Thứ Tư, 11/05/2016, 15:12 (GMT+7)
.

Thanh long là cây trồng chủ lực

Mô hình trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo đã cho hiệu quả, thu nhập người dân ngày càng nâng lên, đời sống các hộ trồng được cải thiện, vùng quê từng bước đổi thay… Từ những hiệu quả đó, ngành chức năng tỉnh, huyện xác định thanh long là cây trồng chủ lực và đang có chủ trương mở rộng diện tích, chuyển đổi những cây trồng không thích hợp sang trồng thanh long.

Từ năm 2009 - 2015, Đề án phát triển cây thanh long được triển khai thực hiện tại 12 xã thuộc huyện Chợ Gạo. Kể từ khi triển khai đề án, diện tích cây thanh long được nâng lên gần 4.400 ha, tăng 2,5 lần so với trước đó. Năng suất bình quân tăng 1,68 lần, đạt 30 tấn/ha; sản lượng tăng 2,9 lần, đạt 96.000 tấn.

Trồng thanh long mang lại thu nhập cao cho người dân.
Trồng thanh long mang lại thu nhập cao cho người dân.

Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho biết, trong quá trình triển khai đề án, huyện Chợ Gạo đã phối hợp cùng các ngành chức năng hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật trồng thanh long theo hướng an toàn, kỹ thuật ủ phân hữu cơ để bón thanh long, kỹ thuật sử dụng điện để xông thanh long cho ra hoa trái vụ.

Tập trung triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ thanh long, thực hiện các đề tài nhằm tăng phẩm chất trái thanh long; ứng dụng chiếu sáng bằng đèn Led, xử lý cành thanh long bị loại bỏ bằng các chủng vi sinh vật có lợi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sản xuất; khuyến khích nông dân thực hiện trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP.

Người trồng thanh long trong đề án còn được quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư, mở rộng các tuyến đường giao thông, nạo vét các công trình thủy lợi...

“Bên cạnh những thuận lợi, thanh long Chợ Gạo cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Người trồng chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP chưa ổn định; chưa có doanh nghiệp xuất trực tiếp sản phẩm trái thanh long. Nông dân chưa liên kết được trong sản xuất theo hợp đồng mua, bán. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất, tiêu thụ thanh long chưa cao, chưa ký hợp đồng bán sản phẩm ổn định…” - ông Lê Văn Mỹ nói.

Hàng năm, các HTX, THT tổ chức thu mua từ 6.000 - 10.000 tấn sản phẩm thanh long của các hộ nông dân. 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH Long Việt và doanh nghiệp tư nhân Chín Sơn) thu mua, đóng gói với sản lượng tiêu thụ trên 300 tấn/tháng và 44 cơ sở thu mua nhỏ tiêu thụ cho người dân từ 50 - 100 tấn thanh long/tháng. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ, Công ty TNHH Long Việt (huyện Chợ Gạo) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất thanh long sạch với quy mô 30 ha.

Ngoài ra, Công ty TNHH Long Việt còn phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh triển khai dự án 100 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tập trung trên địa bàn xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo.

Toàn bộ thanh long trồng trong vùng dự án được Công ty TNHH Long Việt ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao hơn thị trường 10%; đồng thời công ty hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế đóng gói theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) cho biết, hàng năm nguồn thanh long trong dân rất lớn, nhưng doanh nghiệp chỉ thu mua khoảng 2.000 tấn/năm. Sở dĩ công ty mua ít là vì giá cả thanh long luôn biến động, chất lượng bên trong rất khó kiểm soát. Việc xuất tươi gặp nhiều trở ngại do giá thành quá cao.

Mô hình trồng theo tiêu chuẩn GAP chưa thu hút được nông dân tham gia, do giá cả làm theo quy trình ngang bằng với giá không làm theo quy trình. Từ đó, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thanh long đạt tiêu chuẩn để ký kết hợp đồng với đối tác.

Ngoài ra, trái thanh long của chúng ta còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngưng thu mua thì trái thanh long của chúng ta sẽ bị ách tắc ngay, giá cả xuống dốc rất nhanh.

Trong thời gian tới, huyện Chợ Gạo sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long thêm 2.400 - 2.900 ha, nâng tổng diện tích cây thanh long trong vùng lên từ 6.500 - 7.000 ha vào năm 2020. Trong đó, diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP chiếm từ 30% - 40%.

Theo ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, huyện sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng hỗ trợ người trồng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu.

Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, THT sử dụng nhãn hiệu chứng nhận xuất xứ hàng hóa thanh long Chợ Gạo để quảng bá, tiếp thị; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, nhu cầu, thị hiếu khách hàng để chủ động trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tìm kiếm thêm thị trường trong và ngoài nước nhằm giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Để mở rộng diện tích trồng thanh long, huyện Chợ Gạo đề nghị ngành Điện lực đầu tư 22,48 km đường dây trung thế 3 pha, 9,65 km đường dây trung thế 1 pha ở các tuyến đường trục chính, 45 km đường dây trung thế 1 pha đến hộ sản xuất theo đề án đã được phê duyệt để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện xông thanh long của các hộ dân. 

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, huyện Chợ Gạo và các ngành chức năng cần quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư, thống kê thu nhập của người trồng thanh long. Tìm kiếm thêm thị trường để đầu ra của trái thanh long dễ dàng hơn.

Ngoài ra, để phát triển thanh long thì cần đầu tư cơ sở hạ tầng, có cơ chế quản lý. Mô hình trồng thanh long đã cho hiệu quả bước đầu, vì vậy xem xét cho xây dựng đề án giai đoạn 2016 - 2020. Cây thanh long là cây trồng chủ lực, được tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ từ mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đến kiện toàn hệ thống hạ tầng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng thanh long đạt lợi nhuận cao nhất…

SĨ NGUYÊN

.
.
.