sau mỗi vụ chà lúa kết hợp với bột mì, cộng với thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho heo.

Nhờ cách kết hợp này đã tiết kiệm được chi phí, tăng thu nhập trong chăn nuôi, hạn chế bị thua lỗ mỗi khi giá heo hơi xuống thấp mà giá thức ăn lại tăng cao. Anh Đậm chia sẻ: “Nếu người nuôi heo thường sử dụng thức ăn công nghiệp, giá thành cao, khi xuất bán heo sẽ không có lãi cao, đôi khi giá heo xuống thấp lại còn bị thua lỗ. Cách làm của tôi đảm bảo có lãi, heo mau lớn, ít dịch bệnh, lại tiết kiệm được chi phí”.

Nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, hàng năm sau khi trừ các chi phí, mô hình sản xuất kết hợp đã giúp anh Đậm mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng, có điều kiện nuôi các con ăn học và xây dựng nhà cửa khang trang. Nhiều năm liền anh Đậm được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

VĂN MINH

.
.
.