Thực hiện các giải pháp đồng bộ để hạn chế tai nạn tàu cá
Tai nạn tàu cá (TNTC) luôn là nỗi lo lắng của ngư dân đánh bắt thủy sản do phần lớn TNTC gây ra những thiệt hại nghiệm trọng đến tính mạng và tài sản của ngư dân. Tuy nhiên, việc ứng cứu mỗi khi tàu cá bị tai nạn trên biển thường khó khăn hơn rất nhiều so với trên đất liền.
Do đó, việc thực hiện các giải pháp giúp giảm thiểu TNTC trên biển là việc làm cấp thiết, giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác thủy sản cung cấp sản phẩm cho xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để hạn chế tai nạn tàu cá trên biển (Ảnh chụp ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông). |
TAI NẠN TÀU CÁ VẪN CÒN NHIỀU
Trong những năm gần đây, TNTC có xu hướng tăng và gây thiệt hại lớn về người và tài sản của ngư dân. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, nếu như năm 2014 Tiền Giang chỉ có 9 vụ tai nạn tàu cá làm chết 1 người, mất tích 2 người và gây thiệt hại tài sản khoảng 2,53 tỷ đồng thì năm 2015 có tới 20 vụ TNTC làm chết và mất tích 8 người, gây hư hại 13 tàu cá với giá trị thiệt hại khoảng 13 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2016, tỉnh đã có 4 vụ TNTC gây thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng và có 1 người thiệt mạng.
Ông Đoàn Vũ Phương, chủ tàu cá TG-94925-TS cho biết, ngày 27-3-2016, khi tàu đang khai thác thủy sản trên biển tại tọa độ 09000’N - 107000’E thì tàu bị phá nước buồng máy gây chìm. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng giá trị thiệt hại về tài sản và tiền thuê trục vớt tàu khoảng 1 tỷ đồng.
Còn bà Phạm Thị Lan, khu phố 4, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông là chị ruột của ngư dân Phạm Văn Thân bị tai nạn chết khi đang khai thác thủy sản trên biển cho biết, ngày 11-12-2015, em bà đi nhờ tàu cá TG-93446-TS để vào đất liền giải quyết việc gia đình. Trên đường từ ngư trường vào đất liền thì lúc 2 giờ ngày 12-12-2015 nạn nhân Phạm Văn Thân rớt xuống biển mất tích và tới ngày 15-12-2015 mới tìm được thi thể nạn nhân.
Qua điều tra các vụ tai nạn cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn thông thường là do sự chủ quan của các chủ tàu cá hay các tàu cá không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Cụ thể, có trường hợp tàu cá bị vỡ, phá nước do thân tàu không đảm bảo an toàn kỹ thuật hoặc vượt quá khả năng an toàn của tàu. Tàu bị hư hỏng máy, hệ trục do sử dụng máy cũ làm máy chính trên tàu hoặc do người sử dụng không thực hiện nghiêm túc các quy trình sử dụng máy tàu.
Người rơi xuống nước khi làm việc và sinh hoạt do bất cẩn của thuyền viên. Tàu bị chìm đắm do các cửa, nắp hầm không kín nước, không đảm bảo an toàn kỹ thuật dẫn đến nước tràn vào các khoang khi gặp sóng to, gió lớn. Tàu bị đâm, va do không có các trang thiết bị tín hiệu (đèn, còi), trang thiết bị hàng hải hoặc không có người cảnh giới hành trình cũng như neo đậu…
Từ những bất cập nêu trên có thể nói các tai nạn tàu cá xảy ra là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi đa số ngư dân chưa có đủ nhận thức, năng lực vận hành con tàu, trong khi công tác đăng kiểm tàu cá chưa đảm bảo thực hiện theo đúng quy chuẩn kỹ thuật do thiếu nhân lực và cơ sở vật chất.
Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ tai nạn cũng như mức độ thiệt hại đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải có những giải pháp khả thi, hiệu quả đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Trong đó, cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa đảm bảo an toàn với điều kiện kinh tế còn khó khăn của ngư dân; hiện đại hóa đội tàu với năng lực vận hành của ngư dân; phát triển nghề cá xa bờ với điều kiện kinh tế, kỹ thuật còn hạn chế của đất nước.
Những năm gần đây, ngư dân có xu hướng khai thác thủy sản ngày càng xa bờ, để mưu sinh và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nhưng vì điều kiện kinh tế còn hạn chế nên các tàu cá chưa được nâng cấp đúng mức. Do đó, nếu áp dụng đúng các tiêu chuẩn hiện hành thì hầu hết các tàu cá sẽ bị hạn chế hoặc cấm hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống ngư dân. Cân nhắc những điều này buộc các cơ quan Nhà nước phải chấp nhận để tàu cá ra biển.
CẦN THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP
Để hạn chế TNTC, theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, trước mắt cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân trong công tác đảm bảo an toàn và ý thức tuân thủ quy định pháp luật nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.
Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của ngư dân trong công tác đảm bảo an toàn và tự giác thực hiện các quy định đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, huấn luyện sử dụng các trang thiết bị trên tàu, các kiến thức và kinh nghiệm trong việc phòng ngừa tai nạn.
Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển thông qua hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá và phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các tổ chức, ban ngành liên quan nhằm chủ động cảnh báo thiên tai, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ, cứu nạn.
Tại Hội nghị đảm bảo an toàn tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đánh giá: Tình hình tai nạn xảy ra rất nghiêm trọng đối với ngư dân ta, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân khai thác hải sản… Ngoài thiên tai gây ra, ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên biển bị tai nạn xảy ra bất kỳ lúc nào, trong đó có một số nguyên nhân như công tác đăng ký, đăng kiểm, đào tạo, tuyên truyền chưa thực sự tốt. |
Qua thực tế cho thấy, để tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nỗ lực giảm thiểu tai nạn tàu cá cần có những biện pháp mang tính kỹ thuật mà trách nhiệm này thuộc về các cơ quan đăng kiểm tàu cá.
Cụ thể, cần thiết lập các mẫu tàu cá cố định đối với từng nghề khai thác thủy sản để làm cơ sở đánh giá chất lượng đội tàu cá hiện có, giám sát đóng mới đảm bảo chất lượng; đồng thời giúp cơ quan đăng kiểm tàu cá có cơ sở phân cấp tàu.
Từ việc đánh giá chất lượng đội tàu, tiến hành phân loại tàu theo tuổi thọ, theo vùng hoạt động và theo khả năng an toàn của tàu để có các biện pháp hạn chế hoạt động đối với các tàu đã hoạt động nhiều năm, các tàu hạn chế về khả năng an toàn thông qua việc tăng tần suất kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với các tàu này.
Bên cạnh đó, cần tăng cường khâu quản lý kỹ thuật với các tàu cá, đảm bảo các tàu cá đều có hồ sơ kỹ thuật để theo dõi quản lý con tàu từ khi đóng mới, quá trình sử dụng cho đến khi giải bản (thay thế hoặc phá hủy).
Các đăng kiểm viên cần nâng cao chất lượng kiểm tra an toàn kỹ thuật, kiểm tra các trang thiết bị trên tàu như: Chất lượng vỏ tàu, máy tàu, hệ thống đèn hiệu, hệ thống neo và dây neo, bình cứu hỏa, phao cứu sinh, áo phao...
Ðưa ra khuyến cáo bằng văn bản cho ngư dân về tình trạng chất lượng của tàu, về trạng thái an toàn của tàu với các đề xuất cụ thể để nâng cao khả năng an toàn của tàu, về các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, đặc biệt là trong điều kiện mưa bão.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn không cho các tàu thuyền không đủ giấy tờ, không đảm bảo an toàn kỹ thuật ra biển. Cơ quan quản lý tàu cá cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan vận động triển khai các mô hình tổ đội sản xuất trên biển nhằm áp dụng biện pháp hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất cũng như trong tìm kiếm cứu nạn trong cộng đồng ngư dân.
Ngày 12-4-2016, UBND tỉnh có Công văn 1496/UBND-KTN về việc tăng cường đảm bảo an toàn lực lượng tàu cá hoạt động trên biển. Theo đó, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh), các sở, ngành tỉnh có liên quan và địa phương tăng cường tổ chức triển khai, hướng dẫn thông báo cho ngư dân biết tình hình thời tiết và quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển; tổ chức phối hợp thực hiện tốt việc cứu hộ, cứu nạn tàu cá bị nạn.
THÀNH CÔNG